Vụ việc bắt nguồn từ hơn một năm trước khi Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan khởi tố vụ án buôn lậu chuyển Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (C46, Bộ Công an) đối với Cty TNHH thương mại một thành viên Ngọc Hưng (thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) liên quan đến lô hàng 535,8m3 gỗ tạm nhập tái xuất.
Lô hàng gỗ trắc Cambốt của Công ty Ngọc Hưng |
Qua xem xét, C46 nhận thấy lô hàng không có dấu hiệu buôn lậu vì có đầy đủ tờ khai nhập khẩu và thủ tục xuất khẩu nên đã có văn bản gửi Tổng cục Hải quan (TCHQ) nêu rõ quan điểm của mình. Thấy vậy, TCHQ lại đề nghị chuyển vụ việc cho C44 - Bộ Công an tiếp nhận và điều tra vụ án.
"Vào cuộc", C44 đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Trương Huy Liệu - Phó Giám đốc Cty Ngọc Hưng và khởi tố bị can cho tại ngoại đối với bà Trần Thị Dung - Giám đốc DN. Lô hàng 535,8m3 gỗ trắc đóng trong 21 container bị tạm giữ tại cảng Đà Nẵng.
Qua kiểm tra lô hàng, Hải quan phát hiện ra hơn 21m3 gỗ không đúng chủng loại hàng khai báo, nhưng là những loại gỗ kém giá trị hơn chủng loại gỗ đã khai báo là gỗ trắc. Điều quan trọng nhất là cộng số gỗ không đúng chủng loại và số gỗ trắc trong 21 container, tổng số gỗ không vượt quá 535,8m3. Như vậy theo quy định, Cty chỉ vi phạm hành chính về hải quan là khai báo không đúng chủng loại.
Việc khai báo này trên thực tế không gây thiệt hại gì, mà DN còn phải đóng thuế theo chủng loại gỗ trắc cao hơn nhóm gỗ khai sai. Vụ việc chỉ đơn giản vậy, nhưng Cty Ngọc Hưng vẫn bị khởi tố hình sự, cả Giám đốc và Phó Giám đốc đều bị khởi tố. Hàng hóa bị thu giữ hơn một năm nay. Mặc dù DN đã gửi đơn kêu cứu đến khắp các cơ quan có trách nhiệm nhưng vẫn không được lắng nghe, giải quyết.
Ngoài việc khởi tố bắt giam đối với lãnh đạo Cty Ngọc Hưng, C44 đã niêm phong kho hàng không liên quan đến vụ án của DN tại địa chỉ số 645-647 Lê Duẩn, phường Đông Lương, TP.Đông Hà. Đây là lô hàng nhập khẩu theo 4 tờ khai hải quan khác nhau, hoàn toàn độc lập và không liên quan gì đến lô hàng bị tạm giữ ở Đà Nẵng. Mặc dù DN đã chứng minh họ làm đúng các quy định của Nhà nước về nhập và xuất khẩu gỗ, lô hàng vẫn bị niêm phong từ 19/11/2012.
Sau 3 tháng xác minh, C44 đã tiến hành giải tỏa niêm phong nhưng lại “giao cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định”. Cơ quan có thẩm quyền là cơ quan nào thì không thấy đề cập đến, trong khi toàn bộ giấy tờ về lô hàng trong kho vẫn bị C44 giữ.
Theo Luật sư Hoàng Văn Dũng (Cty Luật Bross&parner, Hà Nội), C44 có thẩm quyền niêm phong kho hàng nếu phát hiện lô hàng có dấu hiệu vi phạm để phục vụ công tác điều tra nhưng việc cơ quan này dỡ niêm phong rồi lại mượn seal của Hải quan Quảng Trị - một đơn vị hoàn toàn không phải là cơ quan tiến hành tố tụng - để niêm phong là rất “khó hiểu” về tính hợp pháp.
Hậu quả là, Cty Ngọc Hưng không thể quản lý hay sử dụng tài sản hợp pháp của mình. Liên tục trong những tháng ngày qua, kẻ gian đã đột nhập vào kho lấy đi rất nhiều gỗ nhóm 1 quý hiếm. DN và Luật sư của mình đã liên tục có công văn gửi C44 và các cơ quan liên quan yêu cầu giải tỏa kho hàng nhưng đều không nhận được hồi âm. Nguy cơ DN phá sản trước khi công lý được thực thi đã hiện hữu.
Liên quan đến vụ án, trong quá trình thu thập chứng cứ tìm cho ra tội buôn lậu của Cty Ngọc Hưng, C44 đã triệu tập các nhân viên hải quan từng tham gia kiểm hóa lô hàng và các nhân viên của Cty Ngọc Hưng.
Anh Trần Đình Quang, nhân viên Cty Ngọc Hưng - nhân chứng trong vụ án, sau nhiều lần bị triệu tập ra Hà Nội lấy lời khai, đã gửi đơn tố cáo bị ép cung vi phạm các quy định của luật tố tụng. Và rồi, sau lần gặp cuối cùng với điều tra viên, trở về nhà, vì quá tuyệt vọng, anh Quang đã tìm đến cái chết và để lại thư tuyệt mệnh nói rõ nguyên nhân vì sao mình tự tử.
Cho đến thời điểm hiện nay, cái chết của anh Quang vẫn chưa được điều tra kết luận.
Phương Hà