Thực tế đó khiến không ít doanh nghiệp xây lắp điện rơi vào thế khó khăn, thậm chí thua lỗ. Tiến độ một số công trình điện vì thế phải đối mặt với nguy cơ “vỡ trận”.
“Tiết kiệm khác hà tiện”
Ông Trịnh Văn Tuấn - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây lắp điện 1 (PCC1) không ngần ngại nói rằng, đơn giá và định mức áp cho các hạng mục thuộc công trình lưới điện hiện nay là bất hợp lý và lỗi thời... Vị này nói giá để làm ra một sản phẩm đối với công trình điện, theo quy định hiện đang ở dưới mức giá thành thực tế mà các doanh nghiệp bỏ ra để thi công, xây lắp.
“Ví dụ đơn giá nhà nước áp để đào một m3 đất thi công hố móng công trình đường dây chỉ có vài ngàn đồng, trong khi thực tế đơn vị thi công phải thuê xe máy đào đắp với giá ít nhất là 50.000 đồng/m3”, đại diện PCC1 dẫn chứng.
Hiện nay, công trình đường dây 500kV mạch 3 đang là tâm điểm của ngành Điện vì nó đóng vai trò quan trọng trong khâu truyền tải và đảm bảo an ninh năng lượng cho miền Nam, những công trình này cũng là chủ đề để chủ đầu tư, các doanh nghiệp xây lắp điện dẫn chứng khi nói về những điểm thiếu hợp lý trong quá trình phê duyệt đơn giá, dự toán công trình.
Cụ thể, tại dự án trên, ở lô 9.11 (khu vực qua đèo Hải Vân), PCC1 thi công 42 vị trí móng, nhưng tổng giá trị đền bù đất mượn thi công chỉ được phê duyệt hơn 1 tỷ đồng. Con số này chắc chắn sẽ thiếu hụt nếu đơn vị thi công đưa nhân công, xe máy ra triển khai ngoài thực địa.
Trao đổi với PLVN, ông Nguyễn Đức Tuyển - Giám đốc Ban quản lý Dự án các công trình điện miền Trung (CPMB) cho hay, trước đây, đã có một bộ đơn giá định mức riêng đối với các công trình đường dây do Bộ Năng lượng ban hành, nhưng nay đã bỏ. Công trình điện cũng như các công trình xây dựng khác hiện đang áp cùng một định mức. “Sự bất hợp lý này khiến cho việc đấu thầu để lựa chọn nhà thầu xây lắp gặp không ít khó khăn. Do giá thấp, có khi phải làm đi làm lại nhiều lần, dẫn tới tiến độ công trình ít nhiều bị ảnh hưởng”, lời ông Tuyển.
Vẫn vấn đề trên, Chủ tịch PCC1 thẳng thắn: “Sự bất cập đó EVN biết, chủ đầu tư cũng biết rất rõ. Vì thế, cần khẩn trương kiến nghị để Bộ Xây dựng có điều chỉnh kịp thời và phù hợp. Tiết kiệm là cần thiết nhưng nó khác với hà tiện! Chúng ta phải cương quyết cắt giảm những khâu không cần thiết để làm lợi cho nhà nước, còn đơn giá, định mức thi công thì cần đảm bảo đủ. Nếu vẫn duy trì ở mức quá thấp thì sẽ đối mặt với hậu quả, mà điều dễ thấy là tiến độ công trình bị chậm”.
Chủ tịch EVN Dương Quang Thành kiểm tra công tác thi công Dự án đường dây 500kV đoạn Quảng Trạch - Dốc Sỏi |
Cà phê 300 ngàn đồng/cây, đền bạc triệu
Cũng là các công trình lưới điện, PCC1 còn cho biết thêm, tại Dự án đường dây 500kV Sông Hậu - Đức Hòa, doanh nghiệp này tham gia thi công hơn chục vị trí móng, được chủ đầu tư phê duyệt chi phí đền bù trên 1 tỷ đồng, nhưng con số thực mà nhà thầu này phải bỏ ra để chi trả trên tuyến là hơn 6 tỷ.
“Doanh nghiệp phải “cắn răng” chịu lỗ khoản này, nhưng tới nay công trình vẫn chưa thể thể hoàn thành dù đã vượt quá thời hạn 1 năm”, Trưởng phòng Kế hoạch PCC1 - bà Nguyễn Thị Hương nói và cho biết, khi “rơi” vào những tình huống như thế, doanh nghiệp nào có lực thì trụ được, còn không thì phải “giật gấu vá vai”, thậm chí thua lỗ, bỏ cuộc…
Ngoài cái khó về đơn giá, định mức, giới thầu xây lắp điện còn vấp không ít khó khăn khi thỏa thuận đền bù, hỗ trợ để có mặt bằng phục vụ thi công. Trưởng phòng Kế hoạch Công ty TNHH MTV Xây lắp điện 2 (PCC2) - bà Trần Thị Thanh Hải lấy ví dụ Dự án đường dây 220kV Pleiku - An Khê ở Tây Nguyên - đơn vị này thi công có vị trí phải băng qua những vườn cà phê bạt ngàn. “Mỗi cây giá chỉ chừng 300.000 - 400.000 đồng, nhưng có khi chúng tôi phải trả tới tiền triệu/cây. Một hộ được, thì nhiều hộ khác cũng xúm lại đòi như thế ”, lời bà Hải.
Tại Dự án đường dây 500 kV mạch 3, PCC2 thi công 3 lô thầu đoạn qua Quảng Bình và Kon Tum. Theo kế hoạch, toàn tuyến thuộc công trình này phải xong và đưa vào vận hành năm 2020, nhưng đến thời điểm này, PCC2 mới chỉ thỏa thuận đền bù được 2 vị trí móng tại Quảng Bình.
CPMB cho biết, đại diện chủ đầu tư rất chia sẻ với các đơn vị xây lắp vì những khó khăn trên. Nhưng cũng lưu ý, đường dây 500kV mạch 3 là công trình trọng điểm quốc gia, các nhà thầu cần phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư để kịp thời tháo gỡ những điểm nghẽn của dự án, nhất là khâu giải phóng mặt bằng. Dự kiến, cuối tháng 6 hoặc chậm nhất tháng 9/2019, mặt bằng trên toàn tuyến sẽ “sạch”.
“Thỏa thuận đền bù GPMB đối với công trình điện khác với đền bù đất để thi công một dự án bất động sản. Chủ đầu tư dự án nhà ở có thể thỏa thuận với dân về mức hỗ trợ, đền bù khi thu hồi đất, nếu thấy dự án sau khi bán ra có lãi. Còn với dự án đường dây, phục vụ an ninh năng lượng quốc gia như chúng tôi thi công mà áp dụng việc thỏa thuận là không hợp lý lắm.
Chưa kể thực tế giá gói thầu hiện rất thấp khiến nhiều doanh nghiệp lao đao. Nếu cứ theo giá thực ngoài thị trường để làm phương án chào thầu, thì sẽ vượt mức trần chủ đầu tư đưa ra (áp theo định mức nhà nước), còn nếu bỏ thấp hơn mức giá trần thì khi vào cuộc, nhiều nhà thầu sẽ lỗ. Bởi vậy, khối doanh nghiệp xây lắp điện đang khó khăn. Nhiều khi đi đấu thầu là để lấy việc làm cho người lao động để họ khỏi rời bỏ doanh nghiệp, chứ không quá đặt nặng chuyện lãi lời. Bất cập về đơn giá, định mức, giới thầu xây lắp điện đã có văn bản kiến nghị gửi VCCI, Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam. EVN, Bộ Công Thương và Bộ Xây dựng cần điều chỉnh những bất cập này”, ông Bùi Quang Cảnh - Giám đốc Công ty TNHH MTV Xây lắp điện 4.