Tối 4/11, phát biểu tại buổi lễ công bố Thương hiệu quốc gia năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: “Xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia Việt Nam là nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mang tính chiến lược, là sứ mệnh của tất cả chúng ta với sự kiên trì, nỗ lực và sáng tạo không ngừng nghỉ; trong đó việc xây dựng thương hiệu sản phẩm quốc gia là một trong những nội dung cốt lõi”.
Theo Thủ tướng, qua hơn 20 năm, Chương trình Thương hiệu quốc gia ngày càng khẳng định là 1 trong những Chương trình uy tín, chất lượng. Số doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia liên tục tăng qua các năm, từ 30 doanh nghiệp năm 2008 lên 190 doanh nghiệp năm 2024.
Chương trình vừa khẳng định chất lượng các sản phẩm, dịch vụ sản xuất tại Việt Nam, vừa khẳng định năng lực, trí tuệ, bản lĩnh, tính linh hoạt, sức sáng tạo của doanh nghiệp Việt, góp phần tạo dựng vị trí vững chắc tại thị trường trong nước và tô thắm hai chữ "Việt Nam" trên thị trường quốc tế; khẳng định sự đóng góp to lớn của doanh nghiệp Việt Nam trong công cuộc xây dựng Thương hiệu quốc gia.
Các doanh nghiệp được trao biểu trưng công nhận Thương hiệu quốc gia lần thứ 9, năm 2024 đều là những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh ấn tượng với tổng doanh thu năm 2023 đạt 2,4 triệu tỷ đồng, tổng nộp ngân sách nhà nước khoảng 150 nghìn tỷ đồng, bảo đảm công ăn, việc làm cho trên 600 nghìn lao động và người dân, tích cực tham gia vào các hoạt động an sinh xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Có nhiều doanh nghiệp đã nhiều lần liên tiếp đạt Thương hiệu quốc gia như Vinamilk, Agribank, Xây dựng Hòa Bình, Thiên Long, Tân Á Đại Thành, Giao hàng tiết kiệm, May 10, Lộc Trời, Hòa Phát, Điện Quang, Doji…
Theo đánh giá của Brand Finance, trong những năm gần đây, thương hiệu quốc gia Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc. Việt Nam không chỉ lọt vào Top 100 quốc gia có thương hiệu mạnh, mà còn là quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị thương hiệu nhanh nhất thế giới trong giai đoạn 2019-2022. Giá trị thương hiệu của Việt Nam năm 2024 được xếp thứ 32/193 quốc gia được đánh giá, đạt 507 tỷ USD, tăng 1 bậc về thứ hạng và tăng 2% về giá trị so với năm 2023.
“Đây là minh chứng rõ ràng cho nỗ lực không mệt mỏi của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, cùng với kết quả của Chương trình Thương hiệu quốc gia và tác động tích cực từ các cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước trong kiến tạo môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững” - Thủ tướng nói.
Thủ tướng nhấn mạnh, các doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam nói chung cần tiếp tục phát huy những giá trị cốt lõi “Chất lượng - Đổi mới - Sáng tạo - Năng lực tiên phong”; Tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, gắn bó, vì lợi ích của doanh nghiệp gắn với lợi ích quốc gia, dân tộc, nỗ lực vượt khó, đổi mới sáng tạo, không ngừng nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và từng bước cải thiện vững chắc năng lực cạnh tranh trong khu vực và toàn cầu, đóng góp cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
Đồng thời Thủ tướng lưu ý, thời gian tới các doanh nghiệp cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như không ngừng tập trung khai thác cơ hội từ xu hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; Tiên phong trong cuộc cách mạng xanh; Tận dụng lợi thế uy tín thương hiệu quốc gia, đồng thời kết hợp xây dựng thương hiệu sản phẩm với thương hiệu quốc gia Việt Nam; tích cực tìm kiếm, mở rộng thị trường quốc tế và tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Không ngừng đổi mới, sáng tạo, phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh; Áp dụng các công nghệ tiên tiến, như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, Internet vạn vật, tự động hóa trong sản xuất nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, chủ động tiến vào kỷ nguyên xanh.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trao biểu trưng Thương hiệu quốc gia cho các doanh nghiệp |
Đặc biệt, Thủ tướng mong muốn doanh nghiệp có hoài bão lớn và khát vọng phát triển, trở thành hình mẫu của tinh thần doanh nghiệp, kinh doanh liêm chính, nhân văn và có trách nhiệm. Tăng cường hơn nữa công tác thông tin truyền thông; bảo vệ bản quyền, giá trị thương hiệu.
Trước đó, phát biểu khai mạc Lễ công bố, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, thông qua Chương trình Thương hiệu quốc gia, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp Việt đã ý thức được vai trò, tầm quan trọng của thương hiệu - được xem như là “chìa khóa” giúp gia tăng giá trị sản phẩm, giá trị doanh nghiệp, bảo đảm phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đang diễn ra mạnh mẽ và là xu thế tất yếu trên phạm vi toàn cầu
Các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia đã liên tục tăng qua các kỳ xét chọn và khẳng định được vai trò tiên phong, tạo hiệu ứng lan tỏa, dẫn dắt các doanh nghiệp khác cùng phát triển; Đồng thời, đi đầu trong thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước, tạo việc làm cho người lao động và bảo đảm an sinh xã hội; đóng góp quan trọng vào việc gia tăng giá trị thương hiệu quốc gia, đưa Việt Nam vào nhóm các nước có thương hiệu mạnh trong khu vực và thế giới.
Sau 9 tháng rà soát thẩm định kỹ lưỡng hồ sơ của hơn 1.000 doanh nghiệp đăng ký tham gia, Hội đồng doanh nghiệp quốc gia đã thống nhất lựa chọn và công nhận 190 doanh nghiệp với 359 sản phẩm đủ điều kiện đạt danh hiệu Thương hiệu quốc gia Việt Nam, tăng 18 doanh nghiệp và 34 sản phẩm so với kỳ xét chọn trước và cao nhất từ trước tới nay. Có những doanh nghiệp tiếp tục đạt giải Thương hiệu quốc gia năm 2024 như: Công ty cổ phần tập đoàn Tân Á Đại Thành; Công ty cổ phần Văn phòng phẩm Hồng Hà, Công ty cổ phần Điện lực Gelex, Công ty TNHH may thêu giày An Phước...,