Tại buổi làm việc, ông Nông Tuấn Phong, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh ATTP tỉnh Cao Bằng đã báo cáo một số kết quả mà Ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh ATTP tỉnh đã thực hiện trong những tháng đầu năm 2024.
Theo đó, Ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh ATTP tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai; 10 huyện, Thành phố ban hành kế hoạch triển khai đảm bảo các mốc thời gian theo quy định. Công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, truyền thông phòng, chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm được triển khai rộng rãi.
Theo thống kê, toàn tỉnh đã tổ chức được 183 buổi hội thảo, tuyên truyền, với trên 7.000 lượt người tham gia; 2 lớp tập huấn ATTP, 73 người tham gia; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng 148 tin, bài, phóng sự, tọa đàm; treo 211 băng rôn, khẩu hiệu; cấp phát 2.300 tờ gấp, tờ rơi.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng thành lập 147 đoàn kiểm tra ATTP tại 320 cơ sở, trong đó, phát hiện 15 cơ sở vi phạm ATTP, các lỗi vi phạm chủ yếu là: Ghi nhãn thực phẩm không đầy đủ, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Qua đó, Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh đã chuyển hồ sơ cho đoàn kiểm tra liên ngành huyện, Thành phố xử lý theo quy định.
Đối với kiểm nghiệm thực phẩm, đã thực hiện xét nghiệm nhanh 287 mẫu; hóa lý 336 mẫu, trong đó, 296 mẫu đạt, 40 mẫu không đạt. Trong 4 tháng đầu năm, toàn tỉnh chưa ghi nhận ca, vụ ngộ độc thực phẩm nào.
Đoàn công tác kiểm tra an toàn thực phẩm tại siêu thị Ngọc Xuân thuộc Công ty cổ phần XNK Cao Bằng (Ảnh: Hoàng Thu) |
Ông Nông Tuấn Phong, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh ATTP tỉnh Cao Bằng đánh gía: “Đa số các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm chấp hành tương đối tốt các quy định đảm bảo ATTP; nhận thức về ATTP của người dân được nâng cao, người tiêu dùng đã biết lựa chọn thực phẩm đảm bảo an toàn để sử dụng. Tuy nhiên, công tác đảm bảo ATTP còn một số khó khăn như: Một số cơ sở chưa khám sức khỏe cho người lao động đầy đủ; không có giấy xác nhận kiến thức về ATTP; kinh doanh sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hết hạn sử dụng; sắp xếp bày bán hàng hóa thực phẩm chưa khoa học; chưa thực hiện cam kết bảo đảm ATTP với chính quyền địa phương; ghi chép sổ kiểm thực 3 bước chưa đầy đủ...”
Cũng tại buổi làm việc, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Việt Tấn đề nghị tỉnh Cao Bằng một số việc cần làm sau: Tiếp tục chỉ đạo triển khai phối hợp liên ngành công tác thanh tra, kiểm tra trong “Tháng hành động vì ATTP” năm 2024 theo kế hoạch. Tăng cường đẩy mạnh hậu kiểm tra; kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm quy định ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; thực hiện tốt các nội dung Chỉ thị số 17 của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới; chủ động đánh giá nguy cơ về ngộ độc thực phẩm tại các địa bàn, đối tượng cụ thể để có những biện pháp khắc phục kịp thời, giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn; đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin truyền thông tới các cơ sở sản xuất hoạt động mang tính chất thủ công, nhỏ lẻ, thời vụ, có tần suất thay đổi nhân công thường xuyên, từ đó nâng cao nhận thức của người dân trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm.
Về phía địa phương, tỉnh Cao bằng kiến nghị Trung ương sớm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Khoản 5, Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới "kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước theo hướng thống nhất chỉ một đầu mối thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh ATTP từ Trung ương tới địa phương". Lãnh đạo tỉnh mong muốncác Bộ Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục mở lớp đào tạo tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ, công chức, viên chức phụ trách công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về ATTP ở tuyến huyện, xã để công tác kiểm tra đạt hiệu quả cao.