Thưa ông, công tác chuẩn bị cho Lễ hội pháo hoa Quốc tế Đà Nẵng 2017 đang trong giai đoạn nước rút trước ngày khai mạc, xin ông cho biết tiến độ chuẩn bị hiện đến đâu?
Hiện nay tất cả các bộ phận, các đơn vị đều đang dồn sức tích cực để chuẩn bị cho đêm khai mạc DIFF vào tối ngày 30/4/2017 tại sân khấu Ngũ Hành của Đà Nẵng. Đây là một chương trình khổng lồ, với sân khấu hoành tráng sử dụng các công nghệ kĩ thuật cao như các dàn nâng hiện đại… Việc dựng sân khấu này không đơn giản. Dự kiến ngày 20/4, hệ thống sân khấu cùng với các hạng mục decor sẽ hoàn thành.
Sân khấu Ngũ hành như ông vừa nói sẽ khác biệt như thế nào so với những sân khấu khác?
Các năm trước, sân khấu mỗi đêm pháo hoa được thực hiện trên bờ sông Hàn. Nhưng năm nay, chúng tôi sẽ tạo dựng nên một không gian tổng thể với sân khấu cả trên không và trên mặt nước cũng như dọc theo bờ sông Hàn.
Sân khấu trên không sẽ được tạo điểm nhấn bởi 5 khinh khí cầu đến từ Hàn Quốc - tượng trưng cho ngũ hành. Còn trên mặt nước sông Hàn sẽ là một sân khấu mở 5 cạnh, tương ứng với ngũ hành. Mỗi đêm pháo hoa, hàng trăm nghệ sĩ sẽ xuất hiện ấn tượng như thể đi từ dưới lòng sông lên và trình diễn trên mặt nước sông Hàn cùng hệ thống âm thanh, ánh sáng và màn hình 3D mapping ấn tượng phía sau.
Chúng tôi cũng tạo nên 20 mô hình nổi trên mặt sông và chạy dọc bờ sông, suốt chiều dài hơn 200m của khán đài 22.000 chỗ. 20 mô hình nổi này tượng trưng cho 20 năm Đà Nẵng và sẽ mở ra như những ngôi sao năm cánh, để lộ những biểu tượng tương ứng với chủ đề các đêm pháo hoa.
Sân khấu DIFF 2017 sẽ thoát khỏi phương pháp truyền thống đó, nghĩa là nghệ sỹ khi diễn xong, có thể đi thẳng xuống dưới quảng trường, thậm chí họ có thể đi vào tận sâu trong những khu vực khán giả để giao lưu, tương tác, chụp ảnh với khán giả để phá vỡ khoảng cách và tạo nên mối quan hệ gần gũi giữa người xem và người biểu diễn.
Như vậy là khán giả cũng có thể giao lưu với các đội pháo hoa?
Trong đêm trình diễn pháo hoa, các đội sẽ không thể giao lưu với khán giả được do họ phải ở vị trí để chăm chút cho màn biểu diễn của mình. Tuy nhiên, chúng tôi đã chuẩn bị rất kỹ cho màn giao lưu đặc biệt này bằng việc thực hiện các video clip giới thiệu từng đội pháo hoa để trình chiếu trên sân khấu, trước màn trình diễn của các đội.
Đặc biệt, sẽ có bản thuyết minh kèm theo mỗi màn trình diễn pháo hoa, để khán giả thay vì vừa xem pháo hoa vừa đoán nội dung thì có thể hiểu rõ ý tưởng kịch bản của những bông pháo đang tỏa sáng kia là gì, kỹ thuật cũng như công nghệ trình diễn, hoặc lịch sử của đội pháo hoa đó ra sao.
Vậy trong các hoạt động khác của Lễ hội pháo hoa, tính tương tác mà BTC đề cao tiếp tục được thể hiện như thế nào?
DIFF 2017 còn có một điểm nhấn khá độc đáo là Lễ hội đường phố với 9 mô hình xe hoa tượng trưng cho 8 nước tham dự và một xe hoa của Đà Nẵng. Mỗi xe hoa sẽ là hình ảnh thu nhỏ của các quốc gia. Ý tưởng của chúng tôi khi thực hiện 9 mô hình này là tạo nên những sân khấu di động diễu hành khắp các tuyến đường trung tâm Đà Nẵng, để du khách, người dân và các nghệ sỹ biểu diễn trên sân khấu có thể tương tác, giao lưu.
Đây mới chính là sự khác biệt của Lễ hội đường phố tại DIFF 2017 so với rất nhiều carnival khác đã được tổ chức ở Việt Nam. Du khách, người dân Đà Nẵng, thay vì chỉ đứng xem các xe hoa diễu hành trên phố như bao lễ hội khác thì có thể lên sân khấu giao lưu, biểu diễn, nhảy múa cùng các đoàn nghệ thuật tại các điểm dừng của xe hoa. Chính sự tương tác này sẽ tạo nên không khí lễ hội tưng bừng, rộn rã.
Ngoài ra, trong Không gian ẩm thực Ngũ Hành, tại các khu bếp mở đặt tên theo Ngũ hành Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, thực khách không chỉ được thưởng thức các món ăn đặc trưng của bếp theo chủ đề đó, mà còn được giao lưu với các vua bếp, được tìm hiểu về các món đó cùng với đầu bếp, tham gia những cuộc thi, hay cùng các đầu bếp tạo nên những kỷ lục ẩm thực…
Như vậy, khán giả, thực khách, du khách đến với DIFF 2017 không chỉ để xem pháo hoa hay xem lễ hội đường phố, thưởng thức ẩm thực mà còn để trở thành một chủ thể không thể thiếu của mỗi sự kiện.
Trân trọng cảm ơn ông!