Diệu tánh hư vô

Ảnh minh họa - Internet
Ảnh minh họa - Internet
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngắm nhìn mặt trời lên dần từ phía xa thành phố, nghe những làn hơi ấm của một sớm mùa hè khẽ khàng mơn man trong làn gió nhẹ, lòng tôi ngập tràn những thanh âm nhiệm màu của sự sống.

Gió sớm mai vấn vít như được ướp hương ngọc lan đầu mùa, đâu đó như còn thoang thoảng hương sen. Gió mùa hạ là vậy. Đặc biệt là những ngọn gió mỗi bình minh, luôn mang theo một hương thơm bảng lảng, phảng phất thật ngọt, thật hiền.

Tôi ngắm nhìn ban mai đi qua cho tia nắng vàng rơi xuống từng đọt lá, từng vai áo. Những sắc hoa cũng bừng tỉnh chào ngày mới, mùa mới thật lành lẽ, đẹp tươi. Nắng tháng năm là con nắng vừa độ chín. Trời vẫn la đà mây bay, chưa có cái nền xanh thẳm cao vút như buổi giữa hè.

Tôi nhớ ngày nhỏ, mỗi lần tới tháng năm, tức khoảng đầu tháng tư âm lịch cũng là thời điểm mà người ta thường gọi là mùa Bụt sinh. Mùa này hoa sen bắt đầu hé nở. Hoa như được những ánh nắng ấm áp đánh thức cho bừng dậy sau một giấc ngủ dài. Sen vươn mình, khoe sắc, khoe hương ngát thơm trên khắp các nẻo đường quê. Những con đường cũng thức dậy, uốn lượn hiền hòa cùng những ngọn gió thơm và những tia nắng thì ngọt ngào như hũ mật chảy tràn trên khắp thinh không.

Nhân tiện, nhắc đến mùa sen nở và kỷ niệm ngày Phật đản sinh, người dân xứ Bắc thường gọi là Bụt sinh Bụt đẻ, tôi chợt nhớ tới Thiền sư Ngộ Ấn thời Lý (1020 - 1088) từng có một bài kệ thị tịch rất ý nghĩa về hoa sen:

Diệu tánh hư vô bất khả phan

Hư vô tâm ngộ đắc hà nan

Ngọc phần sơn thượng sắc thường nhuận

Liên phát lô trung thấp vị can.

Bài kệ rất nhiều ý nghĩa và vô cùng sâu sắc.

“Diệu tánh” cũng gọi Phật tánh, Pháp tánh, vốn trong lặng, trống không, không thể nắm bắt. Nếu cái tâm rỗng không trong lặng thì ngộ được chẳng khó. Cũng như ý của câu nói mà Thiền sư Bách Trượng Hoài Hải (720 - 814) đã khai ngộ cho Thiền sư Vô Ngôn Thông, vị thiền sư đã khai mở một dòng thiền lớn ở nước ta từ hơn 1.000 năm về trước: "Tâm địa nhược không, huệ nhật tự chiếu". Câu này có nghĩa là đất tâm mà được vắng lặng, rỗng không thì sự giác ngộ được ví như mặt trời trí huệ sẽ tự nhiên tỏa sáng. Chân tánh, diệu tánh vốn ở ngay nơi không tự tánh, không sở đắc, không có nơi bám trụ. Tâm kinh Bát Nhã khẳng định: “Sắc tức thị không” (sắc chính là không) và “Không tức thị sắc” (không cũng chính là sắc). Ấy là để nói tới cái tính bản thể của muôn vật trong cõi giới này.

Hoa sen vốn là biểu trưng của những gì thanh tịnh, giải thoát và vô nhiễm. Hoa sen trong bài kệ thị tịch của Thiền sư Ngộ Ấn cùng với viên ngọc đang bị chìm trong biển lửa. Cũng giống như “diệu tánh” trong cõi giới của lửa phiền não bao trùm. Để không bị thiêu đốt thì “diệu tánh” ấy phải là tánh trống không, là “hư vô” và cái tâm cũng phải là tâm vắng bặt mọi ý niệm về ngã, nhân, chúng sinh và thọ giả.

Tức là không có cái thấy bám chấp, phân biệt về ta, về người, về chúng sinh hữu tình và thời gian của sinh mệnh. Viên ngọc hay đóa sen của giác tính thường hằng vốn là bất hoại, dù thân tứ đại có bị hư hoại khi kết thúc sinh mệnh và dù con người có sống trong lửa phiền não cháy mãi giữa thế gian sanh tử.

Nếu chúng ta được thắp sáng, ta sẽ thấy hoa lá hay cỏ cây, một tia nắng sớm, một giọt sương đêm, một áng mây lành..., tất thảy đều là những vị Bồ Tát, những vị Bụt thị hiện để thuyết bài pháp về vô thường, khổ và vô ngã.

Bởi có vô thường nên mới có các mùa, mới có thời gian luân chuyển. Cúc tàn rồi sen mới lại nở hoa. Có lộc biếc rồi nhờ vô thường nên mới thấy được lá non xanh, thấy cây ấy đơm bông, kết quả, lại có những hạt lành. Không có vô thường làm sao con người có thể lớn lên, có thể trưởng thành và lại còn có vợ, có chồng, có cháu con bè bạn?

Vô ngã cũng lại có một ý nghĩa khác là sự tương tức. Làm sao chúng ta có thể lấy những nhiễm sắc thể mang dấu ấn di truyền học của ông, bà, cha, mẹ ra khỏi mình? Làm sao chúng ta có thể lấy ánh mặt trời, lấy nước, lấy gió, lấy những dinh dưỡng từ đất ra khỏi một quả chín mà chúng ta đang ăn? Bởi cái này có mà cái kia có, bởi cái này sinh nên cái kia sinh. Vô ngã hay không có một sự vật nào có tự tánh riêng biệt chính là một sự thật.

Hiểu như vậy, chúng ta sẽ thấy vô thường, vô ngã là những điều màu nhiệm. Và “khổ”, cố nhiên là một sự thật, nhưng đó cũng là một điều màu nhiệm.

Nói đến chuyện bài kệ thị tịch của Thiền sư Ngộ Ấn thời Lý, rồi lại nói chuyện ngọc, chuyện hoa sen trong biển lửa, điều cốt yếu cũng chính là bởi tôi đang nhớ về những khoảng thời gian đã loang tràn nơi cõi nhân gian này. Bụt đản sanh đã gần 3.000 năm về trước. Nhưng giác tánh, Phật tánh cũng như vô ngã hay vô thường vốn đã là sự thực như nó đang là.

Ngày Bụt đản sanh, Người khai thị cho nhân loại một sự thực: Tất cả chúng sinh đều có Phật tính. Điều đó thực là một tin vui!

Khi tính thấy, tức là “giác tính” hay “Phật tính” được hiển lộ, đó cũng là lúc con người an nhiên sống trong niết bàn của thực tại. Thấy vô thường, vô ngã, thấy khổ như nó đang là mà không khởi tâm bám chấp hay dính mắc mà trôi lăn trong cái “tưởng” của luân hồi sinh tử. Đó cũng là lúc, dù nhân gian có những uế trược, có những tị hiềm, có những khổ não của tham, của sân si như một biển lửa thiêu đốt, “Phật tánh”, hay “diệu tánh” thường hằng của mỗi người sẽ chính là những viên ngọc vẫn tỏa sáng, những đóa sen vẫn tươi thắm.

Nắng đã tròn đầy, chảy tràn trên những vòm cây xanh mát. Nắng lại rơi trên những cái đầu tròn bé xíu của những chú chim sâu đang ríu rít trên cành. Nắng gửi rực rỡ vào từng cánh hoa, gửi ngọt ngào vào từng quả chín. Đâu chỉ riêng mùa hạ, cả vũ trụ như những khúc ca nhiệm màu. Bụt đản sinh hơn hai ngàn năm về trước là một sự thật. Tất cả chúng sinh đều có Phật tính cũng là một sự thật. Khi nào chúng ta có được cái tâm thanh tịnh, trong lặng mà thấu hiểu và yêu thương cuộc đời, khi ấy chúng ta cũng đều có thể mừng Bụt đản sinh, không phải ở thân phận của một thái tử ở nước Ca tỳ la vệ ngày nào, mà là ở trong chính mình.

Những đóa sen mùa hạ đã bung nở. Hoa Nghiêm kinh từng nói: “Bồ tát từ nơi đại bi mà đến, vì muốn điều phục các chúng sanh. Từ nơi đại từ mà đến vì muốn cứu hộ các chúng sanh. Từ nơi tịnh giới mà đến vì tùy theo chỗ thích mà thọ sanh. Từ nơi đại nguyện mà đến, vì nguyện lực thuở xưa gia trì. Từ nơi thần thông mà đến vì tùy thích mà hiện ở tất cả xứ. Từ nơi không lay động mà đến, vì thường chẳng rời lìa tất cả Phật. Từ nơi không lấy bỏ mà đến vì thân tâm chẳng bị bắt buộc phải qua lại. Từ nơi phương tiện trí huệ mà đến, vì tùy thuận tất cả chúng sanh. Từ nơi biến hóa thị hiện mà đến vì giống như bóng hình mà hóa hiện”.

Chúc cho mỗi chúng ta mùa Bụt sinh Bụt đẻ này có đủ thời giờ để đón những bình minh, để nghe hoa lá kể về câu chuyện của vô ngã, vô thường và để mời vị Bụt, vị Bồ tát trong mình biểu hiện./.

Tin cùng chuyên mục

Vị sư hơn 30 năm "gieo" chữ cho con em ở phum sóc

Vị sư hơn 30 năm "gieo" chữ cho con em ở phum sóc

(PLVN) - Trong không khí tưng bừng đón mừng Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer, Phóng viên Báo PLVN có dịp đến thăm Hòa thượng Hữu Hinh - Trụ trì chùa Ghositaram (còn gọi là chùa Cù Lao). Một ngôi chùa Khmer cổ đẹp nhất Đồng bằng sông Cửu Long tọa lạc tại ấp Cù Lao, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu.

Đọc thêm

Sức khỏe tinh thần, xin đừng bỏ qua!

Tinh thần lạc quan, tích cực có tác dụng lớn với con người. (Ảnh minh họa - Nguồn: leep.app)
(PLVN) - Sức khỏe về tinh thần quan trọng không kém thể chất. Một người muốn sống lành mạnh, hạnh phúc, cần cân bằng giữa việc rèn luyện cả bên trong và bên ngoài.

Khánh thành di tích lịch sử văn hoá Đình làng Tía

Khánh thành di tích lịch sử văn hoá Đình làng Tía
(PLVN) - Sáng ngày 31/3/2024, thôn Tử Dương, xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín đã long trọng tổ chức lễ Khánh thành Đình làng Tía. Đây là ngôi Đình được xây dựng từ lâu đời, nơi thờ thành hoàng làng và những người có công khai phá xây dựng và bảo vệ làng xóm.

“Tháng 3 giỗ mẹ” - tưởng nhớ Thánh Mẫu Liễu Hạnh

Lễ hội Phủ Dầy được tổ chức vào tháng 3 âm lịch hàng năm nhằm tôn vinh Thánh Mẫu Liễu Hạnh. (ảnh: Báo Công luận)
(PLVN) - Từ sâu thẳm trong tâm thức văn hóa dân gian, hàng trăm năm nay, khắp trong Nam, ngoài Bắc, Nhân dân ta luôn có sự ngưỡng vọng, gửi gắm niềm tin ở Mẫu Liễu Hạnh - Mẫu nghi thiên hạ - người mẹ của muôn dân. Vào tháng 3 âm lịch hàng năm, nhiều nơi tâm linh đã tổ chức Lễ giỗ Đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh trang trọng nhằm tôn vinh, tưởng nhớ Thánh Mẫu Liễu Hạnh.

Bồ tát Phổ Hiền là ai?

Bồ tát Phổ Hiền được xem là một trong tứ đại Bồ tát của Phật giáo.
(PLVN) - Bồ tát Phổ Hiền được xem là một trong tứ đại Bồ tát của Phật giáo. Ngài và Bồ tát Văn Thù là thị giả của Phật Thích Ca Mâu Ni. Bồ tát Văn Thù cưỡi sư tử đứng thị giả ở bên trái và Bồ tát Phổ Hiền cưỡi voi trắng đứng thị giả ở bên phải.

'Quá tải' chữa lành

Hiện nay có nhiều tổ chức, nhóm lợi dụng nhu cầu chữa lành của mọi người để trục lợi, kiếm tiền. (Ảnh minh họa, nguồn: An Space)
(PLVN) - Hiện nay, chữa lành không những chỉ dùng để hỗ trợ, giúp đỡ tinh thần con người, mà dần trở thành trend (xu hướng). Không khó để thấy hai chữ “chữa lành” hiện hữu ở khắp mọi nơi, từ những chương trình, hoạt động đến sách vở, món ăn,... Một xu thế tưởng chừng rất lành mạnh, nhưng dần trở nên mất giá trị vì những hoạt động “tràng giang, đại hải”.

Khi người trẻ đơn độc trong tình yêu

Yêu trước ngày cưới kết thúc với 1 tỷ người xem. (Ảnh: PV)
(PLVN) - Thời gian vừa qua, phim Yêu trước ngày cưới thu hút sự chú ý của khán giả không chỉ bởi diễn viên đẹp mà còn là những câu chuyện rất thật của người trẻ trong hành trình lập nghiệp và tình yêu…

Về Kẻ Mía, nghe giai thoại sứ thần Giang Văn Minh

Về Kẻ Mía, nghe giai thoại sứ thần Giang Văn Minh
(PLVN) - Nếu có dịp chu du về xứ Đoài mây trắng, bạn nhớ ghé thăm di tích Nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh ở làng Kẻ Mía, thôn Mông Phụ (xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội), để nghe về cuộc đời huyền thoại vị sứ thần thời hậu Lê, nổi tiếng tài trí, trung quân, ái quốc.