Theo số liệu của Cơ quan Thống kê Hàn Quốc gần đây, 100 người có nhiều nhà nhất Hàn Quốc sở hữu 20.689 căn, trị giá trên 2,5 nghìn tỷ won (hơn 1,7 tỷ USD), tính đến năm 2020. Điều này cho thấy một cá nhân sở hữu hơn 206 căn nhà, trị giá 25,2 tỷ won (hơn 17,7 triệu USD).
Số lượng nhà thuộc sở hữu của 100 người giàu nhất Hàn Quốc vào năm 2016 mới là 17.244 căn với tổng trị giá 1,5 nghìn tỷ won (hơn 1 tỷ USD). Trong 5 năm vừa qua, mỗi chủ sở hữu này đã thu về được hơn 10 tỷ won (hơn 7 triệu USD) từ việc gia tăng số lượng và giá trị tài sản nhà ở.
Tính đến năm 2021, có khoảng 424.000 người Hàn Quốc được xác định thuộc tầng lớp giàu có, tăng 31.000 người so với con số 393.000 người ghi nhận vào năm 2020. Nhóm giàu có chiếm khoảng 0,82% tổng dân số Hàn Quốc, tăng 0,06% so với năm trước đó. Những người được hỏi cho biết bình quân số tiền tích lũy tối thiểu ban đầu là 820 triệu won. Độ tuổi trung bình để đạt được khối tài sản là 42 tuổi. Phần lớn cho biết khoản tích lũy được xây dựng từ nhiều nguồn khác nhau như bất động sản, chứng khoán hay tiết kiệm. Thu nhập từ hoạt động kinh doanh chiếm trung bình 37,5% trong khi phần còn lại đến từ hoạt động đầu tư bất động sản, thừa kế và đầu tư tài chính.
Vào tháng 4/2022, tổ chức tư vấn trực thuộc Ngân hàng Hana cũng đã biên soạn Báo cáo về sự giàu có của Hàn Quốc năm 2022, so sánh đặc điểm của những người trẻ và già với những người già và giàu. Cuộc khảo sát được thực hiện vào tháng 12/2021.
Theo đó, điều kiện để trở thành "người giàu" trong nghiên cứu này là cá nhân tham gia phải sở hữu tài sản tài chính trị giá 1 tỷ won (hơn 700.000 USD). Trong đó, người trong độ tuổi 19-49 được xếp loại "trẻ", từ 50 tuổi trở lên là "già".
Theo báo cáo, ước tính những người Hàn Quốc thuộc nhóm trẻ và giàu sở hữu khối tài sản trung bình 6,6 tỷ won (hơn 4,6 triệu USD). Nhìn chung, mỗi người trẻ giàu có sở hữu 1,7 ngôi nhà và 37% sống ở khu Gangnam hoa lệ. Hơn 30% trong số người trẻ và giàu là nhân viên văn phòng, tiếp theo là các chuyên gia như bác sĩ và luật sư với tỷ lệ 20%. Trong khi đó, ước tính trung bình người già và giàu có 1,5 căn nhà, sở hữu khối tài sản 8 tỷ won (hơn 5,6 triệu USD).
Tuy nhiên, cả hai nhóm này đều có danh mục tài sản tương tự nhau, trong đó 60% là bất động sản và 40% tài sản tài chính. Trong số các tài sản tài chính, cổ phiếu chiếm trung bình 25%.
Khoảng 65% người giàu trẻ tuổi nắm giữ tài sản nước ngoài bao gồm cổ phiếu và bất động sản ở nước ngoài. Họ thích đầu tư vào bất động sản thương mại hơn là không gian sống và 34% chọn bất động sản là lựa chọn đầu tư trong tương lai của họ. Trong số các nguồn tài sản chính của người giàu trẻ, 45% trả lời là thu nhập kiếm được, trong khi 23% cho biết đó là lợi nhuận kinh doanh. Báo cáo cho thấy 18% trong số họ coi thừa kế là nguồn tài sản chính của họ. Bên cạnh đó, 3/4 người trẻ giàu cho biết thu nhập của họ đến từ sự kết hợp hai hoặc nhiều thu nhập từ công việc, kinh doanh, tài sản và các thu nhập khác.
Xét theo khu vực, khoảng 45,1% người giàu, tương đương 191.000 người, đang sinh sống ở Thủ đô Seoul. Kế sau là tỉnh Gyeonggi và Busan với lần lượt 94.000 người và 29.000 người. Trong nhóm này, chỉ 44,8% người đủ điều kiện gia nhập tầng lớp giàu có tự đánh giá bản thân là người giàu. Đáng chú ý, 21,6% người có tổng tài sản hơn 5 tỷ won tự nhận là giàu có, trong khi 23,8% người sở hữu trên 10 tỷ won cho rằng họ không giàu có.
27% người được hỏi cho biết điều kiện để trở thành người giàu có là sở hữu tối thiểu 10 tỷ won và 17,5% tin rằng tổng giá trị tài sản tiêu chuẩn nên bắt đầu từ 5 tỷ won. Để hình thành động lực tích luỹ tài sản, tầng lớp giàu có tin rằng cách tốt nhất là đặt mục tiêu tài chính bên cạnh các phương pháp như sử dụng nợ hay phân bố tài sản.
Những người chỉ dựa vào thu nhập kiếm được có mức lương trung bình hàng năm là 210 triệu won (gần 148.000 USD). Mặt khác, những người có cả lương và thu nhập từ quyền sở hữu tài sản có thu nhập trung bình hàng năm là 480 triệu won (gần 338.000 USD).
Có khoảng cách tồn tại giữa những người được thừa hưởng tài sản với người không thừa hưởng. Những người có tài sản thừa kế nắm giữ trung bình 12,8 tỷ won (hơn 9 triệu USD) với bất động sản chiếm 70%, trong khi những người không có trung bình 3,9 tỷ won (hơn 2,7 triệu USD).
Hwang Sun-kyung, nhà nghiên cứu cấp cao tại Học viện Tài chính Hana cho biết: "Chúng tôi thấy rằng người trẻ tuổi trở nên giàu có nhờ “ý tưởng”, trong khi người già giàu kiếm tiền nhờ lao động".