Điệp viên hai mang 'đánh đu' giữa MI6 và KGB

Điệp viên Kim Philby.
Điệp viên Kim Philby.
(PLVN) - Theo đánh giá của nhiều người, điệp viên hai mang người Anh Kim Philby chính là một trong những điệp viên “vĩ đại” nhất trong lịch sử. Ông ta đã qua mặt người Anh, bí mật làm việc cho Liên Xô trên cương vị người phụ trách các chiến dịch phản gián chống Liên Xô.

Một đêm mưa bão cuối tháng 1/1963, tại một căn hộ nằm ở lưng chừng một ngọn đồi ở thủ đô Beirut của Lebanon, một người đàn ông trung niên rón rén bước ra khỏi căn hộ của ông ta. Sau khi nhìn quanh, người này rảo bước, nhanh chóng hòa vào làn mưa.

Vừa đi vừa đảo mắt quan sát xung quanh để chắc chắn không bị ai theo dõi, người đàn ông tiến về phía bến cảng thành phố. Ở đó, một con tàu đã chờ sẵn. Ngay sau khi người đàn ông bước lên, người lái tàu đã cho tàu nhổ neo, thẳng hướng ra phía Địa Trung Hải để tới Odessa, Ukraine.

Người đàn ông được nói đến ở trên chính là điệp viên hai mang người Anh Kim Philby. Vụ đào tẩu của ông ta được xem là một trong những khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, cũng là sự kiện đáng xấu hổ nhất của tình báo Anh liên quan đến đường dây điệp viên “Bộ ngũ Cambridge” đình đám.

Bởi, điều trớ trêu là Philby, người được cơ quan tình báo MI6 của Anh tin tưởng giao cho phụ trách các chiến dịch chống lại Liên Xô, lại chính là “đầu sỏ” trong dây gián điệp làm việc cho Liên Xô.

Không những thế, khi có những đồn đoán về người này phản bội, giới chức Anh còn ra sức bảo vệ ông ta. Chín năm trước vụ đào tẩu, Ngoại trưởng Anh khi đó là Harold Macmillan đã đứng trước Hạ viện Anh mạnh mẽ tuyên bố rằng không có bất cứ bằng chứng nào cho thấy Philby chính là “Kẻ thứ 3”, người đã giúp hai điệp viên khác trong đường dây gián điệp Cambridge là Guy Burgess và Donald Maclean đào tẩu tới Liên Xô vào năm 1951. 

Với Kim Philby, cuộc đào tẩu này cũng đánh dấu sự kết thúc của nửa thập kỷ trong bóng tối, giúp ông ta có thể đường hoàng tới được ngôi nhà tinh thần mà trước đó ông ta vốn chỉ có thể mường tượng tới. 

Vỏ bọc hoàn hảo

Kim Philby, tên đầy đủ là Harold Adrian Russell “Kim” Philby, sinh năm 1912 tại bang Punjab của Ấn Độ. Xuất thân trong một gia đình công chức khá giả của Anh nên ngay từ nhỏ Philby đã được cha mẹ cho theo học ở các cơ sở giáo dục tư nhân có tiếng và đến năm 16 tuổi thì nhận được học bổng của Đại học uy tín Cambridge. 

Các ghi chép thường cho là Philby đã được tình báo Liên Xô tuyển mộ khi còn ngồi trên giảng đường trường Cambridge nhưng cũng có nguồn tin nói rằng ông ta thực chất được tuyển mộ thông qua người vợ đầu tiên, cũng là một người mạnh mẽ tin tưởng vào Liên Xô, tên là Litzi.

Một trong những nhiệm vụ đầu tiên của Philby chính là lập danh sách những người mà tình báo Liên Xô có thể tuyển mộ và ông ta đã thành xuất sắc màn “ra mắt” với tình báo Anh khi chiêu mộ được Guy Burgess và Donald Maclean cùng một số mật thám quan trọng khác. 

Hoàn tất khóa học tiếng Nga ở trường ngôn ngữ Slavonic ở London, Anh, Philby bắt đầu tham gia hoạt động báo chí. Khi nội chiến nổ ra ở Tây  Ban Nha, ông ta đến đây đưa tin cho tờ The Times. Cũng chính trong thời gian này, Philby được tình báo Anh tuyển mộ, trở thành điệp viên hai mang cùng lúc cung cấp thông tin cho cả người Nga và người Anh.

Sau khi nước Pháp bị quân của Hitler chiếm đóng, Philby trở về Anh và được cơ quan tình báo Anh MI6 tiếp nhận. Chỉ trong vòng bốn năm sau đó, ông ta thăng tiến nhanh chóng, trở thành người phụ trách bộ phận chống Liên Xô và Phong trào Cộng sản Quốc tế trong MI6. 

Bề ngoài, Philby hoàn thành tốt công việc của mình đến mức được ghi nhận là “chuyên gia chống Cộng sừng sỏ”. Ấy thế nhưng, trên thực tế, trong suốt thời gian làm việc cho tình báo Anh, ông vẫn trung thành với Liên Xô và có những đóng góp lớn cho người Nga.

Ví dụ, trên cương vị người điều phối các chiến dịch phản gián chống lại tình báo Liên Xô, Philby nắm được tất cả những kế hoạch của tình báo Anh nhằm bắt giữ các điệp viên Liên Xô và sử dụng quyền lực của mình để chặn lại hoặc cảnh báo cho phía Liên Xô để họ có thể đi trước một bước. 

Thêm vào đó, Philby cũng nắm được danh tính của những điệp viên người Anh và người Mỹ đang làm việc tại Liên Xô nên có thể giúp KGB loại bỏ hoặc vô hiệu hóa những người này bằng cách cố tình chuyển cho họ những thông tin sai. Chính những hoạt động phá hoại của Philby đã khiến cho hai cơ quan tình báo tinh nhuệ của Anh là MI5 và MI6 gặp nhiều khó khăn.

Philby (ở giữa) và vợ.
Philby (ở giữa) và vợ.

Nhiều người Nga hiện vẫn xem Philby là một anh hùng vì ông ta đã chuyển cho phía Nga những thông tin tình báo về các kế hoạch chiến tranh của phe Đồng minh, Đức và Nhật Bản để giúp Liên Xô có được các đối sách phù hợp, từ đó giúp hàng nghìn người Nga không bị mất mạng oan uổng. 

Năm 1949, Philby được chỉ định làm Bí thư thứ nhất tại Đại sứ quán Anh ở Washington, phụ trách hoạt động trao đổi thông tin giữa các cơ quan tình báo của Anh và Mỹ. Trên cương vị này, ông ta được tiếp cận những thông tin mật vô cùng nhạy cảm mà Anh - Mỹ trao đổi cho nhau.

Giá trị của ông ta trong mắt người Nga vì thế càng gia tăng. Theo điệp viên Liên Xô Yuri Modin, Philby được đánh giá là “điệp viên vĩ đại nhất trong thế kỷ 20” và việc tuyển mộ được ông ta từng được lãnh đạo KGB xem là một kỳ công.

Người nước ngoài hiếm hoi được trao Huân chương Lenin

Tuy nhiên, thời gian Philby ở Washington chính là lúc nguy cơ ông bị phát giác bắt đầu gia tăng. Bằng cách chặn các liên lạc của Liên Xô, giới chức Mỹ phát hiện ra rằng có kẻ phản bội trong hàng ngũ nhân viên ngoại giao ở đại sứ quán của họ ở nước ngoài và thông báo cho phía Anh.

Phát hiện người đang bị nghi ngờ chính là Donald Maclean, Philby phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là vừa phải tìm ra được kẻ chỉ điểm trong hàng ngũ KGB, vừa tìm cách bảo vệ Maclean, cũng là bảo vệ bản thân. 

Giữa năm 1951, nhận thấy khả năng đường dây gián điệp Cambridge bị phát giác là rất cao nên Philby đã liên lạc với Burgess để nhờ người này dàn xếp cho Maclean bỏ trốn tới Nga. Có điều, thay vì thực hiện theo đúng kế hoạch, Burgess vì quá sợ hãi nên cũng đã trốn luôn cùng với Maclean tới Moscow, khiến hai thành viên đầu tiên trong đường dây gián điệp nổi tiếng bị phanh phui.

Vì từng ở cùng Burgess và Mclean nên mọi nghi ngờ cũng nhanh chóng đổ dồn về phía Philby. Ông ta đã bị MI6 thẩm vấn và đã buộc phải từ chức trước khi bị sa thải. Song, vì thiếu bằng chứng nên những cáo buộc hoạt động gián điệp nhằm vào Philby đã được hủy bỏ vào năm 1955.

Sau khi rời khỏi lực lượng tình báo, Philby quay trở lại nghề báo. Năm 1956, ông tới Lebanon với tư cách phóng viên thường trú ở Trung Đông của các tờ The Observer và The Economist. Đến năm 1960, Philby được MI6 tuyển mộ lại.

Một năm sau đó, Thiếu tá Anatoliy Golitsyn của KGB đào tẩu sang Mỹ. Khi bị tình báo Anh thẩm vấn, ông ta xác nhận Philby chính là “Kẻ thứ 3” trong đường dây gián điệp Cambridge đã cùng với Burgess và Maclean cung cấp thông tin cho Liên Xô. Thực hiện nhiệm vụ được giao, cuối năm 1962, một người bạn của Philby là Nicholas Elliot đã lấy được lời thú nhận của Philby.

Song, trước khi tình báo Anh có thể giăng lưới vây bắt, đầu năm 1963, Philby đã trốn thoát thành công tới Liên Xô. Tháng 7/1963, phía Liên Xô thông báo cho phép Philby tị nạn chính trị và được mang quốc tịch Liên Xô. Lúc này, MI6 đã bị chỉ trích dữ dội vì để lọt ông ta.

Tuy nhiên, cũng có thông tin cho rằng MI6 đã cố tình tạo một thời gian cho Philby trốn thoát để tránh việc phải công khai việc đã để lọt một điệp viên hai mang tồn tại gần 30 năm mà không phát hiện được. 

Tại Moscow, Philby đã được trao tặng hàng loạt huân, huy chương, trong đó có Huân chương Lenin. Ảnh của ông thậm chí được in lên tem của Nga. Có điều, cho đến tận  khi chết, Philby vẫn luôn bất mãn vì không được KGB tiếp nhận vào làm việc tại Nga. 

Tin cùng chuyên mục

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua

(PLVN) - Tuần qua, thế giới chứng kiến hàng loạt sự cố khiến nhiều người chết và bị thương, từ vụ cháy rừng kinh hoàng ở California, va chạm tàu điện tại Pháp, nổ trạm xăng tại Yemen... đến những tai nạn giao thông nghiêm trọng ở Cuba, Pakistan và Nam Phi.

Đọc thêm

Đã có ít nhất 125 người thiệt mạng trong vụ động đất ở Tây Tạng, Trung Quốc

Những ngôi nhà bị hư hại được chụp ảnh sau trận động đất (Ảnh: Reuters)
(PLVN) - Trận động đất mạnh 7,1 độ richter đã xảy ra tại khu vực hẻo lánh ở phía nam Tây Tạng, gần biên giới Trung Quốc và Nepal, khiến ít nhất 125 người thiệt mạng và 188 người bị thương. Sự kiện đau lòng này đã làm sụp đổ hàng nghìn ngôi nhà và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân địa phương.

Phát hiện thi thể một nhà báo chống tham nhũng trong bể phốt

Nhà báo Mukesh Chandrakar (Ảnh: The Guardian)
(PLVN) - Anh Mukesh Chandrakar, một nhà báo nổi tiếng ở bang Chhattisgarh, Ấn Độ, đã bị phát hiện tử vong trong một bể phốt với dấu hiệu bị sát hại. Sự việc gây chấn động dư luận và đặt ra yêu cầu cấp bách về việc bảo vệ an toàn cho các nhà báo trong môi trường làm việc nguy hiểm.

Một cầu thủ bóng đá được trao Huân chương Tự do Tổng thống

Messi giành Quả bóng vàng 2021. (Ảnh: Euro Sport)
(PLVN) - Tổng thống Joe Biden vừa trao tặng Huân chương Tự do Tổng thống – danh hiệu cao quý nhất dành cho công dân Mỹ – cho siêu sao bóng đá Messi cùng 18 cá nhân xuất sắc khác. Buổi lễ tôn vinh những đóng góp xuất sắc của họ trong việc làm cho nước Mỹ và thế giới trở nên tốt đẹp hơn.

Loạt tín hiệu vui đầu năm mới trên thế giới

Loạt tín hiệu vui đầu năm mới trên thế giới
(PLVN) - Thế giới đón nhận nhiều tín hiệu tích cực, từ phiên đấu giá cá ngừ vây xanh lập kỷ lục tại Nhật Bản, tỷ lệ sinh tăng trở lại sau gần một thập kỷ tại Hàn Quốc, đến chương trình khám sức khỏe miễn phí cho toàn dân sắp triển khai tại Indonesia. Đặc biệt, câu chuyện bé trai Zimbabwe sống sót kỳ diệu sau 5 đêm lạc trong công viên hoang dã đã truyền cảm hứng mạnh mẽ, với niềm tin vào những điều tốt đẹp...

Liên tiếp tai nạn kinh hoàng trên thế giới những ngày đầu năm mới

Liên tiếp tai nạn kinh hoàng trên thế giới những ngày đầu năm mới
(PLVN) - Những ngày đầu năm mới 2025 chứng kiến loạt thảm họa và tai nạn nghiêm trọng xảy ra trên khắp thế giới, từ động đất ở Ethiopia, cháy nổ ở Ấn Độ và Trung Quốc, đến các vụ xả súng và tai nạn giao thông kinh hoàng tại Mỹ và Hong Kong (Trung Quốc). Mỗi sự cố đều để lại hậu quả nặng nề, cướp đi sinh mạng của nhiều người và gây ra tổn thất lớn về vật chất.