Nhắc đến Thanh Tú, hẳn khán giả nhớ sẽ ngay tới hình ảnh cô Tú cháo lòng tiết canh đanh đá, chua ngoa nhưng rất mực đảm đang, luôn yêu thương chồng con trong series hài “Gặp nhau cuối tuần” hay hình ảnh bà Thiếu lẳng lơ trong phim “Làng ma”, cô Vân sắc sảo trong phim “Bão qua làng”... Dù ở bất cứ vai diễn nào chị cũng luôn đem đến nhiều thú vị cũng như dấu ấn trong lòng khán giả.
Diện chiếc áo trễ vai màu đen kết hợp với cặp kính cận tròn trông Thanh Tú trẻ trung nhiều so với tuổi thực. Ở ngoài đời, nữ diễn viên là người cởi mở và vui tính, không giống với những hình ảnh chao chát, lẳng lơ trên màn ảnh. Mỗi khi chị cười, ánh mắt lại sắc lẹm lên thu hút ánh nhìn của người đối diện.
Dù đã phải trải qua không ít truân chuyên của nghề diễn cũng như trong cuộc sống hôn nhân nhưng ít khi Thanh Tú để người khác nhìn thấy chị buồn, bởi chị luôn quan niệm: “Cuộc sống này ngắn lắm, nên sống được ngày nào thì phải sống vui”.
Khao khát một vai diễn “hiền như ma sơ”
Thanh Tú sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Bố mẹ chị đều là diễn viên cải lương nên từ khi 5 tuổi chị đã “lẽo đẽo” đi diễn cùng với bố mẹ ở các gánh hát từ Nam ra Bắc.
Chị bảo, nghệ sĩ ngày ấy nghèo nên ngoài việc đi diễn bố mẹ chị còn phải cáng đáng thêm đủ thứ nghề để trang trải cuộc sống như: bán hàng ăn, bán xăng dạo... Vậy mà cuộc sống vẫn cứ khó khăn triền miên, sô diễn cho nghệ sĩ cải lương chỉ đếm được vài ngón tay. Không đủ nuôi con, bất đắc dĩ bố mẹ chị phải sớm rời xa ánh đèn sân khấu.
“Bỏ nghề” khi vẫn còn nhiều lưu luyến nên khi nhìn thấy Thanh Tú có năng khiếu nghệ thuật, bố mẹ chị đều dồn hết kỳ vọng vào cô con gái nhỏ. Học hết lớp 7, Thanh Tú được mẹ đăng ký cho thi tuyển vào các lớp: cải lương, chèo, tuồng, kịch...
Thanh Tú bảo, một phần nhờ năng khiếu trời cho, phần khác cũng do may mắn nên chị thi đâu cũng trúng nhưng cuối cùng chị quyết định học cải lương như cách để phần nào nối tiếp giấc mơ vẫn còn đang dang dở của cha mẹ.
Nữ diễn viên Thanh Tú trẻ trung, xinh đẹp ngoài đời. |
Ra trường năm 1992, chị được mời về Nhà hát Cải lương. Tuy nhiên, đồng lương nhà nước “ba cọc ba đồng” lúc đó chẳng đủ để tự lo cho cuộc sống của bản thân, chị phải làm thêm đủ nghề vừa để có tiền vừa để vẫn còn được đứng trên sân khấu.
Thanh Tú nói, bản thân chị vốn sinh ra trong một gia đình không mấy khá giả, lại phải tự bươn chải kiếm tiền từ khi còn khá sớm nên chuyện làm nghề của chị cũng bị hạn chế. Thậm chí, đã không ít lần Thanh Tú định bỏ nghề vì chuyện gia đình, vì chuyện “cơm áo gạo tiền” nhưng rồi cái duyên đã đưa chị trở lại và dẫn chị đến với sân khấu kịch của Nhà hát Tuổi trẻ.
“Khi biết mình không thể tiếp tục theo nghiệp cải lương nữa tôi cũng tự động viên mình, thôi thì, nghệ thuật làm nghề nào cũng được, miễn là làm nghề chân chính và được cống hiến cho khán giả cũng là may mắn lắm rồi.
Bởi lẽ, ngoài kia có bao nhiêu người muốn làm nghề còn chẳng được, huống chi mình lại kén chọn này kia”, Thanh Tú tâm sự.
Nữ diễn viên thừa nhận bản thân chị may mắn khi sở hữu khuôn mặt khả ái, có thể phù hợp với nhiều dạng vai từ trẻ đến già, từ hài đến bi nhưng từ khi thành công với vai diễn cô Tú bán cháo lòng tiết canh lắm mồm, đanh đá trong series hài “Gặp nhau cuối tuần” của Đạo diễn Khải Hưng thì chị luôn “sợ” khán giả chưa xem phim đã biết mình đanh đá.
Nói thế không phải là Thanh Tú sợ khán giả chê chị quá đanh đá, đành hanh mà chị sợ bản thân chị bị mặc định, đóng khung trong “một vai đã cũ”.
Thanh Tú bảo, nhiều người đã quen với hình ảnh đanh đá, chanh chua, đôi khi có pha chút lẳng lơ của chị trên màn ảnh, sân khấu nên ít ai biết chị diễn được cả những vai hiền hậu, khổ hạnh. Ngay cả các đạo diễn cũng đều cho rằng gương mặt của chị không hợp với những vai chính kịch, đào chính và thường tìm đến chị như một sự an toàn cho những vai phản diện.
Nữ diễn viên tâm sự: “Bị “đóng đinh” vào những vai diễn chua chát, lẳng lơ nên mọi người cứ mặc định rằng tính cách của tôi ngoài đời cũng ghê gớm như vậy nên thường rất đề phòng khi gặp. Thậm chí có những người còn có chút ghê ghê khi gặp tôi lần đầu. Tuy nhiên, khi gặp và trò chuyện rồi, nhiều người tỏ rõ sự ngạc nhiên vì không ngờ tôi lại hiền như “ma sơ” vậy”.
Đến tận bây giờ, Thanh Tú vẫn luôn ước ao bản thân mình nhận được những vai diễn người phụ nữ hiền lành, thể hiện đúng với con người chị ở ngoài đời. “Nói thật là tôi muốn được nhận những vai diễn hiền lành tử tế.
Có lẽ, ở ngoài tôi “lành” quá nên bao nhiêu dữ dằn ở đâu nó dồn hết cả lên phim. Mọi người quen nhìn tôi với những nhân vật sóng gió, đa đoan, tình cảm ngang trái, ghen tuông, đành hanh, chanh chua... nên bây giờ tôi muốn đóng một vai hiền lành... nó khó quá”.
“Tôi không muốn khán giả mãi nhìn tôi với những vai diễn chất phác quê mùa, hay đanh đá, lẳng lơ nữa. Tôi cũng không thích khi mình cứ mãi lang thang với những tuýp nhân vật kiểu như thế.
Bao năm lăn lộn với nghề, vào nhiều vai diễn nhưng để có được một vai diễn thực sự tâm đắc thì tôi chưa có. Không phải tôi diễn không hết mình với nhân vật mà đơn giản là tôi thiếu một nhân vật mà tâm hồn và thể xác như sinh ra là dành riêng cho mình.
Nói thế nào nhỉ, nếu được tôi sẽ làm một bộ phim về chính cuộc đời mình - một người phụ nữ gặp nhiều truân chuyên trong cuộc sống”.
Mơ ước tưởng chừng như đơn giản lại có phần khó khăn với Thanh Tú, một phần cũng do tính cách không ưa bon chen, giành giật của chị. Thanh Tú ngại khi phải tranh giành hay nhờ vả ai đó để có được vai diễn. Với chị, chỉ cần đạo diễn nhớ đến, mời chị và chị thấy hợp là nhận, không quan trọng đó là vai chính, vai phụ hay vai rất phụ.
Đối với chị, hạnh phúc và thành công của một người nghệ sỹ là được khán giả công nhận, chỉ cần được khán giả nhớ đến thì vai chính hay vai phụ không quan trọng, chính diện hay phản diện đâu cũng không phải chuyện quá lớn lao hay ảnh hưởng đến danh tiếng của bản thân.
Thanh Tú trong một cảnh quay trong phim “Người phán xử” |
Thanh Tú thẳng thắn thừa nhận vì gánh nặng cơm áo nên chị khá thoải mái trong việc nhận vai diễn: “Phải đến 70% số vai diễn tôi nhận là do áp lực từ việc trang trải cuộc sống chứ không hẳn vì tôi thích.
Diễn viên cũng là một nghề để kiếm sống mà. Và ai cũng biết rằng nghề diễn cũng có những khó khăn riêng của nó. Nhưng với bản thân tôi, một khi đã nhận vai mình sẽ cố gắng hết mình để hoàn thành tốt công việc, để thể hiện vai diễn đó một cách tốt nhất. Đó là cách để mình tôn trọng khán giả, tôn trọng nghề nghiệp của mình”.
Không ít người cho rằng, nếu Thanh Tú quyết liệt hơn, hoài bão hơn, danh tiếng và địa vị chị có hẳn sẽ hơn những gì hiện tại. Chị cười bảo: “Là nghệ sĩ ai cũng muốn được trở nên nổi tiếng. Nhưng để có thể trở thành hàng “sao” thì người nghệ sĩ phải trông đợi nhiều vào may mắn.
Có thể từ một người nghệ sĩ không tên tuổi nhưng chỉ sau một vai diễn nhỏ, một bộ phim cũng khiến cho họ “nổi như cồn”. Nhưng cũng có những nghệ sĩ đam mê và tài năng cả đời cũng chỉ là một nghệ sĩ vô danh, sống cuộc đời đạm bạc, nghèo khổ. Tôi vốn là một người không ham danh, chỉ cần được làm nghề đối với tôi đã là một điều hạnh phúc rồi”.
“Thèm” lắm một bờ vai để tựa vào...
Thanh Tú kể, chị yêu khá sớm. 16 tuổi chị đã quen và yêu một người đàn ông đã có một đời vợ. Cô gái Thanh Tú ngày ấy yêu anh bằng sự trong trẻo của tuổi học trò hồn nhiên. Một tình yêu đẹp đẽ và tinh khôi đến vô cùng.
Tình yêu của chị vấp phải sự phản đối kịch liệt từ phía gia đình. Bỏ qua ngoài tai tất thảy lời khuyên của gia đình, bạn bè, bỏ qua cả những chàng “trai tân” đẹp trai, giàu có; chị đến với anh bằng tình yêu thương ngập tràn, không toan tính.
Nhưng cuộc sống gia đình đâu phải chỉ một màu hồng với “một túp lều tranh, hai trái tim vàng” như Thanh Tú vẫn nghĩ mà phức tạp hơn chị từng tưởng tượng rất nhiều.
Nếu như chị bận rộn với chuyện “cơm áo gạo tiền” với những lo toan thường nhật cho hai cô con gái, thì anh vẫn cứ mãi vô tâm như thế. Chị phân bua, không phải anh không thương con mà đơn giản đó là tính cách con người anh vậy, và vì đôi khi anh vô tâm quá nên đâm ra vợ con anh bị khổ lây.
Nữ diễn viên Thanh Tú cùng với bạn diễn trong một cảnh quay. |
Những năm đầu của cuộc sống hôn nhân, chị đã từng có hy vọng sẽ thay đổi con người ấy. Chị nghĩ rằng, khi gia đình hạnh phúc thì con người chắc chắn sẽ phải tốt lên, sẽ phải sống nghĩ cho vợ, cho con nhiều hơn. Chị thậm chí còn học nấu nhiều món ăn ngon để anh dù có đi đâu cũng luôn nhớ về “ngôi nhà hoa hồng” của hai người.
“Tôi chưa bao giờ phủ nhận chuyện chúng tôi đã có những ngày tháng rất hạnh phúc. Bởi không có hạnh phúc thì không thể chung sống với nhau lâu như vậy được. Nhưng nếu mọi lo lắng cho con cái, lo lắng kinh tế đều dồn hết lên vai người phụ nữ thì vợ chồng căng thẳng với nhau là chuyện bình thường.
Ban đầu tôi chấp nhận và chờ đợi sự thay đổi từ anh, nhưng dần dần không thể kéo dài hơn được nữa. 15 năm chung sống chưa bao giờ chúng tôi to tiếng với nhau nhưng dù cho tôi có cố gắng cỡ nào thì “sóng ngầm” ở bên trong chúng tôi cũng chẳng thể nào xóa đi được nữa.
Chúng tôi chia tay nhưng không ai hận ai, chỉ là không còn có thể chia sẻ với nhau và hy sinh vì nhau được nữa”, Thanh Tú tâm sự.
Phụ nữ là thế, luôn luôn bao dung mà mong người đàn ông sẽ vì mình mà thay đổi, nhưng thực tế lại luôn phũ phàng hơn những gì mà họ mong muốn. Rõ ràng, khi con người ta càng lớn tuổi, suy nghĩ càng sâu sắc thì tính cách lại càng khó có thể thay đổi.
Cho đến lúc này, dù chia tay với chồng cũ nhưng chị và anh vẫn là bạn. Hai con của chị cũng hiểu và thông cảm cho chuyện bố mẹ. Chồng cũ của chị cũng thường xuyên gọi điện thăm hỏi hai cô con gái. Chị bảo, vợ chồng bất đồng quan điểm, không chung sống được với nhau nữa thì thôi, chứ chị không muốn các con có cảm giác tủi thân vì thiếu thốn tình cảm của bố ruột.
Ly hôn, làm mẹ đơn thân của 2 cô con gái xinh đẹp, Thanh Tú tưởng chừng có những lúc như chẳng thể đứng vững được. Nhưng rồi, vì bố mẹ, vì con chị mạnh mẽ vượt qua bao sóng gió, trắc trở. “Những lúc yếu đuối nhất tôi lại nhìn vào tấm gương của những người xung quanh để dặn lòng mình không được gục ngã. Bởi chỉ cần tôi gục ngã hay yếu đuối thì con cái tôi là người phải chịu khổ nhiều nhất”.
Chẳng giấu giếm việc mình phải cố gắng rất nhiều để có thể lo cho hai con có được một cuộc sống đủ đầy. Và đôi khi do quá mải mê kiếm tiền, nên chị ít có thời gian ở bên cạnh con hàng ngày. Đôi khi con chị hỏi: “Sao mẹ phải đi diễn nhiều thế?”. Những lúc như vậy, Thanh Tú lại giải thích và động viên để con hiểu về công việc của mình.
Thanh Tú nói, đó là điều thiệt thòi không chỉ riêng con chị mà con của tất cả các nghệ sĩ hiện nay. Những ngày lễ, tết, chị không thể ở bên cạnh con nên trước đó luôn phải bù đắp cho con không bị thiệt thòi so với các bạn cùng trang lứa.
Thanh Tú kể, nuôi con một mình, chị chấp nhận hy sinh nhiều thứ. Hy sinh những những cuộc chơi, những lần tụ tập với bạn bè và... thậm chí là cả tình yêu, dù cho chị có thích ai đó nhưng nếu cảm thấy họ không phù hợp với mẹ con chị, chị sẽ dừng lại ngay lập tức.
Chị thú nhận, có không ít những người đàn ông giàu có, có thể lo cho chị mọi thứ, tuy nhiên, cuối cùng, người phụ nữ này cũng nhận ra rằng, những người đàn ông đến với chị ngoài tình yêu đơn thuần thì cần phải có sự thấu hiểu.
Thanh Tú nói, chị luôn bị nể phục trước những người đàn ông lịch lãm, ứng xử thông minh. Chưa kể tuýp đàn ông Thanh Tú chọn làm “bạn đời” cũng thật khác người. Chị không cần một đức lang quân giàu có, đẹp trai nhưng người đó nhất định phải là người biết uống rượu và biết phân tích đôi chút về rượu mới có thể khiến chị chú ý và dõi theo.
“Nói thế không có nghĩa là tôi “nhắm” đến mấy anh “nát rượu”. Bởi đàn ông bây giờ nhiều nhưng không phải ai cũng yêu được. Nên tôi thường chọn điểm hẹn hò là quán rượu thay vì ở các quán cà-phê sang chảnh để đo sự “nhạt nhẽo”, “nông sâu” của cánh đàn ông.
Tôi trông thế thôi chứ sợ đàn ông nhạt nhẽo lắm. Tôi không quá mong chờ vào một tình yêu lãng mạn mà điều tôi cần hơn cả là một người đàn ông biết chia sẻ, một người bạn, một tri kỷ đúng nghĩa. Với tôi, như vậy đã đủ để bản thân cảm thấy hạnh phúc lắm rồi”.
Nữ diễn viên Thanh Tú cùng với bạn diễn trong một cảnh quay. |
Nói xong, Thanh Tú quay sang hỏi tôi: “Có phải chị kỹ quá nên bây giờ vẫn không có ai để dựa vào hay không?” tôi lắc đầu nói không phải. Tôi nghĩ, một người phụ nữ độc lập như Tú, chị biết điều gì nên làm và người đàn ông nào phù hợp với mình.
Chị ngậm ngùi nói: “Tôi đã đi qua cái thời sống bản năng chỉ suy nghĩ cho mình rồi. Tôi bây giờ chẳng thể là cô Tú ngây thơ như thuở mười tám, đôi mươi nữa. Tuổi trẻ tôi có quyền sai nhưng giờ thì không. Làm gì tôi cũng phải nghĩ cho các con trước tiên.
Tôi luôn sợ các con bị thiệt thòi khi thiếu vắng đi tình cảm của người cha, nên nếu người nào đến với tôi phải thương yêu và bù đắp cho con tôi thì tôi mới chấp nhận. Biết là khó nhưng trên đời này, không gì là không có thể xảy ra nên tôi chưa bao giờ thôi hy vọng cả...”.
Từ đầu đến cuối câu chuyện của mình, Thanh Tú luôn tự nhận mình là người không may mắn, cả trong công việc lẫn hôn nhân. Nhưng tôi cho rằng, khi phụ nữ rơi vào trạng thái đau khổ tận cùng ta mới biết họ mạnh mẽ đến cỡ nào.
Nhìn lại cuộc đời mình, không thiếu những đắng cay, nước mắt nhưng dù ở tuổi 20 hay 40 thì Thanh Tú vẫn bình thản đón nhận nó. Chị không có thói quen nhìn lại quá khứ bởi chị luôn hướng về phía trước. Với chị, quá khứ chỉ chỉ nên xem đó là kỉ niệm đẹp, một góc sâu trong lòng để trân trọng quý mến nhưng không nên nhớ quá kĩ vì đôi khi nhớ kĩ quá sẽ làm cản trở con đường đi của mình.
Thanh Tú cho rằng quan niệm sống đơn giản chính là chìa khóa giúp cho cuộc sống của chị nhẹ nhàng, hạnh phúc. “Tôi lớn lên trong nghèo khó, nên mọi thứ trong cuộc sống tôi đều nhắc nhở bản thân phải tằn tiện không phải chỉ duy có kinh tế mà còn có cả niềm vui. Bởi cuộc sống này ngắn lắm, nên sống được ngày nào thì hãy cứ vui thôi”.
Lắng nghe câu chuyện của người đàn bà “hiền như ma sơ” Thanh Tú, tôi luôn ấp ủ cho mình một niềm tin, tin rằng một ngày không xa, sẽ có một món quà bất ngờ đến với chị. Đó là khi chị tìm một người đàn ông yêu thương chị và các con hết mực - một hạnh phúc đích thực của cuộc đời.
“Phụ nữ chúng ta dù mạnh mẽ đến mấy vẫn là một người đàn bà cần yêu thương và cần một người đàn ông đủ tin cậy hơn bao giờ hết. Và suy cho cùng, phụ nữ chúng ta ai cũng đều xứng đáng được hưởng hạnh phúc”, nữ diễn viên Thanh Tú chia sẻ.