Diễn viên bỏ nghề, nhà hát tìm đường sống vì COVID -19

Nghệ sĩ Thùy Dương làm nem tại nhà để bán khi không có show thời dịch. Ảnh cắt từ clip do nhân vật cung cấp.
Nghệ sĩ Thùy Dương làm nem tại nhà để bán khi không có show thời dịch. Ảnh cắt từ clip do nhân vật cung cấp.
0:00 / 0:00
0:00
Nghệ sĩ tuồng, diễn viên múa rối... xin nghỉ làm nhà hát để đi bán bảo hiểm, làm nhôm kính, lái xe mưu sinh thời dịch.

Đợt dịch thứ tư khiến các nhà hát vốn đóng băng gần hai năm qua càng lâm vào cảnh lao đao. Trong cuộc tọa đàm trực tuyến hôm 26/5, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam cho biết năm qua, nhiều nghệ sĩ đã xin nghỉ, trong đó có cả những người mới vào biên chế hoặc chuẩn bị vào. Họ chuyển sang bán bảo hiểm, làm nhôm kính, lái xe. Tại Nhà hát Tuồng Việt Nam, một số nghệ sĩ ưu tú xin nghỉ để ra ngoài kiếm sống. Giám đốc Phạm Ngọc Tuấn nói không suất diễn, không có tiền, diễn viên bỏ đi là chuyện dễ hiểu.

Khi Liên đoàn Xiếc Việt Nam ngừng diễn vì dịch, vợ chồng nghệ sĩ Thùy Dương và Đức Thắng chuyển sang bán đồ ăn online. Hàng ngày, chị tất bật cuốn, rán nem, chế biến các món ăn gia đình. Anh đảm nhận khâu đóng gói, giao hàng để tiết kiệm chi phí. "Khi còn được biểu diễn thường xuyên, hàng tháng thu nhập của vợ chồng tôi tạm ổn. Hiện nay, mức lương cơ bản vài triệu đồng không đủ nuôi hai con nhỏ. Chúng tôi đành phải nghĩ cách kiếm kế sinh nhai. Bán hàng cũng không được nhiều, chủ yếu lấy công làm lãi", chị Dương nói.

Do đặc thù nghề nghiệp, Liên đoàn Xiếc Việt Nam có nhiều diễn viên hoạt động theo hợp đồng. Ông Tống Toàn Thắng cho biết năm 2020, liên đoàn phải đi vay nhiều nguồn để trả lương cho anh em. Tuy nhiên, đợt dịch mới khiến liên đoàn "kiệt sức". Nhiều nghệ sĩ về quê nghỉ lễ, ông nhắn họ ở nhà tự luyện tập. Ông Toàn Thắng cho biết: "Đến giờ bữa trưa cho các em chúng tôi cũng không lo được. Cuộc chiến với Covid-19 lần này, ngành xiếc đã bị hạ đo ván".

Trước tình thế khủng hoảng, nhiều lãnh đạo sân khấu cho rằng gói hỗ trợ biểu diễn là giải pháp. Nghệ sĩ Nhân dân Thanh Ngoan - Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam - mong muốn Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch hỗ trợ tạm ứng kinh phí 10 tới 20 đêm diễn. Số tiền này được dùng trả trước cho các nghệ sĩ, để họ làm điểm tựa tiếp tục gắn bó với nghề trong lúc đang phải ngừng diễn. Khi hết dịch, các nhà hát sẽ sắp xếp biểu diễn ngay. Tháng 5 năm ngoái, Bộ cho 12 nhà hát kinh phí một đêm diễn, để họ đồng loạt "sáng đèn" sau thời gian dài giãn cách.

"Các cơ chế, chính sách cố định không thể thay đổi trong ngày một ngày hai, vì vậy đây là giải pháp tức thời nhất. Nghệ sĩ phải được lên sân khấu mới thêm yêu nghề và phải có kinh tế mới giữ chân được họ", chị Ngoan nói. Ông Tống Toàn Thắng - Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam - đồng tình và nhận định đây là phương án khả thi nhất để giúp các sân khấu vượt qua thời dịch.

Nghệ sĩ trong buổi biểu diễn Chiếu chèo. Ảnh: Nhà hát Chèo Việt Nam.

Giải pháp chi trả lương để giữ chân diễn viên trẻ được các lãnh đạo bàn bạc. Hiện theo quy định, các đơn vị không được dùng ngân sách nhà nước mà dùng nguồn thu bên ngoài (tiền hợp đồng biểu diễn, bán vé) để trả lương cho các nghệ sĩ có hợp đồng ngắn hạn. Tuy nhiên, sân khấu đóng cửa, họ không có nguồn thu. Vì vậy, những nghệ sĩ đó không có lương. Nghệ sĩ Nhà hát Cải lương còn nhận mức lương thấp do chỉ có bằng Trung cấp, không có hệ đào tạo Đại học. Ông Phạm Ngọc Tuấn kiến nghị dùng ngân sách nhà nước để trả lương cho họ trong giai đoạn này. Khi hết dịch, nhà hát có hợp đồng biểu diễn, cách chi trả quay trở lại như trước.

Nghệ sĩ Xuân Bắc cho biết Nhà hát Kịch Việt Nam vừa ra quyết định mỗi tháng trích từ ngân sách của đơn vị này khoảng 1,5 - 2 triệu đồng hỗ trợ tiền nhà ở cho các diễn viên không có lương. Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng cố gắng chi trả mức tối thiểu để nhân viên có tiền trang trải cuộc sống.

Nghệ sĩ tập luyện vở Nữ cảnh sát SBC. Ảnh:Nhà hát Kịch Việt Nam.

Nghệ sĩ tập luyện vở "Nữ cảnh sát SBC" tháng 12/2020. Ảnh: Nhà hát Kịch Việt Nam.

Xác định phải đóng cửa vì dịch lâu dài, nhiều nhà hát đang cố gắng tìm hướng phát triển online. Nhà hát Kịch Việt Nam thành lập hai ê-kíp làm truyền thông và phát triển kênh Youtube, Tiktok. Qua đó sẽ cung cấp các nội dung giải trí, hoạt động nhà hát và xây dựng hình ảnh cho các nghệ sĩ. Xuân Bắc cho rằng sân khấu chỉ tồn tại khi có khán giả đến xem nhưng do dịch, cần phải ứng dụng công nghệ để đảm bảo an toàn, tăng thêm thu nhập và hỗ trợ sự phát triển của nhà hát.

Nhà hát Chèo Việt Nam dự kiến công chiếu các vở diễn nổi tiếng trên các nền tảng mạng xã hội. Theo giám đốc Thanh Ngoan, phát online hiệu quả không thể bằng khán giả tới xem trực tiếp, tuy nhiên, nghệ sĩ cần được làm nghề. "Phải để cho khán giả thấy chúng ta vẫn làm việc, vẫn giữ nghề. Chứ cứ kêu khổ rồi nằm chờ như vậy thì không được", chị nói. Trước đó, nhà hát tổ chức cuộc thi hát online Thử thách tôi nhằm cổ vũ tinh thần nghệ sĩ thời dịch và truyền tình yêu môn nghệ thuật truyền thống tới khán giả. Nhà hát Múa rối Việt Nam phát triển theo hướng kết hợp đài truyền hình xây dựng những kịch mục phát sóng.

Ông Trần Hướng Dương - Phó Cục trưởng Nghệ thuật Biểu diễn - cho biết Cục đã có văn bản gửi các nhà hát về kế hoạch tổ chức thực hiện nhiệm vụ trong dịch bệnh. Đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Cục dự kiến gặp mặt lãnh đạo các nhà hát để triển khai kế hoạch, tiếp cận công nghệ số.

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Chuyện bí ẩn về bút danh Đoàn Chuẩn - Từ Linh

Những câu chuyện xung quanh việc sáng tác chung của Đoàn Chuẩn và Từ Linh cho đến nay, vẫn còn là bí mật. (Ảnh: Vàng Son một thuở)
(PLVN) - Trong hầu hết các sáng tác của mình, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn thường ký bút danh Đoàn Chuẩn - Từ Linh. Về cái tên Đoàn Chuẩn - Từ Linh có rất nhiều giai thoại. Cho đến tận bây giờ, nhiều người vẫn không thể giải thích hay làm sáng tỏ được việc viết nhạc và lời của hai ông trong các sáng tác.

Phận đời sầu thương của nhạc sĩ Đỗ Lễ

Phận đời sầu thương của nhạc sĩ Đỗ Lễ
(PLVN) - Đỗ Lễ được nhiều người biết đến nhờ những bản tình ca buồn như: “Sang ngang”, “Mắt buồn”, “Ngày tạm biệt”... Những lời ca day dứt, đau thương đã vận vào cuộc đời người nghệ sĩ tài hoa, bạc mệnh này.

Những tài liệu quý về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ

Những tài liệu quý về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Ảnh: Thùy Dương).
(PLVN) - Trong số tài liệu bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ), khối tài liệu về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ và Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 là một trong những khối tài liệu phản ánh một phần lát cắt của lịch sử dân tộc vẻ vang, hào hùng giữa thế kỷ XX.

Cảm nhận nhạc Đỗ Bảo ở “Khung trời khác”

Cảm nhận nhạc của Đỗ Bảo giản đơn, mộc mạc, nhưng rất sâu lắng và tinh tế (ảnh NVCC).
(PLVN) - Khung trời khác, là cảm nhận của một chàng ca sỹ Hà Nội về những bài hát do chính một nhạc sỹ Hà Nội sáng tác. Vẫn là những ca khúc quen thuộc của nhạc sỹ Đỗ Bảo, nhưng lại rất mới, rất khác so với những bản thu âm mà khán giả từng nghe trước đó.

Còn mãi tiếng 'oanh ca' Ngọc Lan

Cuộc đời của bà cũng mong manh, bạc mệnh như đóa ngọc lan nhỏ bé. (Nguồn: Nhạc vàng online)
(PLVN) - Tháng 3 là mùa trăm hoa đua nở, nhưng cũng là ngày mất đi một danh ca nổi tiếng người Việt Nam mang tên Ngọc Lan. Bà thành danh ở tuổi 30, nhưng “tài hoa bạc mệnh”, người đẹp đã qua đời ở tuổi 45. Hai mươi năm sau ngày mất, nữ danh ca vẫn để lại tiếc nuối không nguôi trong lòng người hâm mộ.

Có gì ở bom tấn “Godzilla x Kong: Đế chế mới”?

Có gì ở bom tấn “Godzilla x Kong: Đế chế mới”?
(PLVN) - Sau thành công của phần phim “Godzilla Đại chiến Kong”, đạo diễn Adam Wingard và ê-kíp sẽ trở lại trong màn hợp sức của hai siêu quái trong “Godzilla x Kong: Đế chế mới” với một quy mô đồ sộ hơn.