Diễn biến mới 'vụ án Đường Nhuệ': Vợ chồng chủ doanh nghiệp Lâm Quyết được tại ngoại

Hai bị cáo Phạm Thị Quyết, Nguyễn Văn Lẫm (ở giữa) bên người thân trong ngày đầu tiên được phép tại ngoại. Ảnh: Trung Du.
Hai bị cáo Phạm Thị Quyết, Nguyễn Văn Lẫm (ở giữa) bên người thân trong ngày đầu tiên được phép tại ngoại. Ảnh: Trung Du.
(PLVN) - Ngày 28/4, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã ban hành Quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với hai bị cáo Nguyễn Văn Lẫm, Phạm Thị Quyết từ "tạm giam" thành "bảo lĩnh". 

Hai bị cáo này trước đó bị TAND tỉnh Thái Bình tuyên án lần lượt 14, 13 năm tù giam với tội danh "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", đang trong thời hạn kháng cáo.

Theo đó, Chánh án TAND Cấp cao tại Hà Nội, ông Phạm Văn Hà xét thấy hai bị cáo Nguyễn Văn Lẫm, Phạm Thị Quyết có địa chỉ cư trú rõ ràng, đồng thời có đơn xin bảo lãnh hợp pháp của thân nhân nên không cần thiết tiếp tục áp dụng biện pháp ngăn chặn "tạm giam", do đó tiến hành thay đổi biện pháp ngăn chặn thành "bảo lĩnh".

Hai bị cáo Lẫm, Quyết được phép tại ngoại cho đến khi kết thúc phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án hình sự "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình.

Trước đó, gửi đơn thư cầu cứu đến báo Pháp luật Việt Nam năm 2019, gia đình bị cáo Lẫm, Quyết tố cáo ông Nguyễn Xuân Đường (thường gọi “Đường Nhuệ”, trú tại TP Thái Bình) với nội dung: Vào năm 2017 ông Đường đồng ý cho công ty sản xuất, chế biến gỗ Lâm Quyết vay số tiền 1,7 tỷ đồng với lãi suất thoả thuận miệng là 2 nghìn đồng/1 triệu/1 ngày, không cố định ngày tất toán để phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh.

Khi doanh nghiệp chưa có khả năng trả nợ thì ông Đường bị tố rằng đã cho "đàn em" xuống chiếm giữ, đập phá trụ sở công ty Lâm Quyết, lấy đi nhiều tài liệu, giấy tờ quan trọng. Doanh nghiệp từ chỗ đang sản xuất, kinh doanh ổn định để thanh toán công nợ, trả lương cho người lao động bỗng lâm vào cảnh ngưng sản xuất, công việc đình trệ, người lao động mất việc làm, thất nghiệp.

Công an TP Thái Bình bị phản ánh rằng sau đó, lúc triệu tập Công ty TNHH Lâm Quyết lên để giải quyết vụ việc đã không khách quan khi không xem xét, giải quyết nội dung trụ sở công ty bị chiếm giữ, đập phá tài sản, tẩu tán tài liệu, giấy tờ; không khám nghiệm hiện trường để điều tra hành vi hủy hoại, chiếm đoạt tài sản của nhóm người do ông Đường chỉ đạo, không xác minh làm rõ nội dung tố cáo ông Đường gọi điện đe doạ giết người, ép bán, nhượng quyền doanh nghiệp.

Thay vào đó, Công an TP Thái Bình lại có dấu hiệu hình sự hoá các mối quan hệ dân sự để khởi tố, bắt giữ chủ doanh nghiệp Lâm Quyết với tội danh “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” ở một nội dung khác.

Từ ngày 16/4/2018 cho đến nay, ông Lẫm, bà Quyết đã bị Cơ quan CSĐT Công an TP Thái Bình khởi tố, bắt tạm giam về hành vi này.

Đến ngày 12/6/2019, tại phiên xét xử sơ thẩm, TAND tỉnh Thái Bình đã tiến hành tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Lẫm 14 năm tù, Phạm Thị Quyết 13 năm tù theo khoản 4, điều 175 Bộ Luật Hình sự cùng về tội danh "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" với cáo buộc: Hai bị can Lẫm và Quyết đã gian dối, nại ra việc bị nhóm người do ông Nguyễn Xuân Đường chỉ đạo chiếm giữ, hủy hoại trụ sở công ty hòng trốn tránh việc trả nợ, nhằm chiếm đoạt số tiền đã vay trước đó của một người khác cùng trú TP Thái Bình.

Trong suốt hơn 2 năm bị tạm giam vừa qua, các bị cáo Lẫm, Quyết và người thân trong gia đình một mực kêu oan và nhiều lần có đơn thư cầu cứu gửi đến các cấp, ngành từ trung ương đến địa phương. Thậm chí, ngay sau khi có phán quyết của tòa sơ thẩm, các bị cáo đã kiên quyết phủ nhận hành vi phạm tội, đồng thời làm các thủ tục tiến hành kháng cáo tại tòa.

Trao đổi với báo Pháp luật Việt Nam chiều 29/4, gia đình bị cáo Lẫm, Quyết gửi lời cảm ơn đến chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước, sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của TAND Cấp cao tại Hà Nội và các cơ quan thông tấn, báo chí thời gian qua đã vào cuộc phản ánh khách quan vụ việc công ty Lâm Quyết có liên quan đến băng nhóm tội phạm do Đường "Nhuệ" cầm đầu.

Đồng thời, bản thân hai bị cáo và gia đình cho biết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc đi đến cùng chân tướng, sáng tỏ vụ việc.

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.

Đọc thêm

Triệt phá đường dây chế độ vũ khí quân dụng

Các đối tượng bị bắt giam về tội "Tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng" cùng tang vật (Ảnh: CACC).
(PLVN) -  Cơ quan CSĐT quận 4 (TP HCM) vừa triệt phá đường dây “độ, chế”, tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng và công cụ hỗ trợ liên tỉnh/thành; khởi tố, bắt tạm giam 5 đối tượng về tội “Tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng”.

Kỷ luật 2 lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp

Kỷ luật 2 lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đã ký các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thi hành kỷ luật đối với Phó Chủ tịch và nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp.

Bắt đối tượng vận chuyển gần 12.000 viên ma túy tổng hợp

Tang vật vụ án.

(PLVN) - Ngày 13/1, thông tin từ Công an huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) thuộc đơn vị đang tiếp tục mở rộng điều tra về hành vi “Mua bán trái phép chất ma túy” đối với Lê Văn Q (SN 1980, trú tại xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ).

Vụ án tại Trung tâm R&D thuộc BQL Khu CNC TP HCM: Cựu lãnh đạo Sở KH&ĐT nhận tiền tỷ khi duyệt dự án

Bị cáo Minh tại một phiên tòa hồi tháng 7/2024. (Ảnh: Hải Duyên)
(PLVN) - Dự kiến từ ngày 15/1, TAND TP HCM sẽ đưa bị cáo Trần Thị Bình Minh (cựu PGĐ Sở KH&ĐT), Phan Tất Thắng (cựu Phó phòng Kinh tế) ra xét xử về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ trong vụ án xảy ra tại Trung tâm nghiên cứu triển khai Khu công nghệ cao (Trung tâm R&D) thuộc Ban Quản lý Khu công nghệ cao (BQLKCNC) TP HCM và các đơn vị liên quan.