Bước đột phá của kĩ xảo phim Việt
Mới đây, công bố của giám đốc kĩ thuật bộ phim “Mắt biếc” đã làm khán giả ngỡ ngàng vì những công nghệ làm phim cực kì hiện đại mà bộ phim này đang áp dụng.
Với kinh phí khủng được đầu tư cho kĩ thuật làm phim, bộ phim đã tạo ra những “lần đầu” đầy bất ngờ cho phim Việt, được đánh giá là bộ phim trong nước đầu tiên ứng dụng nhiều công nghệ làm phim hiện đại bậc nhất của Hollywood.
“Mắt biếc” là bộ phim ứng dụng mạnh mẽ trí tuệ nhân tạo cũng như được tự động hóa ở mức độ cao. Các phần mềm tự động hóa được ứng dụng trong rất nhiều khâu của bộ phim, từ chọn quang cảnh cho tới cả giả lập ống kính máy quay, cho phép đoán kết quả khi giả định đặt máy quay ở những góc khác nhau.
Ánh sáng tại trường quay cũng được ứng dụng công nghệ sao cho có thể tự động điều chỉnh độ, màu để phù hợp từng phân cảnh. Công nghệ AI ở trình độ cao, giúp nhận diện chuyển động, xử lý màu sắc và lấy nét, chèn mặt và thay thế giọng nói, đồng thời nhận diện những cảnh quay kém chất lượng để tự động xử lý, tăng cường độ sắc nét.
Cạnh đó còn nhiều công nghệ khác được ứng dụng trong quá trình làm phim, giúp ê kip làm phim giảm tải khó khăn, thậm chí duyệt phim, lên phương án từ xa và cho ra mắt một sản phẩm điện ảnh có chất lượng kĩ thuật cực kì cao độ sắc nét và độ phân giải thuộc hàng “chưa từng thấy”.
Trước đó, điện ảnh Việt cũng có những bước chuyển mình trong công nghệ làm phim bằng sự tự động hóa, áp dụng phương pháp làm phim mới, xử lý hậu kì thông qua những ứng dụng hiện đại hoặc dùng trí tuệ nhân tạo... Tuy nhiên, có thể nói, những công nghệ được áp dụng trong “Mắt biếc” đã cập nhật khá đầy đủ công nghệ làm phim chuẩn quốc tế, mặc dù đây là một bộ phim tình cảm, tâm lý, tưởng như chẳng cần đầu tư công nghệ “khủng” về mặt kĩ thuật.
Có lẽ, sự đầu tư chỉn chu ở mọi mặt là nguyên nhân không nhỏ khiến “Mắt biếc” gây sốt, đẩy bật các phim “bom tấn” nước ngoài khỏi giờ vàng và đứng trước cơ hội thành phim Việt phá kỉ lục doanh thu phòng vé từ trước đến nay. Có thể coi đây là một bước mở đường ngoạn mục để điện ảnh Việt bước sang một kỉ nguyên mới mẻ của một cách làm phim hiện đại, tối tân hơn.
Cần nắm bắt cơ hội
Khái niệm “điện ảnh 4.0” đã được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây. Với 4.0 trong điện ảnh, công nghệ được ứng dụng mạnh mẽ, đa diện, từ khâu sản xuất đến trình diễn và trải nghiệm của khán giả.
Với các nước có nền điện ảnh phát triển vượt bậc, 4.0 không còn là điều mới mẻ. Những công nghệ tối tân thời đại đã được ứng dụng trong điện ảnh. Thực tế ảo, thiết bị bay không người lái (drones), công nghệ in 3D, ứng dụng cân bằng sáng, công nghệ AI trong thiết kế hình ảnh và âm thanh...
Tất cả những công nghệ đột phá ấy đã đưa điện ảnh lên một tầm cao mới. Những góc quay cao hơn, rộng bao la hơn; những hình ảnh sắc nét với độ phân giải chưa từng có. Những quang cảnh cực kì hoành tráng, hiệu ứng thật đến mức nghẹt thở, những nhân vật và cảnh vật siêu thực uyển chuyển như thật... không chỉ xuất hiện trong phim Hollywood mà đã bắt đầu xuất hiện ở nhiều nền điện ảnh khác.
Điện ảnh Việt dường như cũng đang đứng trước một cột mốc mới cùng sự thay đổi của điện ảnh toàn cầu. Thay đổi hay là tụt hậu? Đó là câu hỏi đau đáu cho các nhà làm phim Việt. Điện ảnh cả thế giới đang thay đổi và nếu Việt Nam không thay đổi kịp thời cùng xu thế nhân loại, chuyện bị “thua ngay trên sân nhà” rất có thể diễn ra.
Giờ đây, nhu cầu và trình độ thưởng thức của khán giả cũng đã khác xa so với trước đây, khi mà họ có điều kiện tiếp xúc với các nền điện ảnh nổi tiếng, cập nhật những sản phẩm điện ảnh mới nhất toàn cầu. Một bộ phim hay tiêu chuẩn với họ không chỉ đơn thuần là nội dung hay, diễn xuất tốt như trước đây nữa. Một sản phẩm điện ảnh chất lượng của thời đại ngày nay, phải là sự tổng hòa của nội dung và cách thức thể hiện.
Trong đó, có đòi hỏi về chất lượng cảnh quay, về nước màu, độ nét khi xử lý hình ảnh, phần âm nhạc... Tất cả những yếu tố ấy đều được khán giả cố ý hay vô tình “chấm” để cho ra một đánh giá chung về bộ phim. Chính vì thế, đây là một thời điểm đòi hỏi sự thay đổi từ tư duy đến cập nhật về công nghệ cho các nhà làm phim trong nước. Là khó khăn nhưng cũng là một cơ hội mới. Cơ hội để phim Việt có thể bước lên một tầm cao khác, có thể không chỉ thắng trên sân nhà mà còn bước ra được biển lớn.
Ông Đỗ Duy Anh - nguyên Cục phó Cục Điện ảnh:
“Điện ảnh là một ngành công nghiệp và luôn gắn bó mật thiết với sự phát triển của công nghệ. Cách mạng công nghiệp 4.0 tất yếu sẽ dẫn đến cách mạng công nghệ trong lĩnh vực điện ảnh. Theo đó, sự phản ánh về hiện thực ảo và hiện thực thật xen lẫn, hòa trộn với nhau trong phim, việc phát hành và phổ biến một bộ phim vượt ra ngoài khuôn khổ truyền thống là tại các rạp chiếu hoặc trên truyền hình, cách thức tiếp cận, hưởng thụ nghệ thuật điện ảnh của khán giả cũng thay đổi với nhiều sự lựa chọn phù hợp hơn để thỏa mãn nhu cầu cá nhân ở bất cứ thời gian, địa điểm nào.
Điện ảnh Việt cần chủ động áp dụng những thành quả, tiến bộ khoa học mà công nghệ mang đến, hoạch định chiến lược phát triển công nghiệp điện ảnh phù hợp với xu hướng phát triển của điện ảnh thế giới. Theo đó, cần xác định những bước đi cụ thể như: Xây dựng nền tảng dữ liệu số hóa toàn bộ quá trình sản xuất, phát hành và phổ biến phim và bản quyền tác giả; xây dựng cơ sở cung cấp dịch vụ kỹ thuật số cho ngành công nghiệp điện ảnh…
Và điều quan trọng vẫn là nhấn mạnh vào sức mạnh của nguồn nhân lực. Máy móc kỹ thuật hiện đại mà không có con người biết sử dụng, phát huy được thế mạnh của công nghệ thì cũng chỉ là con số 0”.