Theo TS. Vũ Thành Tự Anh, thành viên tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Giám đốc Trường Fulbright, Việt Nam được đánh giá là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới, nếu tính tỷ trọng giữa thương mại và GDP của Việt Nam xấp xỉ 200%, so với các nền kinh tế lớn thì Việt Nam đứng top đầu về độ mở của nền kinh tế. Vì vậy, bất kỳ một cái gì dù lớn nhỏ xảy ra trên thế giới đều tác động ngay lập tức và to lớn đến Việt Nam.
Điểm lại bối cảnh kinh tế - tài chính thế giới năm 2018 cho thấy, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng. Tháng 10/2018, IMF hạ dự báo kinh tế tăng trưởng toàn cầu năm 2018 xuống mức 3,7%. Theo OECD, tăng trưởng kinh tế thế giới đã hạ đỉnh vào năm 2017, dự báo đạt 3,7% trong năm 2018 và đạt khoảng 3,5% trong năm 2019. Thương mại toàn cầu cũng tăng trưởng chậm hơn dự báo khi Mỹ thay đổi chiến lược chuyển sang đàm phán song phương, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn biến phức tạp và nhiều khả năng còn tiếp tục kéo dài. IMF hạ dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu năm 2018 xuống mức 4,2%, thấp hơn 1 điểm % so với năm 2017...
Chưa hết, lạm phát toàn cầu có xu hướng tăng cao hơn năm 2017 do giá hàng hóa năng lượng tăng, đặc biệt giá dầu bình quân tăng mạnh. Theo OPEC, IMF và WB, giá dầu bình quân của năm 2018 ước khoảng 69 USD/thùng, tăng 30% so với năm 2017. Cùng với đó, chính sách tiền tệ thắt chặt tại Mỹ, châu Âu và Anh do kỳ vọng lạm phát tăng cao. Do đó, tại nhiều nước mới nổi và đang phát triển, Ngân hàng Trung ương buộc phải tăng lãi suất, can thiệp vào thị trường tiền tệ nhằm ứng phó với lạm phát cao, đồng nội tệ mất giá mạnh và rủi ro dòng vốn đảo chiều khi lãi suất tại các nước phát triển tăng.
Trong bối cảnh đó, kinh tế Việt Nam năm 2018 vẫn ổn định và tăng trưởng. Lý giải cho thành công này, PGS. TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, năm 2018, kinh tế Việt Nam có sự cân đối giữa ổn định và tăng trưởng tốt hơn, trong đó sự ổn định rõ hơn. “Mặc dù chưa thực sự quyết liệt nhưng cơ cấu nền kinh tế bắt đầu cho sự chuyển dịch tích cực. Chất lượng tăng trưởng ngành nông nghiệp đi lên thực sự. Dịch vụ, du lịch cũng được đẩy mạnh. Công nghiệp, khai khoáng chưa thực sự như mong muốn, nhưng rõ ràng đã có sự dịch chuyển…”, ông Thiên đánh giá.
Chuyên gia này cũng cho rằng, một trong những điểm tích cực trong năm 2018 là sự thay đổi thể chế, có những cải cách rất mạnh như Chính phủ nỗ lực tháo bỏ rào cản, giảm chi phí cho DN. Đặc biệt, sau 30 năm khu vực tư nhân lại có khuynh hướng được trỗi dậy, dịch chuyển trở lại. “Năm 2018 có điểm đặc biệt là hội nhập. Từ thực tiễn mở cửa cho thấy, Việt Nam đỡ lệ thuộc nhiều, trong bối cảnh thế giới nhiều “chao đảo”, Việt Nam vẫn tăng trưởng và ổn định, rõ ràng là điểm sáng”, ông Thiên nhấn mạnh.
Theo chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh, điểm nhấn quan trọng nhất là Chính phủ đã lựa chọn ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định môi trường kinh doanh thay vì cố gắng tăng trưởng kinh tế cao nhất có thể.
TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, Trường ĐH Fulbright Việt Nam cũng cho rằng, nhìn lại năm 2018, Việt Nam có ba động lực để phát triển kinh tế. Thứ nhất, cải thiện vốn đầu tư; Thứ hai, cải thiện năng suất lao động, chuyển biến từ năng suất lao động truyền thống sang công nghiệp tiêu dùng; Thứ ba, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. “Nếu Chính phủ tiếp tục cam kết cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy kinh tế phát triển như năm 2018 vừa qua thì ba động lực trong năm 2018 sẽ tạo những hiệu quả kinh tế mới trong năm 2019”, chuyên gia này nhận định.