Malaysia tái phong tỏa gần như toàn bộ đất nước để chống dịch
Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Ismail Sabri Yaakob cho biết từ ngày 22/1, các bang Pahang, Perak, Negeri Sembilan, Kedah, Terengganu và Perlis sẽ bắt đầu thực hiện MCO.
Trước đó, MCO đã được thực hiện tại 5 bang (Penang, Selangor Malacca, Johor, Sabah) và 3 lãnh thổ liên bang là Kuala Lumpur, Putrajaya, Labuan từ ngày 13/1, còn đối với bang Kelantan là từ ngày 16/1.
Thời gian thực hiện MCO là hai tuần và có thể sẽ được gia hạn để hạn chế sự đi lại từ đó hạn chế sự lây lan của đại dịch Covid-19.
Như vậy, đến ngày 22/1, MCO được áp đặt tại gần như toàn bộ các bang và lãnh thổ liên bang ở Malaysia, ngoại trừ Sarawak. Tuy nhiên, một số địa phương ở Sarawak cũng đã thực hiện MCO, bao gồm Sibu, Selangau và Kanowit.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 19/1, Malaysia ghi nhận 3.631 mắc mới Covid-19, mức cao thứ hai kể từ khi đại dịch bùng phát ở nước này, đứng sau ngày 16/1 với 4.029 ca. Bang Selangor tiếp tục là địa phương có nhiều số ca nhiễm nhất với 1.199 ca, tiếp đó là Sabah và Kuala Lumpur lần lượt với 526 và 521 ca.
Trung Quốc kéo dài thời gian theo dõi y tế
Ngày 19/1, Trung Quốc thông báo sẽ kéo dài thời gian theo dõi y tế lên 28 ngày đối với công dân trở về từ nước ngoài nhằm ngăn chặn các ca mắc Covid-19 nhập khẩu.
Theo đó, mô hình "14+7+7" bao gồm 14 ngày cách ly tập trung, 1 tuần cách ly tại nhà hoặc cách ly tập trung và 1 tuần theo dõi sức khỏe. Những người dân trong nước đến thủ đô Bắc Kinh phải cách ly 21 ngày trước khi vào Bắc Kinh và thực hiện 7 ngày giám sát y tế sau khi vào thủ đô.
EU muốn thiết lập một cơ chế cho phép chia sẻ lượng vaccine
Cùng ngày, Liên minh châu Âu (EU) bày tỏ mong muốn thiết lập một cơ chế cho phép chia sẻ lượng vaccine chưa dùng đến (dự trữ) với các quốc gia láng giềng nghèo hơn và các nước ở châu Phi.
Phát biểu với các nghị sĩ châu Âu, Ủy viên EU phụ trách y tế Stella Kyriakides nói: "Chúng tôi đang phối hợp với các quốc gia thành viên để đề xuất một cơ chế chia sẻ vaccine cho các nước ngoài EU".
Bà Stella nhấn mạnh rằng cơ chế này sẽ cho phép các nước nghèo hơn tiếp cận với nguồn vaccine trước khi cơ chế COVAX - chương trình chia sẻ vaccine trên toàn thế giới do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khởi xướng, được vận hành đầy đủ.
Theo kế hoạch, EU sẽ ưu tiên chia sẻ vaccine cho các nhân viên y tế và những người dễ bị tổn thương nhất tại các nước ở khu vực Tây Balkan, Bắc Phi và Tây sa mạc Sahara.
Theo bà Stella, cơ chế COVAX hiện đã đi vào hoạt động nhưng cho đến nay vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc đảm bảo nguồn vaccine. Tháng 12/2020, WHO thông báo đã đạt được thỏa thuận mua gần 2 tỷ liều vaccine ngừa Covid-19, nhưng phần lớn trong số vaccine này mới chỉ được cam kết bằng những thỏa thuận không ràng buộc với các hãng sản xuất vaccine vì hiện COVAX không có đủ tiền để đặt trước.
Một quan chức giấu tên của EU cho biết các nhà sản xuất dược sẽ không giao hàng nếu không có tiền đặt cọc trước.
Cho đến nay, EU - khu vực với 450 triệu dân, đã đặt mua gần 2,3 tỷ liều vaccine ngừa Covid-19 từ 6 công ty. WHO đã cảnh báo những rủi ro có thể xảy ra trong trường hợp phân phối không công bằng khi các quốc gia giàu có tích trữ quá nhiều.
Mặc dù vậy, WHO vẫn lạc quan việc phân phối vaccine theo cơ chế COVAX tới những nước nghèo và thu nhập trung bình sẽ bắt đầu ngay trong quý I/2021. COVAX đã đặt mục tiêu đến cuối tháng 3, có thể phân phối 135 triệu liều vaccine tới 92 nước thu nhập thấp và trung bình trong chương trình.