Các nước Đông Nam Á tiếp tục phát hiện nhiều ca mắc mới COVID-19
Ngày 3/2, Thái Lan thông báo phát hiện thêm 795 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 783 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 12 ca nhập cảnh.
Theo Trung tâm Xử lý tình huống dịch COVID-19 của Thái Lan (CCSA), trong số các ca lây nhiễm trong cộng đồng có 759 ca được phát hiện qua xét nghiệm đối với người nhập cư nước ngoài và công dân Thái Lan tại các nhà máy và cộng đồng ở tỉnh Samut Sakhon.
Cho đến nay, Thái Lan có tổng cộng 21.249 ca mắc COVID-19 và 79 ca tử vong. 14.001 bệnh nhân đã phục hồi trong khi 7.169 bệnh nhân đang được điều trị.
Cùng ngày, Bộ Y tế Philippines thông báo có thêm 1.266 ca nhiễm mới và 68 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 530.118 ca và 10.942 ca tử vong.
Philippines đến nay đã tiến hành xét nghiệm cho trên 7,4 triệu người trong tổng số 110 triệu dân.
Phát biểu tại cuộc họp báo, người đứng đầu Lực lượng ứng phó dịch bệnh quốc gia Carlito Galvez cho biết Chính phủ Philippines có kế hoạch tiêm lô vắcxin đầu tiên gồm 117.000 liều mà nước này sẽ được nhận trong tháng này theo Cơ chế phân phối vắcxin toàn cầu của Tổ chức Y tế Thế giới (COVAX) cho khoảng 56.000 nhân viên y tế làm việc tại 4 bệnh viện của chính phủ ở vùng đô thị Manila, cho các nhân viên y tế tại một bệnh viện công ở thành phố Davao, miền Nam Philippines và một bệnh viện khác ở thành phố Cebu, miền Trung nước này.
Theo ông Galvez, lô vắcxin này có thể tiêm cho 58.500 y tá, bác sỹ và nhân viên y tế.
Chính phủ Philippines đặt mục tiêu tiêm chủng cho 70 triệu dân trong năm nay, với đối tượng đầu tiên là nhân viên y tế, người già và cộng đồng người nghèo.
Tình hình dịch bệnh tại Malaysia và Indonesia cũng tương tự. Malaysia ngày 3/2 thông báo ghi nhận thêm 4.284 ca nhiễm mới và 18 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 226.912 ca và 809 ca tử vong.
Trong khi đó, Indonesia thông báo có thêm 11.984 ca nhiễm mới và 189 ca tử vong, nâng tổng số lên 1.111.671 ca mắc và 30.770 ca tử vong. Dịch bệnh đã lây lan tới toàn bộ 34 tỉnh thành của nước này./.
Singapore đã trở thành quốc gia châu Á đầu tiên cấp phép sử dụng vaccine phòng COVID-19 do hãng dược phẩm Moderna (Mỹ) bào chế. Dự kiến lô vaccine đầu tiên của hãng Moderna sẽ tới nước này vào tháng 3 tới. Quyết định được đưa ra sau khi Cơ quan Khoa học y tế (HSA) Singapore đánh giá các dữ liệu lâm sàng sẵn có và kết luận rằng vaccine của Moderna đã chứng minh hiệu quả phòng bệnh cao tới 94%, với lợi ích vượt trội so với nguy cơ rủi ro. Con số này dựa trên thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 được thực hiện trên 30.000 người trong độ tuổi từ 18 tới 95.
Indonesia phát hiện virus SARS-CoV-2 qua máy dò hơi thở tại các ga tàu
Ngày 3/2, Indonesia đã triển khai một chương trình phát hiện người nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 bằng cách sử dụng máy dò phát hiện virus này qua hơi thở.
Máy dò nói trên do các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Yogyakarta Gadjah Mada (UGM) của Indonesia sáng chế. Máy dò này có tên gọi “GeNose” sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và điện toán đám mây giúp chẩn đoán Covid-19 theo thời gian thực. GeNose được cho là hiệu quả hơn các xét nghiệm PCR và chính xác hơn nhiều so với các phương pháp test nhanh.
Các đối tượng sẽ được yêu cầu thổi vào một cái túi và kết quả cho ra chỉ sau 2 phút. GeNose hoạt động bằng cách phát hiện các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi có chứa virus SARS-CoV-2 từ hơi thở của bệnh nhân. Với hỗ trợ của nhiều cảm biến và công nghệ AI, bộ công cụ này có thể xác định liệu hơi thở có chứa virus hay không.
Máy dò này đã được thử nghiệm với độ chính xác lên tới 97% trên 600 mẫu bệnh phẩm hợp lệ thu được từ Bệnh viện Bhayangkara và Bệnh viện Bambanglipuro của Yogyakarta.
Công cụ GeNose của Indonesia tương tự với công cụ SpiroNose do một công ty công nghệ y tế của Hà Lan phát triển, và đang được triển khai tại Hà Lan nhằm đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm.
Indonesia hiện là nước có số ca nhiễm và tử vong cao nhất ở Đông Nam Á, với khoảng 1,1 triệu ca nhiễm và trên 30.000 ca tử vong.
Áo sẽ siết chặt biên giới
Tại Áo, chính phủ nước này thông báo sẽ siết chặt biên giới để ngăn chặn người nước ngoài tới các khu nghỉ dưỡng trượt tuyết tại nước này. Theo Bộ trưởng Nội vụ Karl Nehammer, an ninh sẽ được siết chặt tạo các khu nghỉ này ở dãy núi Alps và tại biên giới. Theo đó, các biện pháp kiểm soát chặt chẽ, bao gồm yêu cầu những người nhập cảnh phải khai báo với các nhà chức trách và thực hiện xét nghiệm theo tuần.
Do lệnh phong tỏa, các khách sạn, nhà hàng, quán bar, trường học và tất cả hoạt động kinh doanh không cần thiết phải đóng cửa trong nhiều tuần, chính phủ đã cho phép hệ thống cáp treo tại Alps hoạt động trở lại trước kỳ nghỉ Giáng sinh để phục vụ người dân trong nước. Tuy nhiên, hàng trăm khách nước ngoài vẫn tìm cách nhập cảnh trái phép vào Áo để tới các khu nghỉ này, hậu quả là một số ổ dịch Covid-19 đã xuất hiện tại đây.