Lo lắng một chính sách không công bằng
Như Báo Pháp luật Việt Nam đã phản ánh, Bộ Tài chính đang xin ý kiến các Bộ, ngành đối với một dự thảo công văn gửi Thủ tướng Chính phủ về đề xuất sửa đổi chính sách thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng ô tô. Theo đó, Bộ Tài chính cho rằng, để góp phần phát triển ngành công nghiệp ô tô đi vào chiều sâu thì chỉ nên áp dụng chính sách ưu đãi thuế đối với một số loại xe nhất định (xe du lịch dưới 9 chỗ, 2000L, tiêu chuẩn khí thải 4; xe tải dưới 5 tấn, tiêu chuẩn khí thải 4) và chỉ ưu đãi đối với các doanh nghiệp có đủ tiềm lực thể hiện qua định lượng số xe mỗi mẫu bán ra mà Bộ đưa ra.
Theo đó, để được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng thì điều kiện đối với xe du lịch là doanh nghiệp phải đạt được mức 34 nghìn xe (năm 2018); mỗi mẫu xe phải đạt 20 nghìn chiếc và tỷ lệ giá trị trong nước phải đạt 20%. Đối với xe tải, năm 2018, doanh nghiệp phải đạt sản lượng 8.000 xe và sản lượng mỗi mẫu xe phải đạt 4.000 chiếc với tỷ lệ nội địa hóa là 15%. Các doanh nghiệp không đạt được tiêu chí về số lượng xe sản xuất ra sẽ bị truy thu số thuế nhập khẩu linh kiện đã áp dụng theo mức ưu đãi.
Mặc dù đây mới chỉ là dự kiến, nhưng ý tưởng ban hành chính sách này cũng khiến cho nhiều nhà sản xuất ô tô lo lắng, các chuyên gia kinh tế và pháp luật cũng quan ngại. Điều đáng lo lắng nhất là việc quy định số lượng tối thiểu mà các nhà sản xuất phải đạt được. Bộ Tài chính cũng đã xác định, đối với xe tải thì quy định này chỉ có duy nhất một nhà sản xuất có thể đáp ứng được. Do đó, nếu các tiêu chí này được luật hóa thành chính sách thì nguy cơ chính sách sẽ chỉ hỗ trợ cho một doanh nghiệp chắc chắn sẽ xảy ra.
Phân tích về tư duy ban hành chính sách, Luật sư Nguyễn Hồng Bách, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp tỉnh Hà Nam cho rằng, dự thảo chính sách này được xây dựng trên nền tảng tư duy chính sách theo hướng ưu đãi thuế dựa trên quy mô của doanh nghiệp, một nguyên lý có thể gây ra sự không công bằng trong sản xuất kinh doanh và sẽ có nguy cơ kéo giãn “khoảng cách giàu nghèo” giữa các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tải vì một doanh nghiệp có quy mô lớn sẽ lấy hết lợi nhuận của các doanh nghiệp nhỏ hơn trong phân khúc xe tải dưới 5 tấn.
Trong ý kiến góp ý dự thảo công văn Bộ Tài chính gửi Thủ tướng Chính phủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI nhận xét, “linh kiện ô tô thuộc nhóm cần khuyến khích, trên thực tế chủ yếu được nhập khẩu về để lắp ráp trong khi nước ta đang muốn khuyên khích việc lắp ráp này. Vậy tại sao không giảm hoặc loại bỏ thuế đối với tất cả các chủ thể nhập khẩu nhóm linh kiện này để khuyến khích việc lắp ráp trên bình diện chung”. Với nhận xét này, việc lựa chọn ưu đãi thuế theo quy mô sản xuất của doanh nghiệp phải chăng là không công bằng và không khôn ngoan.
Theo ý kiến của Công ty cổ phần ô tô TMT, doanh nghiệp hiện đang hợp tác với Tập đoàn TATA (Ấn Độ) để lắp ráp xe tải phục vụ nhu cầu của thị trường Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung thì quy định về sản lượng tối thiểu để được hưởng ưu đãi như dự thảo văn bản Bộ Tài chính gửi Thủ tướng Chính phủ là quá cao, không phù hợp với thực tế sản xuất và cần phải xem xét đến định mức sản lượng tối thiểu để được hưởng ưu đã thuế nhập khẩu linh kiện sao cho ít nhất phải có 3 đơn vị sản xuất đáp ứng được.
Giảm cơ hội xuất khẩu của xe tải xuất sứ Việt Nam
Thị trường xe tải lắp ráp trong nước bùng nổ cách đây khoảng 10 năm với những tên tuổi mới như Trường Hải, Vinaxuki, TMT, VEAM, cạnh tranh với các công ty liên doanh sở hữu các thương hiệu nổi tiếng, đã có chỗ đứng trên thị trường như ISUZU, HYUNDAI, KIA. Các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe tải trong nước chủ yếu nhập khẩu linh kiện, phụ tùng ô tô từ các nhà sản xuất Trung Quốc. Sau hơn 10 năm phát triển, vị trí của các doanh nghiệp lắp ráp ô tô tải đã cơ bản định hình trên thị trường xe tải trong nước.
Xe tải Kia do Công ty Trường Hải (THACO) lắp ráp trong nước |
Ở giai đoạn tiếp theo, tham vọng của các doanh nghiệp Việt Nam là không chỉ loanh quanh với thị trường nội địa mà còn phải đi xa hơn, bước vào thị trường ASEAN và các châu lục khác khi cánh cửa xuất khẩu đã được mở rộng bằng các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết. Tuy nhiên, doanh nghiệp sản xuất ô tô Việt Nam hoàn toàn ý thức được rằng, không thể đi ra thế giới bằng những thương hiệu “thuần Việt” và bằng những sản phẩm có nguồn gốc linh kiện từ Trung Quốc. Mà, muốn tiếp cận thị trường quốc tế, phải có thương hiệu toàn cầu. Do đó, hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam đã hợp tác với các tập đoàn lớn để sản xuất, lắp ráp các loại ô tô có thương hiệu lớn, như sự kết hợp của Trường Hải với Kia, Thành Công với Hyundai và TMT với TATA.
Việc doanh nghiệp sản xuất ô tô Việt Nam đi ra thế giới trên “đôi chân của người khổng lồ” là một cách tiếp cận hợp lý, có thể giúp ngành công nghiệp ô tô Việt Nam và công nghiệp phụ trợ phát triển để tương lai, các sản phẩm ô tô xuất sứ Việt Nam sẽ có chỗ đứng trên thị trường thế giới. Và, chính sách ưu đãi thuế nhập khẩu linh mà Bộ Tài chính dự kiến ban hành sẽ tác động trực tiếp đến thực tế này theo cả hai khuynh hướng tích cực hoặc tiêu cực.
Vì lý do này, các ý kiến gửi về Bộ Tài chính đều đề nghị tăng đối tượng xe tải được giảm thuế nhập khẩu linh kiện. Theo ý kiến của Công ty Trường Hải, cần phải áp dụng giảm thuế nhập khẩu linh kiện đối với các loại xe tải dưới 16 tấn vì thực tế, các loại xe tải dưới 5 tấn chỉ chạy chủ yếu ở đô thị còn các loại xe có trọng tải lớn hơn được sử dụng nhiều hơn trong sản xuất ở khu vực ngoài đô thị và trong tương lại, nhu cầu của thị trường đối với các dòng xe dưới 5 tấn sẽ giảm trong khi nhu cầu về các dòng xe trong tải lớn hơn, đặc biệt là xe ben tự đổ sẽ gia tăng. Các doanh nghiệp khác cũng đồng tình với quan điểm này.
Dự thảo một công văn của Bộ Tài chính gửi Thủ tướng Chính phủ được đặc biệt quan tâm bởi nó chứa trong đó tư duy làm chính sách chưa hợp lý và sẽ có tác động không nhỏ đến số phận các doanh nghiệp sản xuất ô tô Việt Nam. Do đó, Bộ Tài chính cần tiếp thu và sửa đổi để tránh những tác động không mong muốn khi các nhóm lợi ích không được bảo vệ một cách công bằng.