2 phương án xử phạt
Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về việc hoàn thiện pháp luật về SHTT; khắc phục những vướng mắc, bất cập trong 16 năm thi hành cũng như những bất cập nảy sinh giữa các quy định của Luật SHTT với các văn bản quy phạm pháp luật được Quốc hội (QH) ban hành gần đây…
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi luật, mức độ đáp ứng các cam kết quốc tế của các quy định và cho ý kiến vào các nội dung còn ý kiến khác nhau mà Chính phủ xin ý kiến, trong đó có quy định xử lý vi phạm hành chính (VPHC) đối với các hành vi xâm phạm quyền SHTT.
Về vấn đề này, Chính phủ trình 2 phương án. Theo phương án 1, biện pháp xử phạt hành chính (XPHC) chỉ áp dụng đối với các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, giống cây trồng. Còn các hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, tên thương mại, bí mật kinh doanh và hành vi cạnh tranh không lành mạnh sẽ không bị XPHC mà chỉ bị xử lý bằng biện pháp dân sự. Phương án 2 đề xuất giữ nguyên quy định của pháp luật hiện hành. Theo đó, áp dụng biện pháp XPHC đối với tất cả các hành vi xâm phạm quyền SHTT.
Thẩm tra sơ bộ dự án luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Thị Mai Phương cho biết, về xử phạt VPHC đối với các hành vi xâm phạm quyền SHTT, Thường trực Ủy ban Pháp luật không nhất trí với phương án 1 mà Chính phủ trình. Bởi lẽ, để bảo đảm và duy trì trật tự, an toàn xã hội, cơ quan nhà nước sử dụng nhiều công cụ quản lý để thực hiện được mục tiêu này, trong đó có biện pháp xử lý VPHC được áp dụng để xử lý các vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm. Biện pháp này có tính chất, phạm vi áp dụng riêng và không xung đột với biện pháp dân sự trong bảo vệ quyền SHTT.
Theo Báo cáo Tổng kết thi hành Luật, việc xử lý các vụ tranh chấp, xâm phạm quyền bằng biện pháp dân sự tại tòa án chỉ chiếm tỷ lệ rất thấp so với hàng chục ngàn các vụ xâm phạm quyền bị xử lý bằng biện pháp hành chính và tập trung chủ yếu vào các tranh chấp liên quan đến lĩnh vực quyền tác giả (83,5%), các tranh chấp trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp chiếm tỷ lệ rất thấp (5,5%).
Nếu loại bỏ biện pháp xử lý VPHC về sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí sẽ dẫn đến khoảng trống pháp luật trong việc kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp và sẽ tạo thách thức không nhỏ cho hệ thống tòa án và đương sự khi sử dụng biện pháp tố tụng dân sự.
“Việc thực hiện theo phương án này có nguy cơ làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, giảm vai trò chủ động của cơ quan nhà nước trong việc phát hiện và xử lý mọi hành vi vi phạm pháp luật để duy trì trật tự công, đây là việc làm thường xuyên, liên tục, không phụ thuộc vào việc khởi kiện của đương sự mới tiến hành giải quyết, xử lý”, bà Phương nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, theo Thường trực Ủy ban Pháp luật, quan hệ SHTT là quan hệ dân sự có tính chất đặc thù, hành vi xâm phạm quyền SHTT không chỉ ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của một hay một số tổ chức, cá nhân mà còn ảnh hưởng rộng lớn đến quyền lợi của người tiêu dùng và toàn xã hội. Do đó, việc thu hẹp các biện pháp xử lý hành chính đối với vi phạm trong lĩnh vực này với lý do đây là quan hệ dân sự như nêu trong Tờ trình là chưa thuyết phục cả về cơ sở lý luận và thực tiễn.
Các biện pháp xử lý vi phạm không thể thay thế nhau
Phát biểu về nội dung trên, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Khắc Định chỉ ra rằng, trong bảo vệ pháp luật và bảo vệ công dân, tổ chức, hành vi vi phạm khách thể nào sẽ xử lý theo khách thể đó, các biện pháp xử lý vi phạm không thể thay thế cho nhau. Theo Phó Chủ tịch QH, chúng ta đang làm tốt việc thực hiện các quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực SHTT, nếu quy định như phương án 1 Chính phủ trình sẽ đồng nghĩa với việc bỏ một phần quản lý nhà nước.
“Vi phạm pháp luật, vi phạm trật tự quản lý nhà nước khi phát hiện được thì phải xử lý, nhẹ thì hành chính, nặng thì hình sự. Đó là nguyên tắc, không thể dùng cái này thay cái kia được. Các khách thể khác nhau, xâm phạm khách thể nào xử theo khách thể đó”, Phó Chủ tịch QH nêu rõ.
Đồng quan điểm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KHCN&MT) Nguyễn Phương Tuấn cho rằng, việc thu hẹp phạm vi áp dụng biện pháp hành chính trong lĩnh vực SHTT tạo ra sự thiếu đồng bộ với Luật xử lý VPHC. “Hiện nay, hành vi xâm phạm quyền SHTT là đối tượng xử phạt VPHC, không có giới hạn nào. Thực thi quyền SHTT là một trong những nội dung quản lý nhà nước về SHTT mà QH đã giao cho Chính phủ và các bộ ngành liên quan tổ chức triển khai. Do vậy, việc duy trì biện pháp hành chính cho các đối tượng thuộc quyền SHTT là cần thiết”, ông Tuấn nói.
Bên cạnh đó, theo ông Tuấn, phương án 1 không thực sự hợp lý trong điều kiện thực tiễn của hệ thống tòa án hiện nay, khi Việt Nam hiện chưa có tòa chuyên trách hoặc thẩm phán chuyên trách về SHTT cũng như chưa có thủ tục rút gọn riêng. Thêm vào đó, quá trình tố tụng tại tòa án còn nặng về thủ tục, chưa đáp ứng được tính nhanh chóng, đơn giản như biện pháp hành chính trong thực tiễn. Mặt khác, việc duy trì biện pháp hành chính hoàn toàn phù hợp với các hiệp định quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Nhấn mạnh việc bảo đảm kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật, thực hiện nghiêm nội dung đã nêu trong đăng ký đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Khắc Định đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc việc đổi tên luật thành Luật SHTT (sửa đổi), dẫn đến sửa đổi toàn diện. Theo Phó Chủ tịch QH, số lượng điều luật sửa đổi nhiều hay ít không quan trọng mà là bản chất nội dung sửa đổi. QH sẵn sàng chấp nhận sửa đổi toàn diện nếu cần thiết và khi đó sẽ trả lại hồ sơ để làm lại từ đầu theo đúng quy trình.