Các tổ chức tín dụng quay lưng
Nhà máy Nhiệt điện (NMNĐ) Thái Bình 2 đang chậm tiến độ do thiếu tiền đầu tư vào dự án. Theo quy định, dự án này được góp vốn đầu tư theo tỷ lệ 30/70 (30% vốn chủ sở hữu của PVN, 70% vốn vay thương mại). Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án, tổng thầu Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí (PVC) có nhiều sai phạm, nhiều cá nhân bị khởi tố, điều tra.
Theo điều lệ của hợp đồng tín dụng, khi dự án liên quan đến vi phạm pháp luật, các tổ chức tín dụng sẽ dừng việc cho vay. Do đó, phương án 70% vốn vay tín dụng của Dự án NMNĐ Thái Bình 2 bị “vỡ trận”, các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước đều ngừng việc cung cấp tín dụng cho dự án.
Chủ đầu tư PVN đã bỏ ra phần vốn 30% nhưng chỉ giải quyết được một phần nhu cầu vốn. Theo báo cáo của PVN, dự kiến đến khi hoàn thành dự án, tổng thầu PVC sẽ bị thiếu hụt khoảng 55,18 triệu USD và 1.095 tỷ đồng.
Để “giải cứu” dự án trên, PVN đề xuất phương án phá vỡ tỷ lệ góp vốn 30/70. Theo đó, thay vì dùng vốn vay tín dụng, PVN sẽ dùng vốn chủ sở hữu để đầu tư vào dự án, với điều kiện không vượt quá tổng mức đầu tư. Đến khi nào vay được vốn tín dụng sẽ trả lại phần vốn PVN đã bỏ ra, để ở mức quy định 30/70.
Tại cuộc họp hôm 23/7 vừa qua giữa Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp và PVN, đại diện nhiều Bộ, ngành và các đơn vị liên quan đều ủng hộ phương án dùng vốn chủ sở hữu của PVN để “giải cứu” NMNĐ Thái Bình 2.
Trả lời PLVN về phương án dùng vốn chủ sở hữu của PVN để “giải cứu” Dự án NMNĐ Thái Bình 2 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt chưa, Chủ tịch PVN Trần Sỹ Thanh cho biết chưa được phê duyệt vì Bộ Công Thương chưa trình Thủ tướng.
Liên quan vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng cho biết, ngày 4/8, Bộ mới nhận được ý kiến bằng văn bản của các Bộ, ngành liên quan. “Bộ Công Thương sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tuần này”, ông Trần Tuấn Anh trao đổi với PLVN.
Dùng vốn chủ sở hữu là cần thiết?
Theo nhiều ý kiến, việc để PVN dùng vốn chủ sở hữu đầu tư vào Dự án NMNĐ Thái Bình 2 là rất hợp lý. Hiện tại, PVN có vốn chủ sở hữu lớn, do mỗi năm đơn vị này đạt doanh thu và lợi nhuận cao. Trong bối cảnh dự án NMNĐ Thái Bình 2 khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng vì bị các ngân hàng “quay lưng” thì việc sử dụng vốn chủ sở hữu là biện pháp cần thiết để PVN sớm hoàn thiện nhà máy, tránh thất thoát tài sản nhà nước, tránh tăng thêm tổng mức đầu tư cho dự án.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, đây là thời điểm hợp lý để PVN dùng vốn tự có “cứu” dự án Nhiệt điện Thái Bình 2. Theo đó, các sai phạm trước đây tại tổng thầu PVC đã được làm rõ, cơ cấu tổ chức, đội ngũ lãnh đạo mới của PVC đã được tổ chức lại. Ban quản lý Dự án NMNĐ Thái Bình 2 cũng đã được cải tổ, thay đổi nhân sự. Đặc biệt, đội ngũ lãnh đạo mới của PVN đang rất tâm huyết, quyết tâm giải quyết các tồn đọng tại dự án này.
Ngoài ra, các thiết bị máy móc của nhà máy đã đến thời gian bảo hành, bảo dưỡng. Nếu không “rót” tiền để vận hành, bảo dưỡng, tài sản nhà nước hàng chục nghìn tỷ tại nhà máy này sẽ xuống cấp, nguy cơ trở thành đống sắt vụn.
Thêm một lý do nữa, như Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng nói, nếu Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 vào vận hành chính thức thì sẽ bổ sung cho hệ thống điện quốc gia thêm 7 tỷ kWh/năm. Ngược lại, nếu không kịp vận hành từ năm 2020, hệ thống sẽ phải tốn khoảng 35.000 tỷ đồng/năm để chạy dầu bù sản lượng điện.
Hầu hết các hạng mục chính đã cơ bàn hoàn thành
Dự án NMNĐ Thái Bình 2 do PVN làm chủ đầu tư, công suất 1.200 MW, gồm 2 tổ máy, mỗi tổ 600 MW. Tổng mức đầu tư điều chỉnh lần 2 dự án là 41.799 tỷ VNĐ. Đến nay, tiến độ tổng thể đạt 84,14%, trong đó, thiết kế đạt 99,57%; ký các Hợp đồng mua sắm đạt khoảng 95%; gia công, chế tạo và vận chuyển đạt 93,79%; thi công đạt 81,98%, chạy thử đạt 3,51%. Hầu hết các hạng mục xây dựng chính của dự án đều đã hoàn thành cơ bản và đang vào giai đoạn hoàn thiện.