Đề xuất miễn phí xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên thảo luận.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên thảo luận.
(PLVN) - Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề xuất Quốc hội cho phép bổ sung nguồn chi trả xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai từ Quỹ bảo hiểm y tế để bảo đảm mục tiêu dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Chính sách nhân văn

Sáng 23/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10 Quốc hội (QH) Khóa XIV, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày trước QH Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS). Một bổ sung đáng chú ý của dự thảo Luật lần này là bổ sung nguồn chi trả xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai từ Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT).

Thẩm tra dự án Luật về đề xuất bổ sung trên, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH Nguyễn Thúy Anh cho biết, Báo cáo tổng kết thi hành Luật và Báo cáo đánh giá tác động chính sách có nhận định “kinh phí nhà nước để cung cấp xét nghiệm miễn phí là không khả thi trong giai đoạn hiện nay” song chính sách này vẫn được duy trì. Vì vậy, đề nghị Chính phủ giải trình thêm về nguồn lực thực hiện chính sách “miễn phí”.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật quy định Quỹ BHYT chỉ chi trả đối với người có thẻ BHYT xét nghiệm HIV theo yêu cầu chuyên môn, trong khi các đối tượng không có thẻ BHYT được xét nghiệm miễn phí (không ràng buộc điều kiện). Bà Thúy Anh đề nghị Ban soạn thảo giải trình thêm về tính hợp lý, tính công bằng, tính thực tiễn của quy định này.

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Bùi Thu Hằng (tỉnh Hòa Bình) cũng dẫn chứng, theo báo cáo tổng kết thi hành luật và báo cáo đánh giá tác động chính sách có nhận định kinh phí nhà nước để cung cấp xét nghiệm miễn phí là không khả thi.

Tuy nhiên, Việt Nam đã đặt ra mục tiêu loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con là mục tiêu rất cao cả và nhân văn. Do đó, muốn thực hiện mục tiêu này việc đầu tiên phải làm là mở rộng tối đa xét nghiệm HIV. Vì vậy, việc đưa BHYT tham gia chi trả xét nghiệm cho phụ nữ mang thai là rất cần thiết và phù hợp, vì hiện nay có khoảng 90% dân số đã tham gia BHYT.

Đánh giá cao chính sách rất đặc thù, rất cơ bản và rất nhân văn trên của Chính phủ nhưng ĐBQH Phạm Văn Hòa (tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, cần phân biệt những người phụ nữ nhiễm HIV/AIDS có đăng ký BHYT và những người chưa đăng ký BHYT.

Đối với những người chưa đăng ký BHYT thì cũng phải đóng góp một phần nào đó để xét nghiệm HIV/AIDS, để đảm bảo sự công bằng giữa người đóng BHYT và người không đóng BHYT. Đây cũng là một sự khuyến khích cho toàn dân, trong đó có phụ nữ phải mua BHYT. Nếu có sự vụ, sự việc xảy ra thì Nhà nước hỗ trợ bằng BHYT. 

Thực sự cần nguồn lực từ Quỹ BHYT

ĐBQH Lê Thị Yến (tỉnh Phú Thọ) phân tích, trước đây, kinh phí xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai chủ yếu dựa vào nguồn hỗ trợ quốc tế, nhưng hiện nay các nhà tài trợ không hỗ trợ cho hoạt động này nữa. Mặt khác, hằng năm tổng ngân sách nhà nước cấp khoảng 120 tỷ đồng cho toàn bộ các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

Trong đó, riêng nhu cầu xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai trong một năm vào khoảng trên 172 tỷ đồng. Nếu chỉ dựa vào nguồn ngân sách nhà nước cấp thì sẽ không đảm bảo, đòi hỏi có thêm nguồn lực từ Quỹ BHYT. 

Trên cơ sở đó, bà Yến nhất trí với nội dung sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật. Tuy nhiên, bà đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ nguồn kinh phí nào sẽ trả chi trả đối với phần đồng chi trả từ Quỹ BHYT, kể cả phần chi vượt tuyến, đồng thời cần quy định việc xét nghiệm HIV tự nguyện đối với phụ nữ mang thai là hoàn toàn miễn phí. 

Làm rõ thêm về nội dung bổ sung này của dự thảo Luật, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định, việc xét nghiệm HIV đối với phụ nữ mang thai là một chính sách hết sức nhân văn, có ý nghĩa hết sức to lớn.

“Khi 100 bà mẹ mang thai dương tính, trước đây chúng ta chưa xét nghiệm hoặc chưa có phương pháp điều trị thì có tới 35 cháu sinh ra bị dương tính. Nhưng sau khi chúng ta triển khai các chương trình xét nghiệm cũng như vấn đề về điều trị thì con số này giảm một cách rõ rệt, có thể dự phòng được cho khoảng 99,5% các cháu sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV không bị dương tính” - ông Long cho biết.

Tuy nhiên, do những hạn chế về nguồn lực nên thời gian qua, chúng ta chưa triển khai được việc này một cách rộng khắp, phải nhờ vào nguồn lực hỗ trợ của cộng đồng quốc tế cũng như huy động sự đóng góp của cộng đồng. Còn hiện nay, chúng ta có khoảng 90% người dân đã có thẻ BHYT, số 10% còn lại cũng như phần đồng chi trả sẽ do ngân sách nhà nước chi trả. 

Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị QH cho phép sửa đổi là đối với tất cả những phụ nữ mang thai có thẻ BHYT thì được Quỹ BHYT thanh toán. Như vậy sẽ đảm bảo được 100% phụ nữ mang thai sẽ được miễn phí trong việc xét nghiệm HIV, đảm bảo tính công bằng cũng như tiếp cận đối với việc dự phòng lây truyền từ mẹ sang con.  

Bổ sung một số đối tượng được tiếp cận thông tin đối với người nhiễm HIV: 

Về vấn đề tiếp cận thông tin đối với người nhiễm HIV, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết:  Theo quy định của Luật HIV/AIDS năm 2006, người nhiễm HIV được quyền giấu tên và vô danh.

Cho đến thời điểm hiện nay, khi triển khai vấn đề này thì thấy rất nhiều bất cập. Theo báo cáo thống kê, tới 25% những trường hợp xét nghiệm HIV dương tính nhưng không được thông báo và không biết được địa chỉ ở đâu, gây khó khăn cho cơ quan quản lý, cho vấn đề triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Đối với quy định của Luật BHYT cũng như Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định bắt buộc phải cung cấp tên, tuổi, địa chỉ cũng như thông tin của người nhiễm HIV để triển khai các hoạt động phòng chống.

Vì vậy, trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế kiến nghị bổ sung một số đối tượng được tiếp cận thông tin đối với người nhiễm HIV nhưng vẫn phải đảm bảo tính bí mật theo quy định tại Điều 8, Điều 30 của Luật Phòng chống HIV/AIDS năm 2006.

Đọc thêm

Gỡ vướng cho các dự án điện năng lượng tái tạo

Thủ tướng Phạm Minh Chính có nhiều chỉ đạo quan trọng nhằm triển khai các giải pháp tháo gỡ cho các dự án năng lượng tái tạo. (Ảnh: VGP)
(PLVN) - Chiều 12/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến công bố và triển khai Nghị quyết của Chính phủ về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo (gọi tắt là Nghị quyết).

Ông Đồng Văn Thanh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang

Ông Đồng Văn Thanh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang
(PLVN) - Chiều ngày 12/12, Tỉnh ủy Hậu Giang tổ chức Hội nghị công bố Quyết định của Bộ Chính trị chuẩn y Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025. Dự hội nghị có ông Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.

Bảo vệ và giáo dục quyền con người được thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc
(PLVN) - "Tại Việt Nam, việc bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người được thực hiện thường xuyên, xuyên suốt, được khẳng định trong đường lối, chính sách, tổ chức thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức ngày 11/12.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Sáng 11/12, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn Công tác của Trung ương đã thăm và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người

Toàn cảnh Hội nghị tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: V.Anh
(PLVN) - Sáng 11/12, Hà Nội và các điểm cầu trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố diễn ra Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.