Thẩm tra Dự án Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật (QPPL), Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tán thành sự cần thiết phải thành lập Ủy ban pháp điển Quốc gia trực thuộc Chính phủ để chỉ đạo xây dựng Bộ pháp điển, nhưng cần xác định rõ vị trí pháp lý và thẩm quyền.
Hai dự án pháp lệnh được Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến hôm qua (14/12) là dự án Pháp lệnh pháp điển hệ thống QPPL và Pháp lệnh hợp nhất VBQPPL.
Ủy ban lâm thời hay hoạt động thường xuyên?
Ngay sau khi Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày Tờ trình của Chính phủ và Thẩm tra của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, là hàng loạt câu hỏi của các ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội về dự án Pháp lệnh pháp điển hệ thống QPPL. Đặc biệt là nội dung liên quan đến việc đề xuất lập Ủy ban pháp điển Quốc gia.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường giải thích “có thể hiểu Bộ pháp điển như cái ngăn kéo, từ Luật của Quốc hội đến Thông tư cấp Bộ về bất cứ lĩnh vực nào đó được xếp vào từng ô”. “Bộ pháp điển rất tiện lợi cho việc tra cứu, sử dụng, làm cho hệ thống pháp luật minh bạch hơn. Có Bộ pháp điển thì sẽ không có chuyện tranh chấp nhau văn bản này áp dụng thế này, văn bản khác thế kia. Quá trình pháp điển sẽ sàng lọc các văn bản, nếu cần sửa đổi bổ sung hoặc thay thế, cơ quan pháp điển sẽ đề xuất”.
Tham khảo kinh nghiệm nước ngoài, Bộ trưởng cho biết nhiều nước trên thế giới, nhất là những quốc gia có hệ thống pháp luật phức tạp đều phải pháp điển hóa. Tất nhiên pháp điển thì phải chịu tốn kém vì cần tổ chức bộ máy, nghiên cứu, thẩm định, phê duyệt, cập nhật nhưng giá trị mang lại thì rất lớn. Nước ta chưa làm nên phải bắt đầu.
“Bắt đầu làm pháp điển, nước nào cũng thành lập một Ủy ban lâm thời. Còn khi có Bộ pháp điển rồi thì không duy trì hoạt động của Ủy ban đó nữa mà giao một Bộ làm”, Bộ trưởng nói thêm. Tuy nhiên, vấn đề là hiện nay, theo Ủy ban Pháp luật thì Ủy ban pháp điển Quốc gia phải duy trì hoạt động thường xuyên với tư cách đầu mối duy nhất trong việc xây dựng, duy trì, cập nhật Bộ pháp điển, nhưng theo Chính phủ thì Ủy ban này sẽ chấm dứt hoạt động khi Bộ pháp điển được hoàn thành.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Nguyễn Kim Khoa, hàng năm, pháp luật phải sửa đổi bổ sung rất lớn, nếu thành lập một bộ máy lâm thời rồi giải tán thì không được. Nhưng để lập một Ủy ban, ông Khoa đề nghị cần cân nhắc vì phải “phình” ra bộ máy và tốn kém.
Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai ủng hộ: nếu có Bộ pháp điển thì rất tốt. “Hiện nay văn bản pháp luật quá nhiều tầng, nấc, đến cả Đại biểu Quốc hội cũng không theo dõi được hết. Nhưng vấn đề là mô hình và cách thức như thế nào để rút ngắn quá trình pháp điển và đi vào cuộc sống nhanh hơn.”
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng bày tỏ chính kiến “không nhất thiết phải lập Ủy ban nếu chỉ là pháp điển hình thức, trước mắt ta nên làm thí điểm, xa hơn có thể tính đến pháp điển nội dung”
Cần có Pháp lệnh hợp nhất văn bản
Dự án Pháp lệnh hợp nhất VBQPPL được xây dựng trên cơ sở cụ thể hóa Điều 92 Luật ban hành VBQPPL 2008. Theo Ủy ban Pháp luật, dự án Pháp lệnh đã được nghiên cứu, chuẩn bị nghiêm túc. Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết cũng như các quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Pháp lệnh như Tờ trình của Chính phủ.
Theo Nghị quyết Chương trình xây dựng luật, Pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII đã được kỳ họp thứ hai, Quốc hội XIII thông qua ngày 26/11/2011, hai dự án Pháp lệnh (Pháp lệnh hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật và Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật) đã được đưa vào chương trình chính thức. |
Ủy ban Pháp luật cũng tán thành Pháp lệnh chỉ điều chỉnh việc hợp nhất VBQPPL do các cơ quan nhà nước ở trung ương ban hành mà không điều chỉnh việc hợp nhất VBQPPL của HĐND và UBND (vấn đề này sẽ được xem xét khi sửa đổi, bổ sung Luật ban hành VBQPPL của HĐND, UBND).
Về chủ thể thực hiện hợp nhất văn bản, dự thảo Pháp lệnh giao trách nhiệm hợp nhất cho nhiều cơ quan khác nhau, tùy thuộc hình thức văn bản và chủ thể ban hành. Tuy nhiên Ủy ban Pháp luật không đồng tình: không nên quy định mỗi văn bản lại giao cho một hay một số cơ quan thực hiện mà nên giảm đầu mối để đảm bảo tính kịp thời, thuận tiện. Đa số ý kiến trong Ủy ban này đề nghị giao cho cơ quan ban hành VBQPPL thực hiện việc hợp nhất do mình ban hành.
Nhiều Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội tán thành cao việc phải ban hành Pháp lệnh hợp nhất tuy nhiên cũng lưu ý một số vấn đề như về xử lý sai sót trong văn bản hợp nhất , lấy ý kiến vào dự thảo văn bản, về trách nhiệm của cơ quan thực hiện hợp nhất. Theo Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường, sau phiên họp này sẽ nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự án Pháp lệnh để tiếp tục trình UBTVQH
Thu Hằng