“Do dự án khai thác mỏ bauxite nhôm Tân Rai - Lâm Đồng (giai đoạn chưa có cảng Kê Gà - Bình Thuận) dự kiến triển khai trước, dự án Nhân Cơ - Đăk Nông triển khai sau (dự kiến tháng 10/2012) nên trước mắt tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp các tuyến đường QL 725, QL20, QL 51, tỉnh lộ 769 để đảm bảo vận chuyển hàng hóa từ Tân Rai đi Gò Dầu và ngược lại”, báo cáo của Tổng cục Đường bộ VN lên Bộ GTVT cho hay.
Lo xe “khủng” của TKV
Đối với tuyến đường vận chuyển từ Tân Rai đi Gò Dầu (khi chưa có cảng Kê Gà) sẽ đi theo tỉnh lộ 725 đến Bảo Lộc, theo QL20 qua đèo Bảo Lộc về ngã ba Dầu Giây, theo tỉnh lộ 769 vào QL51 xuống cảng Gò Dầu (Đồng Nai). Khi có cảng Kê Gà, theo phương án trước đây sẽ đi từ nhà máy theo tỉnh lộ 725 đến Bảo Lộc, theo QL55 đến tỉnh lộ 714, theo tỉnh lộ 714 đến xã La Dạ, theo tuyến đường kết hợp làm mới và cải tạo đến QL1A và từ QL1A theo đường mới xuống cảng Kê Gà.
Tuy nhiên, theo Tổng cục Đường bộ VN, đoạn từ QL55 đến tỉnh lộ 714 (La Dạ), sau đó làm đường mới nối La Dạ với Mỹ Thạnh phải vượt qua dãy núi cao, rừng phòng hộ nên chưa đánh giá phương án tuyến có khả thi hay không. Trước mắt, Tổng cục Đường bộ VN kiến nghị thêm phương án đi tiếp theo QL55 từ thôn 3 đi La Ngâu-Lạc Tánh-Tân Nghĩa (hoặc Tân Minh-tỉnh lộ 720) ra QL1 (Tân Minh-Hàm Thuận Nam), tỉnh lộ 719 (Hàm Thuận Nam-mũi Kê Gà).
Theo đánh giá của Tổng cục Đường bộ, các công trình cầu, đường trên tuyến có nhiều loại kết cấu khác nhau, một số tuyến đường xây dựng đã lâu và hư hỏng nhiều. Do yêu cầu vận chuyển than, Anumin và một số loại vật liệu khác phục vụ sản xuất của nhà máy bằng thiết bị chuyên chở là tổ hợp đầu kéo và thiết bị sơ mi rơ móc loại tử 5 trục trở lên, mỗi xe có tổng tải trọng tối đa là 40 tấn nên các công trình cầu cần đường gia cường chịu được tải trọng theo quy định.
Nhằm đảm bảo an toàn cho xe vận chuyển (xe chuyên dùng có tải trọng 40 tấn và chiều dài 18m), Tổng cục Đường bộ VN cho rằng cần tăng cường cải tạo các đoạn cua cong, dốc dọc lớn, khuất tầm nhìn và kiên cố hóa các đoạn sụt trượt, tăng cường hệ thống biển báo hiệu qua các khu vực đèo dốc, đông đúc dân cư, đồng thời luôn dự kiến xây dựng các phương án ứng cứu phân luồng khi có sự cố xảy ra. Khi đoàn xe 40 tấn của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) tham gia vận chuyển hàng hóa trên tuyến cần giữ đúng khoảng cách giữa các xe tối thiểu là 10m.
Thiếu lời giải cho vận tải tiêu thụ và nhiên liệu
Trong khi đó, TS Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Công ty Năng lượng sông Hồng cho rằng, TKV mới chỉ quan tâm vận chuyển từ Tây Nguyên ra biển, chưa quan tâm vận chuyển ngược hóa chất và các nguyên vật liệu khác từ biển lên. Ông Sơn cho hay, nếu vận chuyển một tấn từ Tây Nguyên xuống thì sẽ phải chuyển lên lượng than tương ứng. Bài toán vận tải phải được xem xét kỹ về vận tải tiêu thụ, vận tải cung cấp và bài toán này rõ ràng vẫn chưa có lời giải thỏa đáng.
Tổng cục Đường bộ đề nghị Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ cho phép khai thác theo cơ chế đặc thù về thủ tục đầu tư nhằm triển khai nhanh các việc xây dựng, nâng cấp, cải tạo công trình cầu đường sá. Ngoài ra, sớm tổ chức việc giao cho tư vấn xem xét nghiên cứu, đánh giá chi tiết hiện trạng tuyến đường. Vì tuyến đường vận chuyển hàng hóa cho dự án đi qua nhiều QL, tỉnh lộ, đường chuyên dụng cho công trình thủy điện, đang quản lý khai thác theo phương thức BOT, đường đã và đang đầu tư cải tạo nâng cấp dở dang theo các quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật khác nhau nên cần cập nhật bổ sung lưu lượng của đoàn xe phục vụ dự án TKV. Do đó, theo Tổng cục Đường bộ VN muốn triển khai dự án cần lấy ý kiến thống nhất của các chủ thể quản lý tuyến đường trên. Việt Hưng