Theo quy định tại Nghị định 46/2017/NĐ-CP quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục thì để thành lập trường mẫu giáo, mầm non; các cơ sở giáo dục phổ thông (trường tiểu học; trường trung học); trung tâm ngoại ngữ, tin học; phổ thông dân tộc nội trú; phổ thông dân tộc bán trú, nhà đầu tư phải thực hiện 02 thủ tục: (1) Thủ tục cho phép thành lập; (2) Thủ tục cho phép hoạt động.
Đối với thủ tục cho phép thành lập, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ xem xét và đồng ý về mặt chủ trương đối với việc thành lập cơ sở giáo dục. Với những điều kiện chung chung và khá mơ hồ thì các cơ quan nhà nước gần như có toàn quyền quyết định mang tính chủ quan về việc cho phép hay không cơ sở giáo dục được thành lập.
Đối với thủ tục cho phép hoạt động, cơ quan nhà nước sẽ xem xét các điều kiện hoạt động của cơ sở giáo dục. Thủ tục này tương tự như thủ tục cấp phép kinh doanh của các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện khác.
Cả hai thủ tục cấp phép và hai giấy phép này đều được thực hiện bởi một cơ quan.
Các chuyên gia pháp luật cho rằng, trong phần lớn các ngành nghề kinh doanh khác, việc quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện chỉ thực hiện qua 01 thủ tục cấp phép duy nhất (thủ tục cấp phép bởi cơ quan quản lý chuyên ngành, sau khi nhà đầu tư đáp ứng toàn bộ các điều kiện để được cấp phép). Không rõ tại sao giáo dục, đào tạo lại phải cần cấp phép qua 2 thủ tục riêng?
Mặc dù, giáo dục, đào tạo là lĩnh vực có tác động đáng kể đến trật tự công (như được nêu ở trên), nhưng việc thiết kế điều kiện kinh doanh theo hai tầng nấc như hiện nay không giúp tăng hiệu quả kiểm soát hơn so với việc cấp phép một lần, bởi vẫn chỉ là các điều kiện như vậy, vấn đề là cấp một giấy phép hay hai giấy phép mà thôi.
Có ý kiến cho rằng việc cấp phép hai lần là để “giúp” nhà đầu tư tránh được nguy cơ bỏ nhiều vốn đầu tư thực hiện nhưng lại bị từ chối cấp phép, dẫn tới lãng phí và thiệt hại lớn. Tuy nhiên, lập luận này không thuyết phục ở chỗ: nếu các điều kiện là rõ ràng, đã được công bố trước, nhà đầu tư không đáp ứng được đủ thì việc từ chối cấp phép là đương nhiên, thiệt hại cho nhà đầu tư trong trường hợp này hoàn toàn xuất phát từ lỗi của nhà đầu tư. Còn nếu điều kiện không rõ ràng, chung chung dẫn tới khả năng nhà đầu tư dù đáp ứng đủ các điều kiện vẫn có thể bị từ chối cấp phép, dẫn tới thiệt hại, thì vấn đề là phải sửa các điều kiện cho rõ ràng, chứ không phải là thiết kế 2 thủ tục gây vướng mắc, tốn kém thời gian nguồn lực của nhà đầu tư.
Phương án cắt giảm thủ tục hành chính của Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra đề xuất, bỏ điều kiện “có đề án thành lập … phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội và quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục của địa phương đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt” với lý do “Luật Quy hoạch không còn quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục …”. Việc bãi bỏ điều kiện này chưa thực sự mang tính cải cách, chưa tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư vì vẫn phải thực hiện đến hai lần cấp phép mới được phép hoạt động trong lĩnh vực này.
Từ những phân tích trên, các chuyên gia đề nghị thiết kế lại điều kiện, thủ tục thành lập cơ sở giáo dục theo hướng nhà đầu tư chỉ cần phải một lần xin giấy phép, nhập hai thủ tục xin cấp phép thành lập và hoạt động vào làm một./.