Tại Hội nghị tổng kết thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại diễn ra hôm qua, 3/8, Hội trường Thành uỷ TPHCM "nóng" với rất nhiều đánh giá, kiến nghị và đề xuất từ phía các đơn vị liên quan đến hoạt động thừa phát lại. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã lắng nghe, trực tiếp tháo gỡ những vướng mắc. Đồng thời, nhiều khẳng định quyết liệt cũng được Bộ trưởng nêu ra.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường đánh giá cao những kết quả khả quan sau thời gian thí điểm chế định Thừa phát lại tại TP.HCM |
Cánh cửa đã mở?
Có mặt tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan đến hoạt động thừa phát lại (TPL) đều có một khẳng định chung là đánh giá cao kết quả thực hiện thí điểm TPL trong thời gian qua, đồng thời khẳng định, vị trí, vai trò, hiệu quả kinh tế - xã hội của mô hình này.
Ông Bùi Ngọc Hoà, Phó Chánh án Toà án Tối cao chia sẻ, lực lượng TPL đã san sẻ nhiều gánh nặng về tống đạt văn bản của toà án. Còn ông Hoàng Sĩ Thành, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, gọi quá trình thực hiện thí điểm TPL là một bước "đột phá".
Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, mặc dù việc thí điểm TPL mới được thực hiện tại TP.HCM nhưng trên cơ sở đã đạt được, rất nhiều địa phương, trong đó, có TP.Đà Nẵng, Đồng Nai và Bình Dương đã chính thức có văn bản đề xuất và chủ động xây dựng đề án thí điểm chế định này này tại địa phương mình. Đây là tiền đề vững chắc, để đề nghị Quốc hội, Chính phủ cho phép thực hiện và mở rộng TPL đến nhiều địa phương thời gian tới. |
Về phía đơn vị trực tiếp theo sát hoạt động thí điểm thừa phát lại tại TP.HCM - Giám đốc Sở Tư pháp TP, bà Ung Thị Xuân Hương, đã đưa ra những con số tổng kết khá ấn tượng về hoạt động này: Sau hai năm hoạt động trên thực tế, các văn phòng TPL đã thực hiện tống đạt 103.218 văn bản của tòa án và cơ quan thi hành án dân sự, đã lập và đăng ký tại Sở Tư pháp TP.HCM tổng cộng 5.020 vi bằng, đã xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự 147 vụ việc và trực tiếp tổ chức thi hành án các bản án, quyết định của tòa án theo yêu cầu của đương sự 26 vụ việc.
Các văn phòng TPL tại TP.HCM như văn phòng TPL quận 1, Văn phòng TPL quận 10, Văn phòng TPL Bình Thạnh... thông qua việc trình bày trước hội nghị quá trình hoạt động, cũng đã nêu bật lên một vấn đề chung, đó là tuy mô hình còn quá mới mẻ, thời gian thí điểm chưa bao lâu và còn một số khó khăn, vướng mắc, nhưng căn bản, hoạt động TPL đã đi đúng hướng, đáp ứng nhu cầu lớn của người dân TP, số vụ việc tiếp nhận ngày càng tăng...
Như vậy, một khi được thể chế hoá, có sự hỗ trợ của Bộ, của TP và các ban ngành, thì các văn phòng này hoàn toàn có đủ tự tin để bước vững sau thời gian "thí điểm". Phó Bí thư thường trực Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Đua bày tỏ sự ủng hộ của TP, mong muốn sẽ lập thêm nhiều văn phòng TPL trên địa bàn. Không chỉ vậy, mô hình này khi được nhân rộng ra các tỉnh, sẽ tạo ra sự cộng hưởng chung, là cơ sở vững vàng để chế định TPL đi vào cuộc sống.
Ghi nhận những kết quả đáng khích lệ trên, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã đánh giá cao những kết quả khả quan sau thời gian thí điểm. Đặc biệt là sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Thành uỷ, UBND TP.HCM, địa phương đầu tiên thực hiện thí điểm. Bộ trưởng cho rằng TPL đã trở thành một mô hình vừa có khả năng hỗ trợ, giúp các cơ quan nhà nước xem xét, đánh giá và hoàn thiện hoạt động của mình, vừa giúp dân, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Đây là cơ sở vững chắc để Bộ tiến đến đề xuất với Quốc hội, Chính phủ mở rộng, nhân rộng mô hình TPL trên cả nước thời gian tới.
Điều này có nghĩa là, “cánh cửa” TPL tiếp tục mở, các đơn vị liên quan như tòa án, thi hành án được san sẻ công việc, và nhân dân cũng được quyền mừng vì có thêm một “trợ thủ” đắc lực.
Cần thống nhất nhận thức về chế định TPL
Niềm vui, sự hài lòng thì đã rõ, nhưng tất nhiên, với một chế định còn quá mới, chỉ qua một thời gian không dài thực hiện thí điểm tại duy nhất một thành phố, thì những vướng mắc, tồn tại không phải không có.
Tại hội nghị, các đơn vị, tổ chức liên quan cũng đã có những cái nhìn hết sức thẳng thắn, đa chiều về những khó khăn đã có trong quá trình thực hiện thí điểm. Một câu chuyện vui, mà có thật đã được Bí thư quận Bình Thạnh nêu ra tại hội nghị: TPL đi lập vi bằng tại một cuộc ẩu đả, khi lực lượng cảnh sát có mặt, do không hiểu lắm về hoạt động TPL, đã đưa luôn cả TPL và đương sự về đồn xử lý.
Vị lãnh đạo quận nhận định, câu chuyện này, và nhiều câu chuyện khác xảy ra, nói lên thân phận pháp lý chưa rõ ràng của TPL, khiến các TPL khi thực hiện công việc gặp không ít khó khăn, tréo ngoe với cả dân và cơ quan nhà nước. Một cái khó chung được nhiều văn phòng TPL đề cập là phạm vi của việc lập vi bằng đôi khi chưa xác định được, nhiều người dân có nguyện vọng chuyển việc thi hành án từ cơ quan thi hành án sang TPL, nhưng luật chưa có quy định...
Phó Bí thư thường trực Thành uỷ Nguyễn Văn Đua nêu ra một vướng mắc chung, lớn nhất hiện nay của rất nhiều cơ quan, tổ chức trong hoạt động TPL, đó là đến 1/7/2012, theo nghị quyết Quốc hội thì đã kết thúc thời gian thí điểm TPL, vậy trong thời gian trước mắt, hoạt động TPL sẽ tiếp tục như thế nào?
Lắng nghe và tiếp nhận tất cả những ý kiến, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã đưa ra những kiến giải rất xác đáng cho các câu hỏi, vướng mắc. Theo Bộ trưởng, những tồn tại trên là tất yếu trong quá trình thí điểm, Bộ trưởng cũng lý giải nguyên nhân chủ quan, khách quan gây ra các “điểm nghẽn” nêu trên, giúp cho những người trực tiếp và gián tiếp tham gia vào hoạt động TPL "vỡ" ra nhiều vấn đề.
Đồng thời, Bộ trưởng đã đi thẳng vào gỡ cái "vướng" lớn nhất hiện nay trong hoạt động TPL, đó là vướng mắc về mặt nhận thức.
"Về những thắc mắc liên quan đến thời điểm chấm dứt thí điểm và trước mắt sẽ thế nào, tôi muốn nói một điều, hãy hiểu Nghị quyết theo tinh thần của nó. Tinh thần là thí điểm ba năm, nhưng trên thực tế hoạt động TPL chỉ mới thực hiện có hơn một năm rưỡi. Hiện nay có hai cách hiểu xoay quanh hoạt động thí điểm TPL.
Cách thứ nhất, thí điểm TPL là thí điểm cả một chế định bao gồm cả nội hàm của nó. Còn cách hiểu thứ hai, hiểu về mô hình TPL không đầy đủ, không trọn vẹn, trong đó TPL chỉ được xã hội hoá một số công đoạn, chỉ là người thừa hành những nhiệm vụ nhận được. Ta có thể thấy rõ, cách hiểu thứ nhất mới là cách hiểu đầy đủ, trọn vẹn về mô hình TPL.
Thí điểm phải trọn vẹn để khẳng định thành công. Nói như thế, để chúng ta cùng gỡ bỏ vướng mắc trên, đi đến thống nhất với nhau về mặt nhận thức, để nhất trí cao trong việc tiếp tục đề nghị Quốc hội, Chính phủ quyết định luật hoá chế định TPL, nhân rộng, mở rộng mô hình TPL, để thừa phát lại thực sự đi vào đời sống, trở thành trợ thủ đắc lực của các cơ quan và chỗ dựa tin cậy của dân" - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Thi hành án dân sự TP.HCM: 10 tháng giải quyết được 75,4% số vụ việc của năm Ngày 3/8 tại TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính đã có buổi làm việc với Cục Thi hành án dân sự (THADS) TP.HCM. Cùng tới dự, có ông Hoàng Sĩ Thành- Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục THADS, đại diện chi cục THA của 24 quận, huyện trên địa bàn thành phố.
Theo báo cáo của Cục THADS TP.HCM thì trong 10 tháng (tháng 10/2011 đến tháng 8/2012 ) công tác THA của địa phương đã đạt nhiều kết quả Cụ thể, công tác tổ chức cán bộ tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, đội ngũ công chức từng bước được kiện toàn và dần đi vào ổn định. Các chỉ tiêu quan trọng về THA được thực hiện tương đối tốt. Giải quyết xong trên 31 ngàn việc, đạt 75,4% trên số có điều kiện thi hành và 89% kế hoạch năm. Về giá trị, đã giải quyết xong hơn 2,4 ngàn tỷ đồng đạt trên 58% số tiền có điều kiện thi hành. Tại buổi làm việc, Cục THADS TP cũng như đại diện các chi cục THA các quận, huyện đã nêu lên nhiều kiến nghị, như cần bổ sung thêm nguồn nhân lực vì lượng việc quá nhiều… Ngọc Quý |
Ngọc Mai - Ngọc Vương