Ông Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh quan điểm về quy định về thời hạn cấp chứng chỉ hành nghề dược bên hành lang QH sáng nay (24/3).
Hiện nay quan điểm về thời hạn cấp chứng chỉ hành nghề có 2 chiều, ông ủng hộ quan điểm nào?
ĐBQH Nguyễn Văn Tiên: Thực ra để hội nhập với thế giới, quản lý tốt đội ngũ cán bộ chuyên môn liên quan đến sức khỏe con người thì phải cấp chứng chỉ 5 năm một lần. Nhưng khốn khổ hiện nay của Việt Nam là thủ tục hành chính phức tạp, nặng nề quá, chúng ta cải cách mãi không được.
Quan điểm của của tôi là trước mắt nên cấp 1 lần nhưng quy định, những đối tượng nào đi làm việc quốc tế thì phải cấp chứng chỉ 5 năm một lần. Chính phủ phải quy định thi đầu vào và 5 năm một lần phải cập nhật kiến thức như các nước trên thế giới.
Ta hòa nhập ASEAN rồi, các bác sỹ muốn sang ASEAN làm việc thì chứng chỉ của ta người ta phải công nhận, chứ bây giờ chứng chỉ của ta, họ không công nhận. Họ bảo, vì cấp chứng chỉ cấp cả đời, không nước nào giống như ông. Thứ hai là không thi cử gì cả, cứ học đại học xong, thực hành là cấp nên không phù hợp.
Nếu mà QH mạnh dạn thì nên quy định cấp 5 năm một lần, các lần gia hạn thì phải thông qua cơ chế mạng, không trực tiếp giữa cán bộ và người xin cấp để hạn chế thủ tục hành chính, tiêu cực.
Như vậy, giải pháp đó được cả hai bên, chúng ta quản lý được chất lượng, cả thủ tục hành chính giảm. Giờ chúng ta cứ vì các thủ tục hành chính mà bỏ các quy định chuyên môn thì rất không nên vì sẽ giảm chất lượng.
Cải tiến về thủ tục hành chính, nhưng các quy định chuyên môn phải giữ thì mới nâng cao được chất lượng, chứ vì thủ tục hành chính mà chúng ta bỏ hết quản lý chuyên môn thì sẽ ra một đống nhân sự tạp nham thì chết dân.
Về vấn đề đầu thầu giá thuốc, quan điểm của ông như thế nào?
ĐBQH Nguyễn Văn Tiên: Hiện đấu thầu thuốc phân tán, mỗi nơi một giá dù tất cả đều làm đúng luật nên phải đấu thầu tập trung thì mới tránh được. Cả nước ta mới có 53/64 tỉnh là đấu thầu tập trung ở các sở y tế. Còn các nơi khác giao cho các bệnh viện tự đấu thầu. 60 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế cũng tự đấu thầu.
Thực ra, những người làm công tác đấu thầu này cũng rất ngại nhưng việc thì phải làm. Vì đấu thầu thuốc rất khó, phức tạp, dễ dính vào vòng lao lý, giống như ở Gia Lai từng có vụ tất cả bộ đấu thầu bị đi tù. Nên rất mong Nhà nước tổ chức đấu thầu tập trung, với giá nhất định để họ đi mua là tốt nhất.
Theo ông, bao giờ thực hiện được việc đấu thầu tập trung giá thuốc?
ĐBQH Nguyễn Văn Tiên: Mới đầu Bộ Y tế đề xuất khoảng 50 danh mục để đấu thầu tập trung, nhưng hiện nay dự thảo rút xuống còn 57 loại thuốc đấu thầu tập trung. Cái khó hiện nay là lần đầu tiên đấu thầu tập trung trên quy mô quốc gia, mà thực ra chúng ta chưa có kinh nghiệ, phải rất thận trọng.
Hiện ngành y tế đang tìm phương án tốt nhất cho việc tổ chức đấu thầu tập trung hiệu quả để giá hợp lý và đặc biệt là không thiếu thuốc. Tôi hy vọng rằng, trong năm nay, sẽ tổ chức đấu thầu tập trung được một số mặt hàng thuốc khi mà thuận lợi rồi thì trong một vài năm tới sẽ rộng hơn.
Ông phát biểu không được “đầu hàng trước giá thuốc cao”, phải chăng trước đây chúng ta đang mua thuốc với giá cao?
ĐBQH Nguyễn Văn Tiên: Không phải giá thuốc quá cao, mà là trong kết quả đấu thấu thuốc mà VN công bố có tình trạng giá thuốc khác nhau, giữa các hội đồng thầu, giữa các tỉnh khác nhau. Nhưng khi kiểm tra thì tất cả đều làm đúng Luật đấu thầu.
Chỉ trừ trường hợp phát hiện ra có gian lận gì đó thì công an mới vào cuộc, còn bình thường khi công bố kết quả tất cả đều đúng thủ tục rồi thì chúng ta chịu.
Trong luật này cũng đang đề nghị QH có cơ chế là thấy giá cao bất thường, Chính phủ phải xem xét lại giá đấu thầu chứ không thể để mất tiền của nhà nước do chính sách được.
Còn các giá thuốc bên ngoài đấu thầu thì đã được kê khai, chúng ta phải tôn trọng nguyên lý kinh tế thị trường vì nguyên tắc của luật dược là quản lý giá thuốc do DN định và kê khai với các cơ quan nhà nước.
Ngoài ra còn có giải pháp nào “rắn” hơn cho vấn đề này không, thưa ông?
ĐBQH Nguyễn Văn Tiên: Rắn là thế nào, người ta làm đúng luật thì rắn thế nào? Bây giờ ngay một số cơ sở, khi BHXH Việt Nam công bố mặt bằng đấu thầu giữa các tỉnh vào nói tỉnh này cao, tỉnh kia cao thì các Hội đồng phản ứng, tôi làm đúng luật đấu thầu, đúng pháp luật, thấy sai phải chỉ ra. Hiện nay vướng ở điểm nay.
Xin cảm ơn ông!