Phát biểu khai mạc cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, hiện nay, việc thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch, vừa đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, để không đứt gãy nền kinh tế đặt ra càng nặng nề hơn với tất cả chúng ta, với vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Càng khó khăn, chúng ta càng phải quyết tâm mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa để thực hiện tốt mục tiêu kép.
Dẫn lại thông tin mới nhất về tình hình kinh tế thế giới với các diễn biến xấu, Thủ tướng cho biết, các đối tác quan trọng của Việt Nam đều gặp khó khăn, chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng lớn. Trong bối cảnh đó, hôm nay (1/8), Hiệp định EVFTA có hiệu lực, trên 85% dòng thuế được xóa bỏ. Điều này sẽ tác động tốt đến ĐBSCL, một trung tâm sản xuất lương thực, trái cây, thủy sản của Việt Nam.
Đây là cuộc làm việc thứ 4 của Thủ tướng trong gần 2 tuần qua nhằm kiểm tra các địa phương về việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công (trước đó là các cuộc làm việc với TP HCM, Đồng Nai và một số địa phương vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, vùng Tây Nguyên).
Thủ tướng mong muốn ĐBSCL với trên 20 triệu dân, với vị thế chiến lược, điều kiện tốt về kinh tế cần phấn đấu quyết liệt, đóng góp cho cả nước và giải quyết đời sống nhân dân.
Đây không chỉ là cứ điểm chiến lược về nông nghiệp, vùng sản xuất lúa gạo, trái cây, thủy sản, là một động lực thúc đẩy phát triển kinh tế cả nước, nếu cả nước phát triển mà vùng ĐBSCL không phát triển hay phát triển chậm hơn thì sẽ là trách nhiệm rất lớn của chúng ta.
Trong đó, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là việc rất quan trọng, “có tiền đó mà không giải ngân được thì làm sao tăng trưởng được, có tiền đó mà không có công trình, dự án, cứ lúng túng việc này việc khác thì một câu hỏi là tại sao ở ĐBSCL có tỉnh giải ngân tốt nhưng có tỉnh lại giải ngân chậm”, Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta không để một lượng vốn nằm như vậy mãi. Do vậy, công việc từ nay đến cuối năm rất nặng nề, cả yêu cầu về chống dịch và phát triển, bảo đảm việc làm, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân.
Thủ tướng đề nghị các địa phương cần nêu rõ các vướng mắc nào khiến giải ngân chậm trên địa bàn và ý chí, quyết tâm để thúc đẩy giải ngân. Các nút thắt, điểm nghẽn về môi trường kinh doanh cần tháo gỡ là gì? “Các đồng chí đề xuất thêm ở khu vực này có cơ chế, chính sách nào đột phá, nhất là thủ tục đầu tư, tài chính để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư đến ĐBSCL nhiều hơn”, Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng, "ĐBSCL cần chuẩn bị sẵn điều kiện gì để đón dòng vốn đầu tư dịch chuyển vào Việt Nam cũng như đề xuất cơ chế chính sách huy động nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng, giải pháp đột phá kết nối các tỉnh, thành phố trong vùng".