Không lý gì thuế thu nhập một năm 1 đến 2 triệu lại mua được nhà, xe
Thảo luận tại phiên họp, các ĐBQH còn ý kiến khác nhau về phương án xử lý tài sản kê khai trung thực hoặc kê khai tài sản thu nhập tăng thêm tại Điều 59 của dự thảo Luật. ĐB Mùa A Vảng (Điện Biên) cho biết đồng tình với phương án 1 bởi hai lý do. Thứ nhất, theo ĐB Vảng, thực tế có thể xảy ra trường hợp tài sản tăng thêm không phải do phạm tội mà có như thừa kế tài sản, cho, tặng.
“Trường hợp này, người kê khai tài sản đã giải trình nguồn gốc tài sản hợp lý. Tuy nhiên, cơ quan kiểm soát tài sản cũng có lý do không chấp nhận vì tài sản thiếu giấy tờ chứng minh. Khi đó, chấp nhận hay không lại có phần thuộc về chủ quan của cơ quan kiểm soát tài sản nhưng cũng không chứng minh được tài sản do phạm tội mà có. Như vậy, nộp thuế thu nhập cá nhân như phương án 1 là phù hợp”, ĐB nói. ĐB Vảng cho rằng, nếu quy định xử phạt tiền bằng 45% giá trị phần tài sản thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm như phương án 2 đối với loại tài sản được hình thành như đã nêu trên thì sẽ sinh ra mâu thuẫn xã hội và có xử phạt nếu đó không phải là tài sản phạm tội mà có.
Lý do thứ 2 được vị ĐBQH đoàn Điện Biên đưa ra là trong trường hợp người phải kê khai tài sản không chứng minh được nguồn gốc tài sản theo 8 trường hợp đã quy định về căn cứ xác lập quyền sở hữu tại Điều 221 của Bộ luật Dân sự 2015 và cơ quan kiểm soát tài sản chứng minh được tài sản do phạm tội mà có thì áp dụng khoản 3, phương án 1 Điều 59, đồng thời quy định chấm dứt quyền sở hữu tài sản theo Điều 237 của Bộ luật Dân sư.
"Như vậy, phương án hoàn toàn không để lọt tội phạm, để đảm bảo chặt chẽ, thống nhất với các luật liên quan, tôi đề nghị Luật Phòng chống tham nhũng quy định thêm trường hợp chấm dứt quyền sở hữu tài sản của người kê khai tài sản khi bản thân họ không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp hình thành tài sản có giá trị lớn và có dấu hiệu phạm tội mà có", ĐB nói.
Tuy nhiên, tranh luận lại những ý kiến băn khoăn về việc các tài sản không do tham nhũng mà có mà bị nghi oan là tài sản tham nhũng, ĐB Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn An Giang) cho rằng hầu hết thu nhập cá nhân hiện nay từ lương, thưởng, buôn bán, trúng vé số, cho, tặng, thừa kế những tài sản lớn đều phải kê khai thuế thu nhập cá nhân. “Không có lý do gì mà thu nhập thuế cá nhân một năm chỉ có khoảng 1 đến 2 triệu mà người đấy vẫn có thể mua được nhà, xe. Chính vì vậy, tôi rất mong muốn chúng ta có thêm một điều khoản quy định rõ ràng các vị trí có nguy cơ tham nhũng thì phải kê khai thuế thu nhập cá nhân và công khai cho tất cả cử tri cũng như cơ quan giám sát được biết”, ĐB nói.
Tham nhũng là khuyết tật bẩm sinh của quyền lực
Tại phiên họp, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn TP Đà Nẵng) cho rằng tham nhũng là khuyết tật bẩm sinh của quyền lực nhưng quyền luôn gắn với trách nhiệm. Do đó, theo ĐB Thúy, quy định về trách nhiệm là một giải pháp hạn chế khuyết tật nảy sinh từ quyền. ĐB Thúy nhận xét vấn đề trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng được quy định tại Chương VI dự thảo luật là chương mới với một số quy định tiến bộ như về việc xin từ chức tại khoản 1 Điều 89.
“Đây là quy định mở, mang tính khuyến khích nhưng rất cần thiết. Mặc dù, từ chức là một chuyện bất đắc dĩ nhưng trong rất nhiều trường hợp là việc nên làm, thể hiện lương tâm của cán bộ, công chức nhận trách nhiệm và rút lui trong dân dự. Đồng thời, cũng là cách để nguồn nhân lực được bố trí hợp lý hơn. Tuy nhiên, không ít quy định về trách nhiệm người đứng đầu thiếu cụ thể, tính khả thi không cao”, ĐB nói.
Còn ĐB Nguyễn Bắc Việt (Đoàn Ninh Thuận) cho biết, qua tiếp xúc cử tri, cử tri và nhân dân rất mừng về sự quyết tâm của Đảng và việc làm hiệu quả của Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Cử tri, nhân dân mong muốn phải cương quyết, kiên trì tiêu diệt tham nhũng, phải xử lý nghiêm minh, thu hồi tài sản có được từ tham nhũng. Cử tri có đề xuất đối với giặc tham nhũng này là phải tiêu diệt. Từ thực tiễn đó, ĐB Việt đề xuất lấy tên luật là Luật phòng, trừ tham nhũng để thể hiện quyết tâm tiêu diệt tham nhũng. “Mặt khác, thực tế tham nhũng cũng như sâu mọt đối với cây trồng, đối với sự phát triển bình thường. Đối với sâu, với mọt ta nói trừ sâu, diệt cỏ chứ ta không nói chống sâu, chống cỏ. Ý của dân theo tôi cần suy nghĩ và có thể đổi tên thành Luật phòng, trừ tham nhũng”, ĐB nói.
Về phát hiện tham nhũng, ĐB Việt cho rằng cần bổ sung việc phát hiện tham nhũng đối với tổ chức Đảng và đối với nhân dân vì Trung ương vừa có Quy định 124 về vai trò, giám sát của Mặt trận, đoàn thể chính trị và nhân dân đối với người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, đối với cán bộ Đảng viên trong tu dưỡng rèn luyện. “Trung ương đã ban hành Quyết định 99 về hướng dẫn khung để các cấp ủy phát huy vai trò của nhân dân trong phòng, chống tiêu cực. Chính vì vậy, theo tôi cần phải bổ sung đối tượng này tham gia hoạt động”, ĐB Việt đề xuất.
Theo ĐB Việt, công cuộc chống tham nhũng là việc của toàn dân, toàn thể nhân dân tham gia, chứ không phải chỉ công dân. Chính vì vậy, ĐB đề nghị Điều 5 và Điều 93 cần điều chỉnh lại, thể hiện rõ là sự tham gia của nhân dân, phát huy vai trò của nhân dân tham gia.
ĐB Việt cũng cho rằng, trong luật chỉ nói đến xử lý vi phạm, về khen thưởng đối với những người có thành tích trong phòng, chống tham nhũng có nêu ở Điều 76 nhưng chưa rõ. “Trong chống Mỹ ta có danh hiệu "dũng sĩ diệt Mỹ” thì bây giờ có danh hiệu "dũng sĩ diệt tham nhũng”, mạnh dạn thể hiện quyết tâm của Đảng và chúng ta mong muốn phát huy vai trò của nhân dân trong cuộc chiến này”, ĐB nói.
Điều 59. Xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được một cách hợp lý (mới):
Phương án 1:
1. Trường hợp kết luận tài sản, thu nhập thực tế của người có nghĩa vụ kê khai lớn hơn tài sản, thu nhập đã kê khai hoặc có tài sản, thu nhập tăng thêm mà người kê khai không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc của tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm đó và chưa có căn cứ xác định do phạm tội mà có, thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ban hành Kết luận xác minh tài sản, thu nhập, cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập gửi Kết luận xác minh tài sản, thu nhập đến cơ quan quản lý thuế có thẩm quyền yêu cầu thực hiện việc thu thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật về thuế.
2. Người phải nộp thuế theo quy định tại khoản 1 Điều này có quyền khiếu nại đến cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập hoặc khởi kiện Kết luận xác minh tài sản, thu nhập ra Tòa án có thẩm quyền theo quy định pháp luật.
3. Việc thu thuế quy định tại khoản 1 Điều này không loại trừ việc xử lý trách nhiệm hình sự và tịch thu tài sản đối với người kê khai, nếu các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết một vụ án hình sự có liên quan chứng minh được tài sản kê khai không trung thực, tài sản tăng thêm không giải trình một cách hợp lý có được hoặc có nguồn gốc từ hành vi phạm tội.
4. Chính phủ quy định chi tiết về trình tự, thủ tục thực hiện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
Phương án 2:
1. Trường hợp kết luận tài sản, thu nhập thực tế của người có nghĩa vụ kê khai lớn hơn tài sản, thu nhập đã kê khai hoặc có tài sản, thu nhập tăng thêm mà người kê khai không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc của tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm đó và chưa có căn cứ xác định do phạm tội mà có, thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ban hành Kết luận xác minh tài sản, thu nhập, cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập gửi Kết luận xác minh tài sản, thu nhập đến cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền bằng 45% giá trị của phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm.
Chính phủ quy định chi tiết về thẩm quyền và trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính quy định tại khoản này.
2. Người bị phạt tiền theo quy định tại khoản 1 Điều này có quyền khiếu nại đến cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập hoặc khởi kiện Kết luận xác minh tài sản, thu nhập tại Tòa án có thẩm quyền theo quy định pháp luật.
3. Việc phạt tiền theo quy định tại khoản 1 Điều này không loại trừ việc xử lý trách nhiệm hình sự và tịch thu tài sản đối với người kê khai, nếu các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết một vụ án hình sự có liên quan chứng minh được tài sản kê khai không trung thực, tài sản tăng thêm không giải trình một cách hợp lý có được hoặc có nguồn gốc từ hành vi phạm tội.(Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi))