Đặc biệt quan tâm đến vấn đề xã hội
Cho rằng công cuộc phòng chống tham nhũng (PCTN) của Đảng, Nhà nước trong thời gian vừa qua đã đạt được những kết quả to lớn, ĐB Giàng A Chu (Yên Bái) khẳng định, công cuộc này đã làm gia tăng lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; đồng thời đề nghị Phó Thủ tướng cho biết quyết tâm của Chính phủ về việc tiếp tục cuộc chiến PCTN trong thời gian tới như thế nào?
Trả lời câu hỏi này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, công cuộc PCTN của nước ta đã được đồng bào và cử tri ủng hộ, ngay cả dư luận quốc tế cũng đánh cao. “Khi tham dự diễn đàn kinh tế tại Davos (Thụy Sĩ) cũng có nhiều quan chức các nước, lãnh đạo các nước hỏi việc chống tham nhũng gay gắt như vậy có ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam hay không?”. “Tôi trả lời ngay là hoàn toàn không ảnh hưởng. Bằng chứng năm 2017, chúng ta đã đạt được kết quả to lớn, toàn diện cả về mặt PCTN, cả về kinh tế”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) liên quan đến vấn đề đạo đức xã hội đang xuống cấp, Chính phủ có giải pháp gì? Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, vấn đề xã hội luôn được ĐBQH cũng như lãnh đạo QH quan tâm. Kỳ họp nào ĐB cũng thảo luận rất nhiều, nhưng kỳ họp này đặc biệt nhiều. “Chính phủ chia sẻ và đồng tình với những băn khoăn, lo lắng của đại biểu”, Phó Thủ tướng nói và cho biết, Đảng ta đã xác định phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; xây dựng văn hóa, con người làm nền tảng tinh thần. Với quan điểm đó đã định hướng xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Theo Phó Thủ tướng, Hội nghị Trung ương 9 khoá XI đã ban hành Nghị quyết mới về xây dựng nền văn hoá và con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong đó có đánh giá, so với các lĩnh vực khác chính trị, kinh tế, an ninh - quốc phòng, đối ngoại, phát triển văn hóa chưa ngang bằng. “Ngay trong phát triển kinh tế cũng đảm bảo bền vững trên 3 trụ cột: kinh tế, xã hội và môi trường, không bỏ quên cái gì hay hy sinh cái gì. Tiếp thu ý kiến đại biểu, chúng tôi sẽ bàn bạc sắp xếp lại toàn bộ các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Trung ương để xem chăm lo văn hoá, tinh thần cho nhân dân”, Phó Thủ tướng nói.
Giáo viên không đủ năng lực thì phải đưa ra khỏi ngành
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã trả lời chất vấn của QH. Trước khi trả lời chất vấn, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã nhận trách nhiệm của người đứng đầu ngành về những vấn đề chưa làm được. “Ngành Giáo dục với hơn 22 triệu học sinh, sinh viên cả nước và 1,4 triệu thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục có ảnh hưởng, liên quan đến mọi người, mọi nhà. Ý thức được trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, ngành Giáo dục đã quyết tâm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới toàn diện giáo dục đào tạo, Nghị quyết về đổi mới sách giáo khoa và các nghị quyết, nghị định khác và những kết quả bước đầu, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo nước nhà.
Tuy nhiên, đây là lĩnh vực rộng lớn cần có thời gian để phát huy kết quả đổi mới. Bản thân ngành Giáo dục còn nhiều hạn chế, thiếu sót. Trong thời gian qua, còn nhiều việc hạn chế tồn tại gây bức xúc dư luận, nhiều vấn đề chưa đáp ứng kì vọng của nhân dân. Chúng tôi xin chịu trách nhiệm và có chỉ đạo cụ thể để tháo gỡ các vấn đề”, Bộ trưởng nói.
Chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, ĐB Đặng Thuần Phong (Bến Tre), ĐB K’Nhiễu (Lâm Đồng) chỉ rõ những hạn chế của giáo dục mầm non chất lượng giáo dục mầm non không ổn định, chính sách chưa đồng bộ, nguồn lực đầu tư thấp, cơ sở vật chất, trường lớp, giáo viên, quản lý chưa đáp ứng được yêu cầu. Cùng với đó, các hiện tượng tiêu cực xảy ra nhiều ảnh hưởng xấu, tạo bức xúc trong dư luận xã hội, làm cản trở niềm tin đối với ngành Giáo dục. Các ĐB đề nghị Bộ trưởng cho biết những giải pháp giải quyết các vấn đề của giáo dục mầm non hiện nay.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận ý kiến của ĐB là đúng. Giáo dục mầm non tuy được quan tâm nhưng chất lượng kém. Nhiều cơ sở mầm non hiện nay chưa được chu đáo, nhất là ở khu công nghiệp, khu chế xuất. Theo Bộ trưởng Nhạ, hiện nay toàn ngành có 15.000 cơ sở giáo dục mầm non với 337.000 giáo viên. Về cơ bản, các thầy cô tâm huyết, yêu nghề, mến trẻ, song cũng đã xuất hiện tình trạng bạo hành trẻ ở một số cơ sở mầm non tư thục. “Những trường hợp bạo hành trẻ mà báo chí đã nêu là không thể chấp nhận được. Cá nhân tôi với trách nhiệm người đứng đầu ngành Giáo dục rất phản đối, có ý kiến chỉ đạo kiên quyết, với những giáo viên không đủ năng lực thì phải đưa ra khỏi ngành, không chần chừ. Các cơ sở để xảy ra tình trạng này phải bị đình chỉ, đóng cửa”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Người đứng đầu ngành Giáo dục cũng thông tin, hiện hệ thống pháp lý cơ bản có, quan trọng là khâu tổ chức thực hiện. Bộ trưởng đề nghị các bộ có liên quan và địa phương tăng cường giám sát, các tổ chức chính trị - xã hội cùng đồng hành với ngành Giáo dục trên tinh thần phòng ngừa là chính.
Nhắc lại phát biểu của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trước đây: “Giáo dục của chúng ta đang trong giai đoạn quá độ nên phải chấp nhận thay đổi để đổi mới”, ĐB Hồ Thị Vân (Quảng Ngãi) đã đặt câu hỏi: “Bộ trưởng cho biết, chúng ta sẽ mất khoảng bao lâu để đi hết con đường quá độ này. Hiện nay, sau khá nhiều những thay đổi, chúng ta đã đi đến đâu, đến giai đoạn nào của con đường quá độ. Trong nhiệm kỳ của mình Bộ trưởng dự kiến chúng ta sẽ đạt được bao nhiêu phần trăm mục tiêu đổi mới căn bản toàn diện ngành Giáo dục?”.
Đáp lời, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, việc đổi mới giáo dục, đào tạo không nóng vội vì liên quan đến con người, liên quan đến rất nhiều các nhóm đối tượng khác nhau, động chạm đến nhiều vấn đề, nên chúng ta phải có sự quá độ, phải tuyên truyền, tranh thủ ý kiến. “Chúng tôi rất ý thức điều này, đây là vấn đề rất nhạy cảm nên phải có lộ trình, phải có bước đi cụ thể”, Bộ trưởng Nhạ nói.
Dẫn thực tế, Bộ trưởng Nhạ cho biết, trong vấn đề thi cử, chúng ta đi từ giai đoạn 2 kỳ thi trong một năm, chuyển đến một kỳ thi 2 mục đích, nhưng các cụm, địa phương khác nhau. Đến năm 2017 chúng ta đã tương đối ổn định kỳ thi và đã được nhân dân, cử tri về cơ bản đồng tình, cho là tốt.
Đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành tiếp thu nghiêm túc ý kiến
* Tóm lược lại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá các phiên chất vấn diễn ra trong không khí sôi nổi, thẳng thắn và trách nhiệm. Việc đổi mới một bước cách thức chất vấn hỏi ngắn - đáp gọn tại kỳ họp lần này đã có kết quả tích cực, được các ĐBQH và cử tri đồng tình, đánh giá cao. Qua 3 ngày chất vấn và trả lời chất vấn đã có hơn 250 lượt ĐBQH chất vấn và tranh luận. Các thành viên Chính phủ đã trả lời gần hết các câu hỏi đặt ra. ĐBQH đã tâm huyết, trách nhiệm và nghiêm túc, cơ bản chất vấn ngắn gọn, rõ ràng, bám sát nhóm vấn đề và tích cực tranh luận để làm rõ thêm về nội dung chất vấn.
Chủ tịch QH nêu rõ, qua hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn cho thấy QH, các ĐBQH không chỉ nêu ra những hạn chế, bất cập mà còn thể hiện trách nhiệm đồng hành, chung tay, sát cánh cùng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương trong việc triển khai các chủ trương, chính sách, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vì sự phát triển của đất nước và hạnh phúc của nhân dân. Trong những vấn đề QH, cử tri và nhân dân yêu cầu có những nội dung liên quan đến công tác quản lý, điều hành có thể chấn chỉnh, triển khai ngay nhưng cũng có những nội dung liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực cần phải được xem xét, sửa đổi chính sách pháp luật để triển khai một cách đồng bộ thì mới có hiệu quả. Việc đổi mới một bước cách thức chất vấn hỏi ngắn - đáp gọn tại kỳ họp lần này đã có kết quả tích cực, được các ĐBQH và cử tri đồng tình, đánh giá cao.
Chủ tịch QH đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành nghiên cứu tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc ý kiến của ĐBQH, cử tri và nhân dân gửi đến các kỳ họp, thực hiện có hiệu quả, đẩy mạnh hơn nữa tiến độ thực hiện và khắc phục những hạn chế, yếu kém đã được nêu đối với từng lĩnh vực để báo cáo QH tại các kỳ họp sau.
* Bên hành lang QH, đánh giá về phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các Bộ trưởng tại Kỳ họp này, ĐB Đôn Tuấn Phong (tỉnh An Giang) cho biết, những vấn đề được các ĐB lựa chọn đều là những vấn đề đang nóng, được nhiều cử tri quan tâm; thể hiện sự sâu sát, trách nhiệm của các ĐBQH.
Đối với các thành viên Chính phủ trả lời chất vấn đều hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, không vòng vo, “né tránh” những câu hỏi khó, cơ bản giải quyết được băn khoăn thắc mắc những vấn đề ĐB, cử tri quan tâm. Có Bộ trưởng, tuy lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn trước QH, mới đảm nhiệm cương vị nhưng Bộ trưởng đã cơ bản bao quát được vấn đề, nắm chắc tình hình, thực trạng, đã trả lời làm rõ hầu hết các vấn đề được ĐBQH chất vấn. Bên cạnh đó, các Bộ trưởng cũng thẳng thắn, cầu thị và sẵn sàng nhận trách nhiệm về vấn đề còn yếu kém.