Dạy tiếng Việt cho trẻ em ở nước ngoài: Gắn kết cộng đồng kiều bào với đất nước

Ban tổ chức và các học viên khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài năm 2022.
Ban tổ chức và các học viên khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài năm 2022.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Những năm qua, công tác xây dựng, phát triển phong trào dạy và học tiếng Việt cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã được triển khai mạnh mẽ. Qua đó hỗ trợ cộng đồng giữ gìn bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc; đồng thời, góp phần phổ biến, truyền bá tiếng Việt và văn hóa Việt Nam ở nước ngoài.

Líu lo tiếng Việt

Cô Phạm Phi Hải Yến (hiện đang làm nghiên cứu sinh Khoa Nghiên cứu ngôn ngữ và văn hóa, Đại học Osaka, đã có 12 năm học tập, sinh sống ở Nhật Bản), gắn bó với lớp học có tên là Líu lo tiếng Việt từ hơn 1 năm nay. Cô Yến cho biết, ý tưởng mở lớp học xuất phát từ niềm tin trẻ em dù sống ở quốc gia hay lãnh thổ nào trên thế giới cũng đều có quyền được học tập và duy trì tiếng mẹ đẻ. Trước khi mở lớp, cô Yến đã có 5 năm làm công tác hỗ trợ dạy, học tiếng Việt và tiếng Nhật cho học sinh người Việt ở một số trường tiểu học trên địa bàn Osaka, 6 năm kinh nghiệm giảng dạy văn hóa và tiếng Việt cho người lớn ở các trung tâm giao lưu văn hoá, trung tâm ngoại ngữ.

Cô Yến chia sẻ, cách đây khoảng 7 - 8 năm, số lượng trẻ em gốc Việt ở Nhật chưa tăng mạnh, việc giữ gìn tiếng Việt cho các con chưa được quan tâm nhiều. Không ít gia đình đặt tiếng Việt của con ở hàng ưu tiên thấp hơn so với tiếng Nhật, tiếng Anh, tiếng Trung; thậm chí, có gia đình còn nghĩ “con em không biết tiếng Việt cũng được”. Đến nay, một số địa phương, trường học của Nhật Bản đã tổ chức các lớp dạy tiếng mẹ đẻ cho học sinh nước ngoài, trong đó có Việt Nam, nhưng thời lượng học còn rất ít. Bản chất của những lớp học này chủ yếu là để học sinh làm quen với văn hóa Việt Nam, học tiếng Việt để hỗ trợ cho việc học bằng tiếng Nhật ở trường; còn việc giữ gìn, duy trì và phát huy tiếng Việt cho các em vẫn nhờ vào gia đình, bố mẹ và các giáo viên là chính. Chính vì vậy, lớp học của cô Yến ra đời, với mong muốn giữ gìn và phát huy tiếng Việt cho trẻ em gốc Việt tại Nhật Bản.

Lớp học của cô Yến đang triển khai dự án học tập “Việt Nam của em”, với những bài giảng được thiết kế đặc biệt, dành cho các bé gần như không sử dụng được tiếng Việt. Với việc đưa văn hóa Việt Nam vào từng tiết dạy, qua từng bài học, vốn hiểu biết của các con về văn hóa, đất nước, con người của Tổ quốc ngày càng được mở rộng, từ đó tăng thêm sợi dây gắn kết với quê hương.

Giữ gìn cầu nối giữa kiều bào với Tổ quốc

Đối với cộng đồng hơn 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) đang sinh sống, làm việc tại trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, tiếng Việt là phương tiện lưu giữ, lan tỏa, trao truyền văn hóa, giúp đồng bào ta ở nước ngoài bảo tồn được bản sắc văn hóa riêng, giúp bà con khẳng định bản thân và tự tin hội nhập với thế giới. Tiếng Việt cũng là cầu nối đồng bào Việt Nam trên toàn thế giới với Tổ quốc.

Việc có nhiều người Việt ở nước ngoài sử dụng tiếng Việt cũng giúp Việt Nam phổ biến và quảng bá các giá trị cao đẹp của văn hóa Việt Nam, ý nghĩa nhân văn trong tư tưởng, tâm hồn và cốt cách của người Việt Nam ra nước ngoài, để bạn bè quốc tế hiểu hơn đất nước, con người, qua đó thúc đẩy quan hệ hữu nghị, tình cảm đoàn kết, hợp tác với Việt Nam trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Theo ông Phạm Quang Hiệu, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN, thời gian qua, công tác bảo tồn, phát huy tiếng Việt trong cộng đồng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, tiếng Việt đang đối mặt nguy cơ bị mai một. Quá trình hội nhập của NVNONN và xu thế toàn cầu hóa, sự giao thoa với văn hóa sở tại làm ảnh hưởng đến việc sử dụng tiếng Việt. Bên cạnh đó, một bộ phận thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên ở nước ngoài chưa có ý thức sâu sắc về tầm quan trọng của ngôn ngữ dân tộc. Hoạt động dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng cũng còn nhiều khó khăn…

Cô Yến và cô Hoa là 2 trong số 80 học viên từ 9 quốc gia đã tham gia khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên NVNONN do Ủy ban Nhà nước về NVNONN phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức năm 2022. Được tổ chức hàng năm từ năm 2013 cho đến nay, khóa đào tạo nhằm mục đích nâng cao trình độ và kỹ năng sư phạm, cập nhật kiến thức cho các giáo viên chuyên và không chuyên đang giảng dạy tiếng Việt tại các cơ sở của cộng đồng.

Trung bình, mỗi năm có khoảng 65-70 giáo viên từ nhiều quốc gia được tham dự và được cấp chứng nhận hoàn thành lớp bồi dưỡng, trở thành nòng cốt trong phong trào dạy và học tiếng Việt của cộng đồng NVNONN tại các nước sở tại. Năm 2020 và 2021, do đại dịch COVID-19 bùng phát, khóa tập huấn được tổ chức theo hình thức trực tuyến, thu hút sự tham gia của hơn 400 giáo viên kiều bào. Năm 2022, khi tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên NVNONN đã được tổ chức theo hình thức trực tiếp.

Cô Phạm Phi Hải Yến nhấn mạnh, các khóa tập huấn do Ủy ban Nhà nước về NVNONN tổ chức đã giúp cộng đồng có nhiều giáo viên hơn và việc giảng dạy tiếng Việt cho trẻ em đã trở thành một phong trào phát triển rộng khắp. Thông qua những khóa tập huấn như vậy, các giáo viên kiều bào không chỉ được nâng cao kỹ năng sư phạm, kiến thức ngôn ngữ, mà còn kết nối được với những người khác có cùng tâm nguyện giữ gìn và phát huy tiếng Việt trong cộng đồng người Việt.

Xây dựng, phát triển phong trào dạy và học tiếng Việt cho cộng đồng

Về phía Bộ GD&ĐT, bà Lê Thị Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên, Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ xác định công tác dạy tiếng Việt cho NVNONN là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng và cần thiết, góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ chính trị đã được đặt ra trong Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 12/3/2003, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá IX) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; Nghị quyết 36 NQ/TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị về công tác đối với NVNONN.

Để hỗ trợ cộng đồng duy trì tiếng Việt, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, Bộ GD&ĐT đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo để tạo điều kiện cho địa phương thực hiện tốt công tác về NVNONN. Năm 2016 và năm 2017, Bộ đã chỉ đạo tổ chức biên soạn, biên tập, thiết kế chế bản, in và phát hành hai bộ sách “Tiếng Việt vui” và “Quê Việt”. Hiện nay, 2 bộ sách đã được số hóa, đưa lên mạng để khai thác sử dụng miễn phí.

Đặc biệt, bà Lê Thị Hằng cho hay, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã vận động các cấp chính quyền sở tại hỗ trợ các cơ sở dạy tiếng Việt của kiều bào. Tại một số nước, chính quyền còn cấp đất hoặc cho mượn địa điểm, cấp giấy phép, hỗ trợ một phần kinh phí cho các hội, đoàn tổ chức trường, lớp học tiếng Việt. Tại Lào, Trường Việt kiều Nguyễn Du đã được chuyển đổi thành trường song ngữ Lào - Việt, số học bổng tại Việt Nam cho con em kiều bào tại Lào đã tăng lên… Tại Đài Loan (Trung Quốc), chính quyền đã đưa tiếng Việt vào giảng dạy từ năm 2018 tại các trường phổ thông như một ngoại ngữ tự chọn.

Hiện nay, tiếng Việt được dạy một số cơ sở chính quy của Pháp, như Ban Việt học, Khoa Ngôn ngữ và Văn minh Á Đông của Trường Đại học Paris VII, Viện Nghiên cứu quốc gia về ngôn ngữ và văn minh phương Đông, Trường Trung học Jean de La Fontaine, quận XVI và một số cơ sở dạy tiếng Việt do các hội, đoàn của Việt Nam tại Pháp tổ chức. Tại Ba Lan có Trường Tiếng Việt Lạc Long Quân với tổng số học sinh hàng năm có khoảng từ 150 - 180 em, chủ yếu lứa tuổi từ 5 - 14. Trường đã hoàn thiện bộ giáo trình riêng “Em học tiếng Việt” gồm 14 quyển với các chương trình A, B, C, D, E; dạy ở trường vào các buổi chiều Thứ Bảy hàng tuần.

Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy ban Nhà nước về NVNONN tổ chức bồi dưỡng giáo viên tình nguyện; cử giảng viên, chuyên gia dạy tiếng Việt trong nước sang giảng dạy và bồi dưỡng nghiệp vụ cho giáo viên ở nước sở tại; phối hợp với các đài phát thanh, truyền hình tăng cường các khóa học tiếng Việt, bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng Việt từ xa, trực tuyến. Cùng với đó, xây dựng và triển khai Cổng thông tin điện tử dạy học tiếng Việt trực tuyến; thiết kế tài liệu hướng dẫn cho giáo viên và phụ huynh nhằm hỗ trợ khả năng dẫn dắt người dạy…

Ngày 3/8/2022, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 930/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án “Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN giai đoạn 2023 - 2030”. Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu, việc phê duyệt Đề án và lựa chọn ngày 8/9 hàng năm làm Ngày Tôn vinh tiếng Việt không chỉ thể hiện sự cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với công tác về NVNONN, thể hiện tình cảm và trách nhiệm của Đảng và Nhà nước trong việc chăm lo cho kiều bào ở nước ngoài mà đây còn là dấu mốc quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần NVNONN. Qua đó, nâng cao nhận thức của kiều bào đối với tiếng Việt, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong cộng đồng, xây dựng cộng đồng NVNONN ổn định, đoàn kết, vững mạnh và hướng về cho quê hương, đất nước.

Đọc thêm

Đừng để suối Tiên “ngủ quên” trong mùa du lịch

Khu du lịch sinh thái suối Tiên (xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc) những năm qua đã trở thành điểm du lịch điển hình của địa phương. (Ảnh: V.Dinh)
(PLVN) - Sau nhiều năm đi vào hoạt động, khu du lịch sinh thái suối Tiên - hồ Thủy Yên ở xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế đã trở thành điểm du lịch điển hình của địa phương. Tuy nhiên, mới đây, Công ty TNHH Nhà nước MTV Quản lý khai thác công trình thuỷ lợi tỉnh có văn bản yêu cầu HTX nông nghiệp Thủy An đóng cửa khu du lịch sinh thái này vì chưa được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cấp giấy phép hoạt động.

Lời chia buồn

Lời chia buồn
(PLVN) -  Đảng ủy, Ban biên tập Báo Pháp luật Việt Nam được tin:

Xâm nhập mặn tại miền Tây ngày càng gay gắt, bất thường

Mương nước nội đồng ở xã Đại Ân 2 (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) trơ đáy, khô, nứt nẻ. (Ảnh: An Bình)
(PLVN) - Xâm nhập mặn có xu hướng ảnh hưởng đến nguồn nước ngọt tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sớm hơn trước 1 - 1,5 tháng, gay gắt và bất thường, theo báo cáo về công tác phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn vùng ĐBSCL của Cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT).

Nắng nóng vẫn tiếp tục bao trùm cả nước

Ảnh minh họa: Ngọc Nga
(PLVN) -  Theo Trung tâm dự báo KTTV Quốc gia, nắng nóng và nắng nóng gay gắt trên cả nước kéo dài đến khoảng ngày 30/4, từ ngày 1-2/5 nắng nóng trên cả nước có khả năng giảm dần. Ngày mai (27/4) nắng nóng vẫn tiếp tục bao trùm các khu vực trên cả nước.

Phát động Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động

Các đại biểu ấn nút phát động Tháng Hành động về ATVSLĐ và Tháng Công nhân năm 2024. (Ảnh: PV)
(PLVN) -  Sáng 26/4, Ban chỉ đạo Tháng Hành động về An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) Trung ương phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Lễ phát động Tháng Hành động về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và Tháng Công nhân năm 2024 với chủ đề “Tăng cường đảm bảo ATVSLĐ tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng”.