Phát hiện 47 vụ, 72 người liên quan đến tham nhũng
Theo báo cáo, năm 2019, Thanh tra Chính phủ và toàn ngành Thanh tra đã nỗ lực cố gắng, vượt qua khó khăn, đoàn kết, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Toàn ngành đã triển khai hơn 6.600 cuộc thanh tra hành chính và trên 227 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm về kinh tế hơn 173 nghìn tỷ đồng, trên 22 nghìn ha đất.
Đồng thời, kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 83.968 tỷ đồng và 897 ha đất (đã thu hồi 19.329 tỷ đồng, 121 ha đất); kiến nghị xử lý hành chính đối với 1.967 tập thể và nhiều cá nhân; ban hành 113.625 quyết định xử phạt vi phạm hành chính tổ chức, các nhân với số tiền 5.315 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý 94 vụ, 121 đối tượng…
Trong năm 2019, có 9.150 cán bộ, công chức, viên chức chuyển đổi vị trí công tác. Số người nộp lại quà tặng cho đơn vị là 8 người với giá trị quà tặng là 116 triệu đồng. Đã xử lý 42 người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng, trong đó 4 người đã bị xử lý hình sự; 38 người bị xử lý kỷ luật hành chính.
Đáng chú ý, qua xác minh 46 người về kê khai tài sản, thu nhập đã phát hiện 10 trường hợp vi phạm (tăng 4 trường hợp so với cùng kỳ năm trước). Ngoài ra, qua công tác thanh tra, kiểm tra, cơ quan thanh tra các cấp đã phát hiện 47 vụ, 72 người có hành vi liên quan đến tham nhũng…
Toàn cảnh Hội nghị |
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thanh tra Chính phủ thẳng thắn chỉ ra, tình trạng “tham nhũng vặt", nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc chưa được ngăn chặn hiệu quả.
Công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị còn nhiều hạn chế, yếu kém. Số vụ việc tham nhũng phát hiện còn ít trong tương quan so với số sai phạm kinh tế phát hiện qua thanh tra, kiểm toán; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng có tiến bộ nhưng nhìn chung còn thấp…
Thanh tra không được là gương mờ
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình ghi nhận Thanh tra Chính phủ năm 2019 đã từng bước chấn chỉnh, có nhiều tiến bộ trên các mặt công tác, cơ bản hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. “Nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng qua thanh tra phát hiện đã chuyển cơ quan điều tra khởi tố, phát hiện nhiều lỗ hổng trong phát luật, kiến nghị các cấp có thẩm quyền. Đây là sự nỗ lực rất lớn, quyết tâm rất lớn của các đồng chí, hoàn thành tốt nhiệm vụ”, Phó Thủ tướng biểu dương.
Bên cạnh những thành tích, Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra công tác của ngành năm 2019 vẫn còn những hạn chế, tồn tại cần cầu thị, dũng cảm nhìn nhận để khắc phục làm tốt hơn nữa. Vì vậy, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị, năm 2020 - năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, các bộ, ngành và UBND tỉnh, thành chỉ đạo cơ quan thanh tra thực hiện tốt Kế hoạch thanh tra năm 2020, gắn với thanh tra đột xuất để làm rõ các vụ việc tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình lưu ý thanh tra không được là gương mờ |
Đồng thời, tăng cường phối hợp để hạn chế và xử lý kịp thời chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Kịp thời chấn chỉnh những yếu kém trong quản lý, trong thực thi pháp luật; sửa đổi những sơ hở, bất cập về cơ chế, chính sách và xử lý các vi phạm pháp luật phát hiện qua thanh tra. Đẩy mạnh cải cách hành chính; hoàn thiện các quy định xây dựng nền công vụ minh bạch, liêm chính, phục vụ; kiên quyết xử lý nghiêm, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
Phó Thủ tướng lưu ý, cần triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch của Thanh tra Chính phủ về phối hợp tiếp công dân phục vụ Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung ương và địa phương, không để phát sinh “điểm nóng” và kịp thời xử lý các tình huống khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp phát sinh.
Đối với ngành Thanh tra, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp chỉ đạo, điều hành, tác nghiệp thanh tra. Tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tham nhũng; tiến hành thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ thanh tra, tích cực đôn đốc thực hiện kết luận thanh tra các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo; chú trọng công tác thu hồi tài sản tham nhũng.
Đặc biệt, “thanh tra phải là gương cho người ta soi, gương mờ không ai soi được. Tất cả hệ thống chính trị phải gần dân, lắng nghe dân…” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh khi nói về việc cán bộ thanh tra phải học tập tâm gương của Bác.