Hai mô hình TGSX hiệu quả
TGSX là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác bảo đảm hậu cần cho các đơn vị trong toàn quân. Thiếu tướng Nguyễn Xuân Hải - Cục trưởng Cục Quân nhu, Tổng cục Hậu cần cho biết: “Năm 2017, ngân sách bảo đảm cho quốc phòng còn hạn hẹp, chưa đáp ứng đủ nhu cầu, nên ảnh hưởng trực tiếp đến công tác bảo đảm hậu cần nói chung, công tác nuôi dưỡng bộ đội nói riêng. Mặt khác, do tác động biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ xảy ra ở nhiều nơi, gây thiệt hại lớn về người và tài sản khiến giá cả các mặt hàng thiết yếu có lúc tăng cao, gây những khó khăn cho công tác phát triển TGSX của các đơn vị.
Trước tình hình đó, Tổng cục Hậu cần đã tích cực nghiên cứu, tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo toàn quân đẩy mạnh TGSX để giữ vững ổn định và từng bước nâng cao chất lượng đời sống bộ đội. Cục Quân nhu đã làm tốt công tác chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị toàn quân duy trì mô hình TGSX khép kín mới mô hình hệ sinh thái vườn-ao-chuồng (VAC) gắn với bếp ăn (cấp tiểu đoàn, đại đội và tương đương) và tổ chức TGSX tập trung (cấp trung, lữ, sư đoàn và tương đương) gắn với khu chế biến thực phẩm tập trung. Hai mô hình TGSX này không chỉ thiết thực nâng cao chất lượng, hiệu quả mà còn cân đối, điều hòa đủ thực phẩm cho các bếp ăn, tạo sự khép kín từ sản xuất-chế biến-sử dụng sản phẩm ở các đơn vị”.
Những năm qua, Lữ đoàn Tăng Thiết giáp 273, Quân đoàn 3 luôn làm tốt công tác bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội. Bên cạnh xây dựng cảnh quan môi trường “xanh, sạch, đẹp”, công tác tăng gia sản xuất, tạo nguồn thực phẩm sạch là vấn đề luôn được Lữ đoàn chú trọng nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng bữa ăn cho bộ đội. Hiện Lữ đoàn Tăng Thiết giáp 273 có đàn gia súc, gia cầm với tổng đàn lên tới gần 1.500 con. Trong đó, đáng chú ý là việc chăn nuôi theo hướng tự cung, tự cấp, sạch tuyệt đối và được tiêm phòng bệnh đúng định kỳ. Mặt khác, để bảo đảm nguồn lợn giống sạch, đơn vị chăn nuôi thêm hàng chục con lợn nái. Nguồn thức ăn là cám gạo từ việc xay xát lúa, tận dụng thức ăn thừa, rau tăng gia nên luôn an toàn và đàn lợn tăng trọng tốt từ 15 đến 18kg/con/tháng. Cùng với đó, Lữ đoàn Tăng Thiết giáp 273 còn dành gần 2ha đất để canh tác cây ăn trái, rau xanh theo mùa, các loại rau gia vị, củ, quả dự trữ.
Nhiều đơn vị cấp lữ đoàn, sư đoàn đã TGSX tự túc đủ 100% nhu cầu rau, thịt
Những nỗ lực của ngành hậu cần và trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ toàn quân đã cho kết quả đáng mừng: Các đơn vị được đầu tư cơ sở hạ tầng TGSX, có đủ diện tích đất trồng rau, diện tích chuồng trại gia súc, gia cầm, ao cá... nên đã tự túc được gần 85% định lượng rau, củ, quả; 92,0% định lượng thịt xô lọc, gần 35% định lượng thịt gia cầm và gần 40% định lượng cá. Nhiều đơn vị cấp lữ đoàn, sư đoàn đã TGSX tự túc đủ 100% nhu cầu rau, thịt. Giá sản phẩm TGSX nhập bếp ăn trung bình thấp hơn ngoài thị trường 7%-26%. Những kết quả đó góp phần nâng cao định lượng ăn hàng ngày của bộ đội. Nguồn thu lãi từ TGSX giúp các đơn vị có điều kiện tăng cường bữa ăn bộ đội trong các ngày lễ, Tết, mua sắm thêm doanh cụ, đồ dùng học tập, hoạt động thể thao, văn hóa văn nghệ, tặng quà động viên cán bộ, chiến sĩ. Nhiều đơn vị còn xây dựng được quỹ bình ổn TGSX phòng khi đơn vị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh...
Để nâng cao chất lượng công tác TGSX nói chung và chăn nuôi lợn thịt nói riêng, vừa qua Viện Nghiên cứu khoa học Hậu cần quân sự (Học viện Hậu cần) đã đưa vào ứng dụng men ủ thức ăn thừa trong chăn nuôi lợn thịt, bước đầu cho kết quả rất khả quan. Đây là đề tài cấp Tổng cục Hậu cần đã thực nghiệm thành công trong chăn nuôi lợn thịt ở sư đoàn 312 (Quân đoàn 1) vào tháng 12/2016, hiện nay đang được triển khai ứng dụng tại Học viện Hậu cần.
Trung tá Hoàng Thế Hưng, Trưởng Ban Khoa học kỹ thuật hậu cần, Chủ nhiệm đề tài cho biết: “Hầu hết nhà ăn ở các đơn vị đều có thức ăn dư thừa và sử dụng thực phẩm thừa đó để chăn nuôi. Tuy nhiên các đơn vị đều sử dụng ngược quy trình chăn nuôi, đó là trộn thức ăn dư thừa, cho thêm nước nấu lại, để nguội và cho lợn ăn. Với cách đó cần thời gian và tiêu tốn một lượng chất đốt để tạo nhiệt đun sôi, thức ăn nấu lại chất lượng sẽ giảm, chăn nuôi lợn hiệu quả thấp. Bài toán đặt ra là cần phải có một loại men cho vào thức ăn dư thừa đó, chỉ cần ủ trong vòng 2-3 ngày là cho lợn ăn được luôn”. Vì vậy, các nhà khoa học đã đưa ra nghiên cứu ứng dụng men ủ thức ăn thừa trong chăn nuôi lợn thịt.
Trong quá trình tiến hành thực nghiệm đề tài, toàn bộ men ủ thức ăn thừa được sản xuất tại phòng thí nghiệm Công nghệ sinh học của Viện Nghiên cứu khoa học Hậu cần quân sự. Sau đó, sản phẩm được đưa tới cho lợn nuôi thí nghiệm tại 2 lô, mỗi lô 12 lợn thịt của Sư đoàn 312 ăn. Khi ăn thức ăn này, lợn tăng trọng trung bình từ 13-15 kg/con/tháng. Thức ăn thừa sau khi lên men đã có tỷ lệ tiêu hóa, hấp thu tốt hơn, do đó tăng sinh trưởng của lợn. Khối lượng lợn thịt sau khi ăn thức ăn thừa lên men so với ăn thức ăn thừa không lên men ở 30 ngày tăng 4,37kg và ở 60 ngày tăng 7,17kg.
Đại tá Nguyễn Trần Đình Tá - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học hậu cần quân sự cho biết: “Sau khi thực nghiệm ứng dụng men ủ thức ăn thừa trong chăn nuôi lợn thịt ở Sư đoàn 312 với kết quả khả quan, chúng tôi đã triển khai ở hai tiểu đoàn của học viện và hiện tại đang gấp rút xây dựng kế hoạch để triển khai xây dựng hầm ủ men thức ăn dư thừa để phục vụ chăn nuôi trong toàn học viện. Đây là bước tiến trong công tác ứng dụng công nghệ vào tăng gia sản xuất của đơn vị”.