Chỉ thị nêu rõ, những năm gần đây, công tác phòng, chống BLGĐ đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, vẫn tồn tại những hạn chế, như tình trạng BLGĐ còn diễn ra ở nhiều nơi với các đối tượng khác nhau; tính chất của các vụ BLGĐ ngày càng tinh vi, phức tạp, khó lường. BLGĐ ảnh hưởng đến thuần phong, mỹ tục, đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử, an ninh, trật tự xã hội, gây bất bình trong dư luận xã hội.
Nguyên nhân do nhiều cơ quan, chính quyền, đoàn thể chưa xác định rõ được trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong thực thi chính sách, pháp luật về phòng, chống BLGĐ. Việc tuyên truyền văn hóa ứng xử, phòng, chống BLGĐ chưa thường xuyên, phong phú, đa dạng và sâu rộng. Cán bộ làm công tác gia đình còn thiếu và yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, chưa có cộng tác viên về gia đình ở cơ sở.
Chỉ thị yêu cầu Bộ VHTT&DL chủ động phối hợp tăng cường tuyên truyền chính sách, pháp luật về phòng, chống BLGĐ; giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; phê phán, lên án các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống BLGĐ.
Tổ chức bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ và kỹ năng cho cán bộ làm công tác phòng, chống BLGĐ các cấp. Tổ chức, triển khai hiệu quả mạng lưới quốc gia về phòng, chống BLGĐ.
Bộ Công an xây dựng hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý đảm bảo tính răn đe, giáo dục để phòng ngừa nguy cơ tái diễn và hỗ trợ kịp thời cho nạn nhân BLGĐ; nhân rộng Mô hình Đội phản ứng nhanh về phòng, chống BLGĐ; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực phòng, chống BLGĐ.
UBND các cấp bố trí cán bộ làm công tác gia đình và xây dựng đội ngũ cộng tác viên về dân số, gia đình và trẻ em ở cơ sở; quy định trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương để xảy ra tình trạng BLGĐ.