Hình ảnh các cửa hàng cầm đồ khiến nhiều người nhầm lẫn với Điện máy Xanh và Thế giới di động |
Có thể vi phạm đạo đức kinh doanh
Theo ghi nhận, cả hai cửa hàng này đều sử dụng biển hiệu với màu sắc, phông chữ cũng như hình ảnh nhận diện thương hiệu gần y hệt hai hệ thống bán lẻ lớn là Điện Máy Xanh và Thế giới di động.
Việc những tấm biển hiệu kia xuất hiện khiến cho không ít người lầm tưởng Điện máy Xanh và Thế giới di động đã nhảy sang lĩnh vực… cầm đồ. Nhiều người cho hay, rõ ràng “cửa hàng cầm đồ xanh” và “thế giới cầm đồ” đã ăn cắp ý tưởng, lợi dụng sự nổi tiếng của thương hiệu, tên thương mại Điện máy xanh và Thế giới di động để xây dựng bảng hiệu cho mình. Phóng viên PLVN đã liên hệ phía Thế giới di động để ghi nhận ý kiến nhưng hiện công ty chưa có phản hồi.
Trước tình huống này, luật sư Lê Quang Vinh, Công ty BROSS & Partners, chuyên gia về sở hữu trí tuệ có những phân tích để giúp bạn đọc có cái nhìn rõ hơn về vụ việc. Luật sư Vinh nêu: Hai biển hiệu ở cột bên phải ở bảng trên (xem ảnh) đều là của Công ty CP Thế giới di động trong khi ở cột bên trái tương ứng là hình ảnh biển hiệu nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của Công ty CP Thế giới di động.
Bằng cách so sánh, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy cấu trúc, cách trình bày của biển hiệu nghi ngờ xâm phạm thứ nhất dường như đã copy y nguyên một số yếu tố thuộc biển hiệu Điện Máy Xanh, cụ thể như viền của biển màu vàng bên trong nền biển màu xanh da trời, màu sắc chữ Cầm Đồ Xanh cũng có màu vàng sậm như cụm chữ Điện Máy Xanh.
Tuy vậy sự khác nhau căn bản giữa 2 biển hiệu này ở chỗ biển hiệu nghi ngờ xâm phạm thứ nhất không copy logo hình người (được tạo thành bởi các hình thoi và hình tròn có màu đen) được đặt trên nền một hình tròn có nền màu vàng sẫm thuộc biển hiệu Điện Máy Xanh. Và thứ nữa là cụm từ màu vàng có mặt trên nền màu xanh da trời ở hai biển hiệu là khác nhau: Cầm Đồ Xanh và Điện Máy Xanh.
Gần tương tự như biển hiệu nghi ngờ xâm phạm thứ nhất, biển hiệu nghi ngờ xâm phạm thứ hai cũng copy có vẻ như gần y nguyên nền xám đen có viền màu vàng của biển hiệu Thegioididong. Sự khác nhau giữa 2 biển hiệu này cũng xuất hiện ở chỗ không có logo hình người (được tạo thành bởi các hình thoi và hình tròn có màu đen) được đặt trên nền một hình tròn có nền màu vàng sẫm trên biển hiệu nghi ngờ xâm phạm thứ hai. Và dòng chữ có mặt trên biển hiệu nghi ngờ xâm phạm thứ hai là “Thế giới cầm đồ” so với “thegioididong.com” ở biển hiệu Thegioididong.
Xét ở khía cạnh đạo đức kinh doanh cũng có thể có quan điểm cho rằng việc copy nêu trên bởi công ty cầm đồ là đạo, nhái hoặc ăn theo hình ảnh quen thuộc trong nhận diện thương hiệu của người khác.
Luật không xử lý được?
Dưới góc độ pháp lý thì câu chuyện có thể hoàn toàn khác. Cụ thể là liệu Công ty CP Thế giới di động có thể sử dụng công cụ pháp lý để ngăn chặn thành công việc sử dụng của công ty cầm đồ có 2 biển hiệu nghi ngờ xâm phạm nêu trên hay không?
Theo pháp luật hiện hành, Công ty CP Thế giới di động (chủ thể quyền) có thể bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và chống cạnh tranh không lành mạnh bằng cách viện dẫn đến một hoặc nhiều đối tượng quyền sở hữu trí tuệ mà chủ thể quyền cho rằng họ có quyền đó và quyền đó được pháp luật bảo vệ. Những đối tượng quyền sở hữu trí tuệ mà chủ thể quyền có thể viện dẫn gồm: (1) xử lý hành vi xâm phạm quyền độc quyền nhãn hiệu đã đăng ký theo Điều 129 Luật sở hữu trí tuệ, (2) xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan tới sở hữu trí tuệ theo Điều 130 Luật Sở hữu trí tuệ xâm phạm quyền độc quyền nhãn hiệu đã đăng ký, (3) xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả theo Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ.
Theo quy tắc chung, để hành vi sử dụng 2 biển hiệu nghi ngờ xâm phạm là xâm phạm quyền nhãn hiệu và bản quyền tác giả, 4 căn cứ sau phải được thỏa mãn: (a) đối tượng bị xem xét thuộc phạm vi các đối tượng đang được bảo hộ dưới dạng nhãn hiệu, (b) có yếu tố xâm phạm trong đối tượng bị xem xét, (c) người thực hiện hành vi bị xem xét không phải là chủ thể quyền sở hữu trí tuệ và không phải là người được pháp luật hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép, và (d) hành vi bị xem xét xảy ra tại Việt Nam.
Về khả năng xử lý hành vi xâm phạm quyền độc quyền nhãn hiệu đã đăng ký theo Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ thấy rằng điều kiện (a) và (b) nêu trên là quan trọng nhất. Theo đó, có căn cứ cho thấy cả 2 điều kiện này hoặc ít nhất một điều kiện không đáp ứng (nghĩa là khả năng gây nhầm lẫn cho khách hàng không tồn tại).
Do vậy, không có căn cứ xử lý chủ thể thực hiện hành vi quảng cáo 2 biển hiệu nghi ngờ xâm phạm vì: Cầm đồ Xanh, Thế giới cầm đồ khác với Điện Máy Xanh và Thegioididong.com về cấu trúc và phát âm dù cho cùng sử dụng chữ “Xanh”, “Thế Giới”, viền biển màu vàng và nền màu xanh nước biển...
Dịch vụ cầm đồ mang bản chất là dịch vụ cho vay vốn trên cơ sở cầm đồ là tài sản của khách hàng để đảm bảo nghĩa vụ hoàn trả tiền cho bên cầm đồ. Theo đó, nó hoàn toàn khác biệt với lĩnh vực kinh doanh sản phẩm đồ điện gia dụng và dịch vụ bán buôn bán lẻ đồ điện gia dụng.
Việc đánh giá xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo Điều 130 Luật Sở hữu trí tuệ cũng gần tương tự như nhãn hiệu. Nghĩa là vẫn phải chứng minh được có khả năng gây nhầm lẫn, cụ thể gồm 2 điều kiện: (1) chủ thể quyền sử dụng trước chỉ dẫn thương mại một cách rộng rãi, ổn định trong hoạt động kinh doanh hợp pháp tại Việt Nam, được người tiêu dùng biết đến uy tín của chủ thể quyền và hàng hóa, dịch vụ mang chỉ dẫn thương mại đó. Và (2) bên nghi ngờ xâm phạm phải đã và đang sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn với chủ thể quyền. Nghĩa là chỉ dẫn thương mại đó một mặt phải gây nhầm lẫn với chỉ dẫn thương mại của chủ thể quyền và các chỉ dẫn thương mại đó phải gắn liền với hàng hóa/dịch vụ trùng hoặc tương tự với nhau. Theo quy tắc đó, chúng tôi thấy rằng 2 điều kiện trên, đặc biệt là điều kiện 2 không đáp ứng do lĩnh vực kinh doanh khác nhau.
Về khả năng xử lý xâm phạm bản quyền tác giả, chúng tôi thấy rằng căn cứ xác định yếu tố xâm phạm quyền tác giả là phạm vi bảo hộ quyền tác giả được xác định theo hình thức thể hiện bản gốc tác phẩm. Được xác định theo nhân vật, hình tượng, cách thể hiện tính cách nhân vật, hình tượng, tình tiết của tác phẩm gốc trong trường hợp xác định yếu tố xâm phạm đối với tác phẩm phái sinh. Trong khi đó, các yếu tố xâm phạm được coi là thỏa mãn khi và chỉ khi thuộc một trong các dạng như: a) bản sao tác phẩm được tạo ra một cách trái phép; b) tác phẩm phái sinh được tạo ra một cách trái phép; c) tác phẩm giả mạo tên, chữ ký của tác giả, mạo danh hoặc chiếm đoạt quyền tác giả.
Như vậy, xem cách thể hiện biển hiệu của chủ thể quyền có thể thấy rằng ngoại trừ logo hình người được đặt trên nền một hình tròn có nền màu vàng sẫm có thể được xem là một tác phẩm mỹ thuật ứng dụng và được bảo hộ theo pháp luật về bảo hộ quyền tác giả. Nhưng các biển hiệu nghi ngờ xâm phạm không hề copy tác phẩm này. Do không còn có tác phẩm nào khác có mặt trên biển hiệu của chủ thể quyền nữa nên cũng không có căn cứ xử lý theo pháp luật quyền tác giả.