Dấu hiệu trẻ bị biến chứng sau tiêm văcxin cần lưu ý

Sau tiêm, nếu cha mẹ thấy con kích thích vật vã, lờ đờ, bú kém... cần đưa đi bệnh viện ngay.

Tiêm văcxin tức là đưa một “chất lạ” vào trong cơ thể. Vì thế, bất kỳ loại văcxin nào dù tốt đến đâu cũng sẽ có một số tác dụng phụ ngoài ý muốn. Mỗi cá thể có phản ứng với văcxin ở các mức độ khác nhau. Hầu hết chỉ có các phản ứng nhẹ như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm và tự khỏi sau 24 giờ.

Phản ứng thông thường gần như xảy ra ở các loại văcxin. Tuy nhiên, một số ít cơ thể lại có phản ứng mạnh như sốt cao, co giật... thậm chí sốc phản vệ và tử vong. Đó là phản ứng do cơ địa của từng người với văcxin, không phải là do chất lượng văcxin.

Tiến sĩ Trần Minh Điển, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, khuyến cáo cha mẹ cần theo dõi sát trẻ trước, trong và sau khi tiêm để nhận biết kịp thời những biểu hiện bất thường ở trẻ.

Cụ thể, trước khi đưa con đi tiêm chủng, người lớn cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, phiếu tiêm chủng; theo dõi tình trạng sức khoẻ của trẻ. Thông báo cho cán bộ y tế về tiền sử bệnh tật, sử dụng thuốc của trẻ, phản ứng sau tiêm chủng của lần tiêm trước.

Sau tiêm, cần theo dõi trẻ 30 phút tại điểm tiêm, thông báo cho cán bộ y tế nếu có dấu hiệu bất thường như khóc, bứt rứt, khó chịu, nôn, trớ, vết tiêm có quầng đỏ lan rộng, nổi ban.

Sau đó, cha mẹ tiếp tục theo dõi con tại nhà 1-2 ngày, để ý về tinh thần, tình trạng ăn ngủ, nhiệt độ, phát ban, biểu hiện tại chỗ tiêm sưng, đỏ. Không nên cho trẻ bú, ăn khi nằm, bởi bé đang mệt khi bú nằm rất dễ bị sặc sữa.

Theo tiến sĩ Điển, cha mẹ cần đưa con đi viện ngay khi có các dấu hiệu sau:

- Sốt cao trên 39 độ C, khó hạ nhiệt độ hoặc sốt kéo dài hơn 24 giờ.

- Quấy khóc dai dẳng, kích thích vật vã, lờ đờ...

- Khó thở, rút lõm hõm ức, bụng, tím môi, thở ậm ạch.

- Da nổi vân tím, chi lạnh.

- Nôn trớ nhiều lần, bỏ bữa ăn, bú kém, bỏ bú.

- Co giật.

- Phát ban.

- Trẻ có biểu hiện bất thường khác về sức khỏe khiến cha mẹ lo lắng.

“Khi quan sát thấy con có dấu hiệu kích thích, lờ đờ, cha mẹ cần đưa đi viện ngay. Khi da bé nổi vân tím, chi lạnh mới đưa vào viện thì đã muộn”, tiến sĩ Điển nói.

Bên cạnh đó, không tự ý sử dụng thuốc cho bé tại nhà, mà uống thuốc theo chỉ dẫn của cán bộ y tế. Khi trẻ sốt cần cặp nhiệt độ, theo dõi sát, chườm nước ấm, nới rộng quần áo...

Tin cùng chuyên mục

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi.

Đau đầu kéo dài, bé gái 9 tuổi được phát hiện có khối u não lớn

(PLVN) - Bệnh viện E vừa phẫu thuật thành công cho một bệnh nhi nữ 9 tuổi, có khối u màng não lớn. Đây là ca bệnh khó vì người bệnh nhỏ tuổi, kích thước khối u lớn, nằm ở vị trí nguy hiểm, buộc phải phẫu thuật nếu không sẽ đe dọa đến chức năng thần kinh và tính mạng người bệnh.

Đọc thêm

Suýt tử vong vì mắc căn bệnh thường gặp rồi đi uống thuốc nam

Các xét nghiệm cho thấy có tình trạng rối loạn đông máu trầm trọng, số lượng tiểu cầu giảm sâu, men gan tăng cao, suy các cơ quan. Ảnh: BVCC
(PLVN) - Thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Khoa Cấp Cứu của đơn vị vừa tiếp nhận bệnh nhân nữ 17 tuổi, đến từ Bắc Giang. Cách vào viện 5 ngày, bệnh nhân xuất hiện mụn nước nhiều vùng lưng, ngực không rõ sốt kèm theo mệt nhiều. Đặc biệt, trước đó, bệnh nhân có tiếp xúc với em gái ruột bị thủy đậu đã khỏi.