Không ngừng thúc đẩy hợp tác song phương
Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Nhà nước thăm chính thức Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa từ ngày 30/10 đến ngày 2/11/2022. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long vinh dự được tham gia Đoàn đại biểu với tư cách Thành viên chính thức.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình đã cùng chứng kiến công bố 13 văn kiện đã được các ban, bộ, ngành, trung ương và địa phương ký kết. Trong đó có Bản Ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Trung Hoa năm 2022 thay thế Nghị định thư hợp tác giữa Bộ Tư pháp nước CHXHCN Việt Nam và Bộ Tư pháp Cộng hòa nhân dân Trung Hoa năm 1997.
Ngoài ra, trong “Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc về tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc” trong khuôn khổ chuyến thăm, lần đầu tiên nội dung hợp tác về pháp luật và tư pháp giữa hai nước được đưa vào Tuyên bố chung, cụ thể, “hai bên nhất trí tiếp tục củng cố và tăng cường quan hệ hợp tác về pháp luật và tư pháp giữa hai nước nhằm tạo cơ sở pháp lý tăng cường hợp tác toàn diện trong các lĩnh vực giữa Việt Nam và Trung Quốc”.
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Hungary của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, vào ngày 27/6/2022, Chương trình hợp tác giữa hai Bộ Tư pháp giai đoạn 2022-2023 vừa được ký kết tại Tòa nhà Quốc hội Hungary trước sự chứng kiến của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Hungary László Kovér tiếp tục tạo nền móng vững chắc cho quan hệ hợp tác giữa Bộ Tư pháp hai nước.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng hai nước cũng đã tổ chức buổi làm việc song phương để trao đổi các biện pháp thúc đẩy hơn nữa hợp tác pháp luật và tư pháp giữa hai Bộ Tư pháp. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Việt Nam Lê Thành Long đã ký và trao đổi với Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Tư pháp Anh Dominic Raab “Ý định thư về ký mới Biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Anh và Bắc Ireland”.
Nhận lời mời của Thủ tướng Thái Lan, nguyên Đại tướng Prayut Chan-o-cha, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân đã thăm chính thức Thái Lan vào ngày 16/11/2022, trước khi tham dự Hội nghị Cấp cao APEC tại Băng – cốc. Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Bộ trưởng Lê Thành Long và Tổng Thư ký Văn phòng Tư pháp Thái Lan Teerasak Ngeyvijit đã ký Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự giữa CHXHCN Việt Nam và Vương quốc Thái Lan.
Hiệp định sẽ là căn cứ pháp lý quan trọng góp phần bảo đảm cho công dân của mỗi Bên được hưởng trên lãnh thổ của Bên kia sự bảo hộ pháp lý đối với các quyền nhân thân và tài sản như công dân của Bên kia. Mục đích cuối cùng của Hiệp định này không có gì khác ngoài việc đảm bảo lợi ích của công dân, pháp nhân mỗi nước trong quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Và chỉ môt ngày sau Lễ ký Hiệp định - ngày 17/11/2022 - Bộ Tư pháp Việt Nam cũng chủ trì Diễn đàn Pháp luật ASEAN về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự, qua đó việc ký Hiệp định này càng trở nên có ý nghĩa thực tiễn cả ở tầm khu vực và quốc tế.
Trong năm qua, Bộ tư pháp Việt Nam đã ký trực tuyến 02 văn kiện, bao gồm: Chương trình hợp tác 3 năm trong khuôn khổ Chương trình Đối thoại Nhà nước pháp quyền giữa Bộ Tư pháp Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Tư pháp Liên bang Cộng hòa Liên bang Đức (Giai đoạn từ năm 2022 đến tháng 9/2025) và Kế hoạch hoạt động năm 2022 – 10/2023 thực hiện Chương trình hợp tác 3 năm trong khuôn khổ Chương trình Đối thoại Nhà nước pháp quyền.
Ký trực tiếp 04 văn kiện, bao gồm: Chương trình hợp tác năm 2023 với Bộ Tư pháp Lào; Bản ghi nhớ hợp tác về nâng cao năng lực giải quyết tranh chấp thương mại và đầu tư ngoài tòa án tại Việt Nam; Ý định thư hợp tác về dự án hỗ trợ kỹ thuật với Bộ Tư pháp Cuba; tuyên bố chung về hợp tác với Bang Hessen. Ký luân phiên 05 văn kiện, bao gồm: Bản Ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp giữa Chính phủ CHXHCN Việt Nam và Chính phủ Cộng hòa Nam Phi; Chương trình hợp tác năm 2022-2023 với Bộ Tư pháp Bungari; 03 thỏa thuận để triển khai thực hiện 03 dự án và phi dự án do Bộ Tư pháp là cơ quan chủ quản (với các đối tác UNHCR, UNICEF, UNDP); ký Chương trình hợp tác 03 năm với Bộ Tư pháp Đức; đàm phán thành công và khởi động 02 dự án mới với Ngân hàng thế giới và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc.
Nâng cao vị thế, uy tín của Bộ, ngành Tư pháp
Nhiều hoạt động hợp tác với các đối tác song phương được triển khai thực hiện bên cạnh việc ký kết các Thỏa thuận hợp tác, chương trình, kế hoạch hợp tác, góp phần thắt chặt mối quan hệ hợp tác với một số đối tác quan trọng, duy trì và phát triển với các đối tác tiềm năng. Cụ thể, tiếp tục thúc đẩy hợp tác pháp luật, tư pháp với Liên bang Nga thông qua việc tham dự Diễn đàn Pháp lý quốc tế Xanh Pê-téc-bua theo hình thức trực tuyến; ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch hoạt động năm 2022 của Tổ công tác hỗn hợp Việt Nam - Liên bang Nga, trong đó nổi bật là tổ chức Tọa đàm trực tuyến về Rà soát đánh giá tình hình thực hiện Hiệp định Tương trợ tư pháp và pháp lý trong lĩnh vực dân sự và hình sự giữa Việt Nam và LB Nga trong tháng 3/2022.
Tham gia Phiên họp lần thứ 6 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam-Singapore triển khai Bản Ghi nhớ giữa hai Bên trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp; Trao đổi, đàm phán với các đối tác về khả năng hợp tác và hình thành các dự án, phi dự án hợp tác hỗ trợ hoạt động chuyên môn của Bộ Tư pháp và các cơ quan tư pháp nói chung, nhưnghiên cứu, đề xuất và báo cáo Lãnh đạo Bộ về xây dựng Dự án hỗ trợ kỹ thuật cho Bộ Tư pháp Cuba; trao đổi về xây dựng các dự án, phi dự án ODA dành cho Bộ Tư pháp.
Đặc biệt, năm 2022 còn đánh dấu việc tổ chức thành công Hội nghị Tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam-Lào mở rộng lần thứ 5 kết hợp tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm quan hệ hợp tác giữa hai Bộ Tư pháp (từ ngày 21-24/8/2022). Hội nghị do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Việt Nam Lê Thành Long và Bộ trưởng Lào Phayvy Siboualypha đồng chủ trì.
Hội nghị có ý nghĩa quan trọng, đưa ra những kiến nghị và đề xuất hoàn thiện cơ chế phối hợp linh hoạt, kịp thời và thực chất giữa hai Bộ Tư pháp và các cơ quan tư pháp địa phương, bảo đảm điều kiện thuận lợi cho nhân dân sinh sống dọc biên giới hai nước được ổn định và phát triển, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân. Đồng thời, đưa ra các giải pháp giải quyết các vấn đề pháp lý liên quan đến người dân hai nước.
2022 cũng là năm Bộ Tư pháp chủ trì tổ chức thành công Diễn đàn pháp luật ASEAN với chủ đề “Kinh nghiệm quốc tế trong thực hiện tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự và thương mại trong khuôn khổ Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế” được tổ chức kết hợp trực tiếp và trực tuyến với sự tham gia của hơn 80 đại biểu trong nước và quốc tế. Điều này đã khẳng định sự tham gia tích cực của Việt Nam vào Hội nghị La Hay, đồng thời thực hiện mục tiêu liên kết sâu rộng và ràng buộc hơn trên cơ sở pháp lý, vì một cộng đồng “gắn kết chính trị, liên kết về kinh tế, có trách nhiệm về xã hội và mở rộng hợp tác với bên ngoài” của ASEAN.
Quan hệ hợp tác đa phương tiếp tục được thúc đẩy, khẳng định vai trò thành viên tích cực trong các tổ chức quốc tế khu vực và toàn cầu mà Việt Nam đã tham gia, nổi bật là tham gia với tinh thần trách nhiệm cao vào Hội nghị quan chức pháp luật cao cấp ASEAN lần thứ 21 (ASLOM 21); tích cựchợp tác với EU với việc đồng chủ trì thành công Phiên họp lần thứ hai Tiểu ban Nhân quyền và Quản trị tốt, Pháp quyền và Quyền con người Việt Nam – EU; tham gia Hội nghị thường niên của Tổ chức Luật phát triển quốc tế IDLO.
Các Dự án, chương trình do Bộ Tư pháp được giao làm cơ quan chủ quản (EUJULE, JICA...) tiếp tục được quản lý chặt chẽ. Đàm phán thành công 02 dự án mới với WB và UNICEF cũng như một số phi dự án qua đó kịp thời hỗ trợ kinh nghiệm quốc tế cho việc triển khai các nhiệm vụ của Bộ, ngành.
Ngoài ra, quan hệ hợp tác với các định chế kinh tế, tài chính thế giới (IFC, WB, OECD) cũng tiếp tục được thúc đẩy với việc triển khai thực hiện Biên bản ghi nhớ hợp tác với IFC trong lĩnh vực bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm đã ký trong năm 2021; khởi động Dự án ODA về tăng cường trợ giúp pháp lý cho người nghèo và nhóm đối tượng yếu thế do Ngân hàng Thế giới tài trợ.