Đất... lừa chim đậu

Cánh đồng nom vẫn hiền hòa và yên bình như bao đời nay trở thành bãi đáp tử thần đối với các loài chim khi lưới bủa giăng khắp nơi, tiếng chim râm ran khắp mặt đất, vọng thấu trời đêm, mời gọi chim sà xuống.

Huyện Yên Hưng (Quảng Ninh) từng được coi là nơi đất lành chim đậu khi cứ mỗi dịp cuối Thu, chớm Đông là các loài chim di cư lại chọn mảnh đất này làm điểm dừng chân bởi sự mời gọi từ những cánh đồng trù phú, những đầm ao, sông nước tạo ra điều kiện sinh thái lý tưởng để chúng nghỉ lấy hơi. Tuy nhiên, bởi mưu sinh mà nhiều người dân nơi đây đã tận diệt những đàn chim trời một cách không thương tiếc. Hệ quả, Yên Hưng từ đất lành đã trở thành nơi đất... lừa chim đậu!

Bài 1: Bãi đáp tử thần

Nửa đêm về sáng, nghe tiếng gọi của đồng loại, các loài chim trời, chim di cư sà xuống đồng nước Yên Hưng để nghỉ chân mà không biết rằng đó là những bãi đáp tử thần.

Khi những cơn gió heo may, gió bấc đầu mùa chớm về nơi đầu sông Bạch Đằng - đoạn chảy qua huyện Yên Hưng, đó cũng là lúc mùa săn chim bắt đầu...

Hồi ức đẹp

“Chỉ tầm 10 năm trở về trước, cứ độ này là trời Yên Hưng lại đặc kín những loài chim, từ những con chim dân dã như cò trắng, cò lửa, quý hơn một chút như bìm bịp, vạc, rẽ gà, rẽ giun, cuốc nước. Rồi cả các loại chim quý như vịt trời, sâm cầm đều chọn Yên Hưng làm điểm dừng nghỉ trên chặng đường di cư” - một lão niên ở xã Tiền An, huyện Yên Hưng bâng khuâng với cái ký ức đẹp về những mùa chim di cư cách đây chưa lâu... 

1
Căn chòi dã chiến của gia đình thợ săn chim

Chung dòng hoài niệm đó, anh Tuấn (42 tuổi, ở thị trấn Quảng Yên, huyện Yên Hưng) hồi tưởng: “Tuổi thơ của tôi trên mảnh đất Yên Hưng này gắn liền với những buổi bắt chim cùng chúng bạn. Ngày đó, cứ đến độ Tết Trung thu trở đi là chim bay về rợp trời và đám trẻ con chúng tôi lại cầm cây sào ra cánh đồng hoặc khoảng đất trống ven đầm, ven bãi rồi giơ gậy lên trời mà vụt. Chỉ khoảng vài chục lần văng cây sào bâng quơ là chắc chắn có cả chục chú chim “dính đòn”.

Ngày đó, trẻ con hay ra đồng vào ban đêm, cầm theo cái vợt lưới và những lốp xe cao su hỏng rồi đốt lên soi thì bắt được cả trăm con là bình thường. Còn nhớ những lúc cánh đồng đã gặt hết, chỉ còn trơ lại mô hoặc gốc rạ thôi, chim không còn chỗ lẩn thì bắt mỏi tay. Ngày ấy chim trời nhiều đến độ những loài như cò, cuốc chả mấy người thèm ăn”.

“Cò trắng, cò đen đậu kín những vườn vải. Sáo trắng, sáo đen đậu đầy trên lưng trâu mà bắt ruồi, muỗi. Cào cào, châu chấu chẳng cần phun thuốc sâu cũng chẳng có đất sống vì bị các loài chim săn đuổi... Những hình ảnh ấy giờ chỉ còn trong dĩ vãng” - anh Tuấn bồi hồi. 

Đêm săn chim

Trong vai những khách du lịch thích khám phá thiên nhiên, phóng viên được một người dân địa phương dẫn tới gặp thợ săn chim tên Thụy, nhà ở đầm Hai Xã thuộc địa bàn xã Yên Giang, huyện Yên Hưng. Theo một thợ săn chim chuyên nghiệp ở vùng đất này tên là Tài “đen” (ở xã Hiệp Hòa) thì Thụy có thể coi là cao thủ săn chim giỏi nhất huyện Yên Hưng.

4
Từng này chim trời chưa làm vợ Thụy hài lòng

Đêm hôm ấy rơi vào đầu tháng 8 âm lịch (tháng 9/2010). Theo lời Tài “đen”, lúc đó là thời điểm mà chim trời chưa về nhiều, nhưng với tài năng của Thụy thì đã ra đồng là nhất định sẽ bắt được chim. Thụy nhận lời cho chúng tôi theo chân cũng bởi khi ấy chim chưa về nhiều nên sự có mặt của chúng tôi không mấy ảnh hưởng tới công việc của anh ta.

Cuộc đi săn bắt đầu từ khoảng 3h sáng. Thụy đón chúng tôi bằng một chiếc thuyền nan. Trước đó, ngay từ chập tối, hai cô con gái đang học cấp 2 và cậu con trai mới 9 tuổi của Thụy đã ra cá́nh đồng, nơi giăng lưới bẫy chim để chuẩn bị đồ nghề, giăng lưới, sắp đặt loa đài phát ra tiếng kêu của các loài chim rồi ngủ lại chòi nhỏ được dựng lên tạm bợ giữa cánh đồng.

Chông chênh trên chiếc thuyền nan, chúng tôi nghe Thụy kể chuyện nghề. Vừa kể, Thụy vẫn không quên lia đèn vào các bờ bụi ven đầm. Một, hai, ba rồi cả chục chú chim bị đèn pha gắn trên đầu Thụy soi thẳng vào mắt, đứng nguyên không có phản ứng. Lấy cây sào dài chừng 4m có gắn vợt lưới ở phía trên, dừng chiếc thuyền lại, Thụy liên tục ụp nhanh thẳng từ phía trên xuống rồi vòng ngược lên và những con cuốc, con cò cứ thế ngoan ngoãn nằm gọn trong vợt lưới. Thu vợt vào, Thụy bắt lấy những chú chim rồi khóa cánh lại ném gọn vào trong cái túi cước.

Quay ra nhìn chúng tôi, Thụy tự hào khoe: “Không phải tự hào với các chú, nhưng ở cái đất này, nếu anh mà không săn được chim thì chẳng thằng nào làm được cả. Riêng món vợt chim, anh soi thấy 10 con thì ít cũng phải vợt được 9 con”. Theo lời thợ săn này, bí quyết bắt chim bằng đèn là phải soi vào mắt chim, sao cho không chệch một ly, nếu không, chim sẽ vỗ cánh về trời...

Bãi đáp tử thần

Đi một vòng quanh đầm mất khoảng 30 phút, Thụy cho chúng tôi lên bãi săn của anh ta. Đây được coi là nơi có vị thế đắc địa, chim rất ưa dừng nghỉ bởi có đầm nước rộng cả héc ta và một cánh đồng bao la gần cửa sông. Dưới sự sắp đặt của gia đình người thợ săn này, cánh đồng nom vẫn hiền hòa và yên bình như bao đời nay nhưng thực ra nó đã trở thành bãi đáp tử thần đối với các loài chim khi lưới được bủa giăng khắp nơi, tiếng chim đủ các loại râm ran vang lên khắp mặt đất, vọng thấu trời đêm, mời gọi các loài chim sà xuống.

Trong căn chòi dã chiến tọa lạc kín đáo trên cánh đồng, vợ Thụy cùng những đứa con vừa tiếp chuyện chúng tôi, vừa liên tục đảo mắt nhìn tứ phía, nơi có những tấm lưới giăng lên chạy nhằng nhịt khắp đồng nước. Cách căn chòi chừng 20m là một chiếc loa được giấu kín vào bụi rậm, phát ra các tiếng kêu của cò, cuốc, bìm bịp...

Chúng tôi vô cùng ngạc nhiên khi những đứa trẻ cứ chạy trên những bờ ruộng nhỏ thoăn thoắt rồi lại mang về vài chú cò, cuốc. Mẹ của chúng tự hào: “Đố các chú nhìn thấy chim trong buổi tối như thế này đấy!”.

11 triệu đồng một ngày săn chim: Vào dịp săn chim chính vụ năm ngoái (2009), Thụy từng khiến dư luận địa phương xôn xao bởi tiền bán chim bắt được trong một đêm lên tới 11 triệu đồng. Theo lý giải của Tài “đen”, sở dĩ Thụy trúng quả đậm này là vì hôm đó Thụy gặp đàn cò nước đuôi đen và đã bắt được vài trăm con (bán được trên 30.000 đồng/con).

Cả tạ chim bị bắt trong đêm: Còn theo ông Vũ Quang Lân - Chánh Văn phòng UBND huyện Yên Hưng - thì trong những năm trước đây, thi thoảng có đoàn kiểm tra về hiện tượng săn bắt chim trái phép đã phát hiện có những gia đình bắt được cả tạ chim trong đêm. 

Buổi đi săn nhanh chóng trôi qua trong sự ngỡ ngàng của nhóm phóng viên. 6h sáng, cả đoàn quay lại thuyền để vượt đầm về nhà. “Chiến lợi phẩm” mà gia đình Thụy đem về có hơn 50 con cò các loại cùng vài con chim rẽ đất. Tưởng rằng khi chưa vào chính vụ săn thì từng ấy chim đã là đáng kể lắm rồi, thế nhưng khi phân loại các loài chim, vợ Thụy vẫn thở dài thườn thượt: “Bình thường, nhà tôi săn được cả trăm con cò mỗi ngày nên hôm nay là một ngày thất bát...”./.

Thọ Phước - Văn Minh

(Kỳ tới: Kỹ nghệ săn chim)

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Bắt 'bà trùm' ma túy Hương 'Chăm'

Nguyễn Thị Hương và đồng bọn. Ảnh: CACC
(PLVN) - Nguyễn Thị Hương (tức Hương “Chăm”) đã móc nối với một số đối tượng tỉnh ngoài và các đối tượng "cộm cán" trên địa bàn TP Thanh Hóa hình thành đường dây mua bán trái phép chất ma túy liên tỉnh.

Đắk Lắk cung cấp hồ sơ các dự án trồng cây xanh theo yêu cầu của Bộ Công an

Một khu phố xanh tại đô thị TP. Buôn Ma Thuột.
(PLVN) -Ngày 5/5, sau yêu cầu của Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Bộ Công an, về việc yêu cầu cung cấp chứng cứ, đồ vật, tài liệu hồ sơ liên quan đến các dự án trồng, chăm sóc cây xanh, chỉnh trang đô thị từ năm 2019 đến hết năm 2023, UBND tỉnh Đắk Lắk đã giao các đơn vị hữu quan tổng hợp, báo cáo tỉnh để cung cấp hồ sơ theo yêu cầu của Cơ quan ANĐT.