'Đào, phở và piano': Một Hà Nội chân thực và lãng mạn thời chiến

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Cùng với việc khắc họa vẻ đẹp con người trong những ngày kháng chiến chống Pháp, "Đào, phở và piano" mang đến cho khán giả nhiều cảm xúc thông qua câu chuyện tình yêu của anh dân quân và cô tiểu thư Hà thành.

*Bài viết có tiết lộ nội dung phim

Ra mắt vào dịp Tết Nguyên đán 2024, "Đào, phở và piano" chỉ được chiếu tại một rạp duy nhất là Trung tâm Chiếu phim Quốc gia (Hà Nội). Song sau hơn 1 tuần ra rạp "không kèn không trống", phim bất ngờ tạo thành cơn sốt, được khán giả chia sẻ, bàn tán sôi nổi trên mạng xã hội.

Không ít người gọi tác phẩm của đạo diễn Phi Tiến Sơn là ca lạ - "có một không hai" của phòng vé Việt trong những ngày đầu năm mới vì không chỉ khiến hệ thống bán vé của Trung tâm Chiếu phim Quốc gia liên tục "sập" do lượng truy cập tăng đột biến, mà còn khiến đông đảo khán giả, đặc biệt là các khán giả trẻ không ngại ngần "đội mưa", dậy sớm, xếp hàng để có thể mua được vé xem phim.

Câu chuyện đẹp và hoài niệm

"Đào, phở và piano" lấy bối cảnh ngày 17/2/1947 khi quân và dân Hà Nội kết thúc 60 ngày đêm chiến đấu chống Pháp, đồng thời di chuyển lên chiến khu chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ.

Trong bầu không khí bao trùm bom đạn, câu chuyện về những người dân thủ đô yêu nước, quả cảm nhưng cũng đầy hào hoa và lãng mạn được tái hiện đầy hoài niệm và cảm xúc.

Đó là tình yêu của anh dân quân tự vệ Văn Dân (Doãn Quốc Đam) và cô tiểu thư Hà thành Thục Hương (Cao Thị Thùy Linh). Là ông hoạ sỹ già (Trần Lực) - người luôn ấp ủ về một bức tranh để đời.

Là vợ chồng hàng phở (Anh Tuấn, Nguyệt Hằng) mong nấu nồi phở đủ vị trước khi đi sơ tán. Là cậu bé đánh giày (Thiện Hùng) hồn nhiên trong sáng - luôn mong muốn được cùng tham gia chiến đấu cùng các anh dân quân tự vệ.

Là vị cha xứ (NSND Trung Hiếu) muốn lánh đời nhưng vẫn nỗ lực tổ chức hôn lễ cho cặp đôi trẻ. Là Me-xừ Phán (Tuấn Hưng) đầy nghi ngờ khả năng kháng cự của chiến lũy, nhưng vẫn phân biệt rất rõ thiện ác...

Đa phần các nhân vật trong phim đều không tên tuổi, nhưng đó được xem là chủ ý của đạo diễn khi xây dựng những nhân vật riêng để kết nối với bức tranh tổng thể - những con người sẵn sàng tương trợ, giúp đỡ nhau trong những thời khắc khó khăn, hiểm nguy nhất.

"Đào, phở và piano" tái hiện chân thực về hình ảnh Hà Nội thời chiến. Ảnh: NSX

"Đào, phở và piano" tái hiện chân thực về hình ảnh Hà Nội thời chiến. Ảnh: NSX

Không khó để nhận thấy, xuyên suốt bộ phim hình ảnh đào, phở và piano được lồng ghép vào câu chuyện của các nhân vật, tạo nên một bối cảnh vừa khốc liệt lại vừa có chất thơ nhẹ nhàng.

Nếu như đào - biểu tượng ngày Tết được xem là hy vọng về sự sum vầy, đoàn viên thì phở là món ăn đầy hương vị, chứa đựng nét tinh tuý ẩm thực của người Hà Nội. Trong khi đó, tiếng đàn piano là biểu tượng của nghệ thuật, sự lãng mạn, bay bổng.

Thông qua 3 biểu tượng "đinh", phim khéo léo kết hợp những tình tiết gần gũi, bình dị và hài hước. Đó là khi Văn Dân tưởng tượng về viễn cảnh đẹp - mang đạn dược về cho đồng đội, hay khi anh nâng niu, nhặt từng bông hoa đào bị rụng để mang về nơi chiến lũy.

Là vợ chồng hàng phở dù chiến tranh thiếu thốn vẫn quyết phải có nắm hành thơm Nhật Tân cho vào bát phở. Là hình ảnh bát phở nóng hổi, với đầy đủ gia vị chanh ớt, giấm tỏi thơm ngon như trong tưởng tượng của cậu bé đánh giày.

Là cảnh Me-xừ Phán lái xe lạng lách trên phố để giúp Văn Dân (Doãn Quốc Đam) tránh cuộc truy đuổi của quân Pháp. Là cách nói chuyện phóng túng, có phần bất cần, không sợ chết của ông hoạ sỹ già...

Đặc biệt, khoảnh khắc cuối cùng khi Văn Dân dù mắt bị mù và tai không nghe được gì do sức ép của bom đạn vẫn quyết tâm chiến đấu với quân địch, hay Thục Hương dù sợ hãi nhưng vẫn sẵn sàng cầm bom ba càng lao vào xe tăng địch - "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" khiến nhiều khán giả vỡ òa.

Các nhân vật trong phim đa phần không tên tuổi nhưng "sắm" nhiều vai trò khác biệt. Ảnh: NSX

Các nhân vật trong phim đa phần không tên tuổi nhưng "sắm" nhiều vai trò khác biệt. Ảnh: NSX

Bối cảnh chân thực, âm nhạc ấn tượng

Trải qua 100 phút xem "Đào, phở và piano" trên màn ảnh rộng, số đông khán giả dành lời khen cho tác phẩm, khi đã tái hiện chân thực bối cảnh, không khí thời điểm đó.

Hình ảnh cửa hàng tạp hóa, hiệu may, quán ăn… có cả xe tăng, toa tàu điện... hiện lên đều rất Hà Nội. Ngoài ra, phim cũng chú trọng dựng cảnh để gợi lên sức tàn phá ác liệt của chiến tranh và mở rộng bối cảnh ra đường mòn hành quân, bến đò chở từng tốp chiến sĩ lên chiến khu...

Cùng với đó, điểm cộng của "Đào, phở và piano" là sử dụng lối kể chuyện phi tuyến tính song không quá cứng nhắc. Cạnh đó, cách xây dựng tâm lý nhân vật, hay hiệu ứng chuyển thời gian, sử dụng 2 gam màu - tối, xám để tái hiện đúng với 2 thời kỳ - chiến tranh và hoà bình cũng mang tính điện ảnh.

Chia sẻ cùng phóng viên Pháp luật Việt Nam, bà Bùi Thị Kham (88 tuổi, Quận 8, TP HCM) mắt đỏ hoe và không giấu được sự xúc động: "Bộ phim hay quá. Vì đã trải qua một giai đoạn của chiến tranh, nên khi được xem lại những thước phim này, tôi nhớ lại giai đoạn Tổ quốc mình đã phải lâm nguy. Tôi thấy thương và biết ơn những con người Việt Nam gian khổ nhưng kiên cường".

Trong khi khán giả Hà Chi (28 tuổi, nhân viên văn phòng) đánh giá "Đào, phở và piano" là bộ phim mang đến góc nhìn khác về sự khốc liệt của chiến tranh, nhưng vẫn chứa đựng vẻ đẹp lãng mạn, thi vị và đầy tình người của Hà Nội. "Với tôi, đây là một bộ phim không hề khó xem, khi vừa có yếu tố tuyên truyền, vừa có yếu tố giải trí và nghệ thuật. Tôi tin rằng, chỉ cần dành thời gian ngẫm lại một chút sau khi xem phim, mọi người sẽ thấy 'Đào, phở và piano' trọn vẹn thế nào".

Tác phẩm mang đến cho khán giả nhiều phân cảnh xúc động. Ảnh: NSX

Tác phẩm mang đến cho khán giả nhiều phân cảnh xúc động. Ảnh: NSX

Ngoài ra, âm nhạc của phim là sự được kết hợp thú vị giữa cựu thời - bản ca trù "Chí làm trai", "Đời đáng chán" lẫn tân thời - "Hồn tử sĩ", "Du kích ca", "Suối mơ" cho đến âm nhạc phương Tây - "Lavie En Rose", "Liebestraum", "Bridal Chorus". Tất cả các bản nhạc đều đóng vai trò quan trọng, đẩy cảm xúc cho những phân cảnh nội tâm của nhân vật cũng như phù hợp với bối cảnh thời gian.

Nhưng... vẫn có những điểm trừ

Dù có sự đầu tư về bối cảnh, song thực tế "Đào, phở và piano" vẫn còn nhiều hạn chế. Phim bị chê vì xây dựng tuyến nhân vật dày trong khi không thời lượng không đủ, khiến phim mất sự kết nối.

Bên cạnh đó, phần âm thanh, kỹ xảo của phim cũng bị nhận xét chưa đặc sắc, nhiều câu thoại bằng tiếng Pháp không có phần dịch, gây khó hiểu cho người xem. Hay ở cảnh quay đặc tả bát phở giống như video quảng cáo, lặp lại không cần thiết, trong khi thoại của các nhân vật bị đánh giá mang cảm giác kịch và gồng.

Với số đông khán giả, trong số dàn diễn viên, Doãn Quốc Đam diễn ấn tượng, cảm xúc. Phân đoạn cuối phim, vai Văn Dân của nam diễn viên để lại dấu ấn, đẩy cảm xúc người xem lên cao trào. Trong khi đó, bộ đôi NSND Trung Hiếu, Trần Lực, diễn viên Anh Tuấn, Nguyệt Hằng thể hiện tốt vai diễn của mình, mang đến những thông điệp ý nghĩa.

Điểm trừ lớn đến từ diễn xuất nữ chính Thùy Linh và em bé đánh giày của Thiện Hùng. Nhiều phân cảnh, hai diễn viên "thoại như trả bài", gặp khó khi diễn cảnh tâm lý. Dù vậy, không thể phủ nhận "Đào, phở và piano" vẫn là tác phẩm đáng xem của điện ảnh Việt thời điểm hiện tại.

Tin cùng chuyên mục

Ca sĩ Ngọc Châm hy vọng hát bằng trái tim thì sẽ được mọi người yêu mến. (Ảnh: Bình Quách)

Ca sĩ Ngọc Châm cháy bỏng khi được hát ca khúc mình mê đắm

(PLVN) - Trong chặng đường hoạt động nghệ thuật rất phong phú của mình, Ngọc Châm ở rất nhiều vai trò, nhưng với "Giai nhân 2", cô sẽ chỉ là ca sĩ để được sống trọn vẹn trong tình yêu âm nhạc của một người ca sĩ, để thỏa nỗi khao khát hát của cô bấy lâu nay, để được hát những gì mình thích, mình yêu, mình say đắm.

Đọc thêm

'Tiếng hát Hà Nội 2024' lan tỏa thanh âm của tình yêu Hà Nội

Cuộc thi còn tạo điều kiện phát triển cho những tài năng âm nhạc trẻ. (Ảnh: BTC)
(PLVN) - Cuộc thi “Tiếng hát Hà Nội năm 2024” sẽ tạo cơ hội cho các nghệ sĩ sáng tạo, thể hiện những tác phẩm âm nhạc truyền thống và đương đại với chủ đề về ca ngợi Tổ Quốc, Đảng, Bác Hồ, tình yêu với Thủ đô, quê hương – đất nước góp phần thúc đẩy sự sáng tạo và phát triển nghệ thuật.

MC Cát Tường đề nghị xử lý một số trang tin lấy tên mình 'giật tít câu view' để lừa tiền

Diễn viên - MC Cát Tường
(PLVN) - MC Cát Tường và nhà sản xuất “Bạn muốn hẹn hò” mời luật sư và Thừa phát lại lập vi bằng một số trang tin điện tử, fanpage, facebook, youtube… có hành vi “giật tít câu view”, làm sai lệch thông tin, gây hoang mang dư luận liên quan vụ MC cảnh báo có kẻ gian sử dụng hình ảnh của mình để lừa đảo số tiền lớn.

'Thư gửi mẹ' - sản phẩm truyền thông thực hiện bình đẳng giới lọt vào top 7 đề cử cho Giải thưởng Silvana S Film

'Thư gửi mẹ' - sản phẩm truyền thông thực hiện bình đẳng giới lọt vào top 7 đề cử cho Giải thưởng Silvana S Film
(PLVN) - Giải thưởng Silvana S Film là giải thưởng tôn vinh những bộ phim tài liệu xuất sắc về môi trường và giới trẻ, thuộc khuôn khổ chương trình LENScape: Documentary Shorts from Southeast Asia. Năm nay, Việt Nam tham gia Giải thưởng Silvana S Film với bộ phim tài liệu ngắn “Thư gửi mẹ” do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đồng sản xuất với đạo diễn Hà Lệ Diễm.

Vẻ đẹp từ những thước phim

Vẻ đẹp từ những thước phim
(PLVN) - Thời gian đã phủ lớp bụi lên những thước phim cổ, tấm ảnh cũ, tuy nhiên giá trị của chúng không mất đi. Ngày nay, dù cuộc sống hiện đại hối hả, sôi động với nhiều âm thanh, màu sắc đa dạng trên truyền hình, nhưng nhiều người trẻ vẫn dành tình cảm cho các bức ảnh cũ, thước phim xưa.

Đắm say với “Tình ta Hà Tĩnh”

Cảnh đẹp Hà Tĩnh được nhạc sĩ Ngọc Lê Ninh đưa vào trong ca khúc "Tình ta Hà Tĩnh) (ảnh trong MV).
(PLVN) -  Sau 12 năm ấp ủ, nhà khoa học, nhà thơ, nhạc sỹ Ngọc Lê Ninh cho ra đời ca khúc mang tên “Tình ta Hà Tĩnh”. Với âm hưởng dân ca xứ Nghệ, ca khúc tôn vinh đời sống văn hóa, chính trị, phong tục tập quán, các địa danh nổi tiếng, các đặc sản biển rừng, văn hóa phi vật thể (Ví Dặm, Ca trù Cổ Đạm)... và một tình yêu nồng nàn với mảnh đất nơi đây.

Trao giải Cuộc thi 'Tiếng vang lịch sử: Diễn giải Văn Miếu - Quốc Tử Giám qua hội họa'

Các tác phẩm hội họa đạt giải thưởng cao (ảnh P.V)
(PLVN) - Cuộc thi “Tiếng vang lịch sử: Diễn giải Văn Miếu-Quốc Tử Giám qua hội họa” là “sân chơi” lành mạnh nơi các bạn trẻ cùng nhau sáng tạo, cùng nhau tranh tài, thể hiện cảm xúc, quan điểm của mình qua các tác phẩm hội họa về các công trình kiến trúc, hiện vật, tượng thờ,… tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Cuộc thi Hoa hậu Di sản áo dài Việt Nam 2024 lần đầu tiên được tổ chức

Cuộc thi Hoa hậu Di sản áo dài Việt Nam 2024 lần đầu tiên được tổ chức. (Ảnh: Thùy Dương)
(PLVN) - Với mục đích tìm kiếm người đẹp có đủ “sắc, tâm, tài” để quảng bá hình ảnh của tà áo dài Việt Nam, cuộc thi Hoa hậu Di sản áo dài Việt Nam 2024 lần đầu được tổ chức nhằm phát huy vai trò, năng lực của phụ nữ Việt Nam trong tiến trình hội nhập phát triển, quảng bá đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Liên hoan các ban nhạc toàn quốc năm 2024

BTC thông tin về Liên hoan các Ban nhạc toàn quốc năm 2024. (Ảnh: Thùy Dương)
(PLVN) - Liên hoan các ban nhạc toàn quốc năm 2024 là dịp để các nghệ sĩ đến từ mọi miền cả nước quy tụ gặp gỡ, giao lưu học hỏi, chia sẻ và trao đổi những kinh nghiệm trong hoạt động nghệ thuật, nhằm nâng cao kỹ năng nghiệp vụ, tiếp tục tạo ra những sản phẩm nghệ thuật có chất lượng phục vụ xã hội.