Tín hiệu vui từ “Đào, phở và piano”
Bộ phim “Đào, phở và piano” tái hiện Hà Nội 60 ngày đêm khói lửa, kể về câu chuyện tình yêu của anh tự vệ và cô tiểu thư Hà thành. Họ đã vượt qua gian khó, hiểm nguy để tìm lại nhau vào ngày cuối cùng của cuộc chiến (ngày 17/2/1947), khi quân ta rút ra chiến khu bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ. “Đào, phở và piano” là bộ phim tôn vinh cái đẹp và cốt cách tinh thần của người Hà Nội xưa. Trận chiến gần kề, nhưng từng người dân Thủ đô vẫn hiện lên với vẻ đẹp giản dị, yêu nước, cốt cách hào hoa, phong nhã. Họ yêu cuộc sống nhưng đầy quả cảm và sẵn sàng hy sinh để gìn giữ mảnh đất quê hương. Bộ phim có sự góp mặt của NSND Trung Hiếu, đạo diễn Trần Lực, diễn viên Doãn Quốc Đam, Cao Thùy Linh, Anh Tuấn, ca sĩ Tuấn Hưng...
Đây là phim do Cục Điện ảnh, Bộ VH,TT&DL đặt hàng, Công ty Cổ phần Phim truyện 1 sản xuất. Dự án được đạo diễn Phi Tiến Sơn viết kịch bản và chỉ đạo thực hiện với kinh phí đầu tư 20 tỷ đồng. “Đào, phở và piano” ra mắt công chúng lần đầu tiên vào tháng 9/2023 và đoạt giải Bông sen Bạc tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 23 tổ chức tại tỉnh Lâm Đồng vào tháng 11/2023.
Những tưởng phim đặt hàng thường ít thu hút người xem nhưng sức nóng của phim lịch sử “Đào, phở và piano” bất ngờ tăng. Trung tâm chiếu phim Quốc gia Hà Nội liên tục tăng thêm suất ở phòng chiếu lớn nhất lên đến hơn 400 chỗ. Lượng khán giả có nhu cầu xem phim đông trong khi rạp tăng từ 3 lên 18 suất chiếu/ngày so với thời điểm bộ phim mới ra rạp (ngày 10/2/2024). Bà Mạc Thủy, Trưởng phòng Chiếu phim Trung tâm chiếu phim Quốc gia chia sẻ với truyền thông, riêng trong ngày 21/2/2024, phim “Đào, phở và piano” bán ra 8.129 vé. Ngày 23/2, Trung tâm mở 23 suất chiếu cho “Đào, phở và piano”.
Hà Nội đã có thêm Beta Cinemas phát hành “Đào, phở và piano” với 20 cụm rạp chiếu phim trên khắp 11 tỉnh, thành là tín hiệu vui. Trước sức hút của “Đào, phở và piano”, Cục Điện ảnh vừa có đề xuất với Bộ VH,TT&DL về việc phát hành bộ phim do Nhà nước đặt hàng này trên toàn quốc. Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho biết: “Đào, phở và piano” cùng với “Hồng Hà nữ sĩ” và 6 phim hoạt hình khác là những phim đầu tiên trong dự án thí điểm khai thác chiếu rạp thương mại đối với phim Nhà nước đầu tư kinh phí của Bộ VH,TT&DL.
Theo quy định đặc thù về phát hành phim Nhà nước, các đơn vị nhận phát hành miễn phí và nộp toàn bộ doanh thu về cho Nhà nước. Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành còn cho biết, đến nay, chưa có quy định về trích tỷ lệ trích % phát hành phim do Nhà nước đặt hàng đối với các đơn vị phát hành phim ở hệ thống rạp chiếu tư nhân. Đây là một trong những “nút thắt” đáng tiếc.
Bà Ngô Thị Bích Hạnh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Bình Hạnh Đan (BHD) cho rằng, nếu phim do Nhà nước đặt hàng được chiếu thương mại ngoài hệ thống rạp thì cũng cần trích tỷ lệ % cho đơn vị phát hành. Bởi vì các cụm rạp do Nhà nước quản lý thì có thể 100% doanh thu về ngân sách nhà nước nhưng các rạp chiếu phim tư nhân phải đầu tư rất nhiều chi phí để xây dựng, vận hành hệ thống này, nên không thể phát hành mà không có kinh phí…
Nhiều ý kiến cho rằng, cần có chính sách ưu đãi cụ thể để có thêm các công ty phát hành, rạp chiếu, kể cả tư nhân và nước ngoài, tham gia tích cực hơn vào việc phát hành phim Nhà nước đặt hàng, thay vì chỉ khuyến khích phát hành như hiện nay. Được công chiếu nhiều rạp, những bộ phim thấm đẫm giá trị nhân văn, lịch sử cách mạng có cơ hội đến với đông đảo công chúng, đúng với mong muốn đặt hàng của Nhà nước.
Đầu tư thị trường phát hành
Không chỉ là hiện tượng lạ với điện ảnh Việt, nhất là đối với các phim lịch sử, “Đào, phở và piano” còn được kỳ vọng sẽ là cú hích để tháo gỡ những “nút thắt” cho các tác phẩm điện ảnh do Nhà nước đặt hàng lâu nay. Bởi những năm qua, nhiều bộ phim Nhà nước đặt hàng đã bị khán giả “quay lưng”, phải chịu cảnh thua lỗ nặng nề. Các bộ phim được đầu tư hàng chục tỷ đồng như: “Tâm hồn mẹ”, “Mê”, “Cát nóng”, “Thạch Thảo”, “Truyền thuyết về Quán Tiên”, “Hợp đồng bán mình”, “Maika - Cô bé đến từ hành tinh khác”… vẫn phải chịu số phận hẩm hiu, ít đến được với người xem. Có lẽ bộ phim Nhà nước đặt hàng hiếm hoi thắng lớn về doanh thu và sự lan tỏa là phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”.
Tại Hội thảo Điện ảnh quốc tế “Chính sách và giải pháp phát triển công nghiệp điện ảnh tại Việt Nam và Đông Nam Á” diễn ra tại Hà Nội vào năm 2023, NSND Đặng Nhật Minh khẳng định: “Việc Nhà nước đặt hàng và tài trợ sản xuất phim hằng năm tạo nên nhiều bộ phim hay cho điện ảnh Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, việc chọn lựa phim được Nhà nước hỗ trợ phải kỹ càng hơn. Chỉ đặt hàng một vài nhà làm phim hoặc lựa chọn từ kịch bản có sẵn để hỗ trợ sản xuất thì khó có phim hay. Các cơ quan quản lý nhà nước phải tổ chức các cuộc thi rộng lớn, huy động nhiều đối tượng tham gia, để “đãi cát tìm vàng”, chọn kịch bản tốt, những người làm phim tốt, mới tạo được những bộ phim thành công, hiệu quả”. Đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh chia sẻ thêm, Nhà nước cũng mới chỉ đầu tư về sản xuất phim, chưa cho thấy sự đầu tư ở thị trường phát hành, phổ biến tác phẩm điện ảnh. Hiện, thị trường phát hành phim gần như thả nổi, từ nhập phim đến phổ biến phim.
Khi nhiều dự án phim chiến tranh, phim lịch sử Nhà nước đầu tư ra rạp không bán nổi vé làm nảy sinh định kiến “cứ phim nhà nước là lỗ”, ông Duy Anh - nguyên Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh cho rằng: “Đã đến lúc, Nhà nước không nên chỉ đầu tư cho dòng phim lịch sử, phim chiến tranh để chào mừng, kỷ niệm các dịp lễ, Tết. Nhà nước nên đầu tư vào nhiều dự án đa dạng đề tài, thể loại. Nhà nước có thể đầu tư vào các dự án giải trí, thương mại. Quan trọng là những dự án này đã được sàng lọc về mặt chất lượng kịch bản, được giao cho đạo diễn và ê-kíp tài năng thực hiện”.
Thiết nghĩ, những bộ phim Việt Nam hàm chứa những giá trị văn hóa dân tộc cần được phát hành rộng rãi, được khán giả đón nhận sẽ giữ gìn phát huy giá trị, bản sắc văn hóa, góp phần tích cực vào phát triển “Chiến lược công nghiệp văn hóa Việt Nam”.