Cốt lõi của đạo đức cách mạng phải là vì Nhân dân; phải loại bỏ, “quét sạch” chủ nghĩa cá nhân; luôn đặt lợi ích của Tổ quốc và Nhân dân lên trên hết, trước hết. Cụm từ “Nhân dân” được nhắc lại nhiều lần trong bài viết “Quyết tâm xây dựng Đảng vững mạnh, nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm (tháng 8/2024).
Phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029 mới đây (ngày 17/10/2024), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm một lần nữa nhấn mạnh mục tiêu: “Chăm lo, bảo vệ lợi ích thiết thực, chính đáng, hợp pháp của Nhân dân; mục tiêu cao nhất là phục vụ Nhân dân, làm cho cuộc sống của Nhân dân tốt đẹp hơn”. Đồng chí khẳng định: “Đảng ta không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của Nhân dân; Nhân dân là trung tâm, chủ thể trong mọi chủ trương, đường lối của Đảng; mọi sự phấn đấu của Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị chỉ có ý nghĩa khi người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc”.
Trong mỗi giai đoạn cách mạng, do yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng, công việc, trách nhiệm của Đảng có khác nhau; tuy nhiên, trong mọi hoạt động, Đảng luôn đặt lợi ích của Nhân dân, dân tộc lên trên hết, trước hết. Mỗi cán bộ, đảng viên cần nhận thức rõ rằng, việc nêu cao tinh thần phục vụ Nhân dân là mục đích và bản chất của Đảng, nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân cũng vì mục đích đó.
“Kiên định lập trường, quan điểm và thực hành “dân là gốc”, “Nhân dân là chủ thể, trung tâm của công cuộc đổi mới”; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu; bảo đảm mọi người dân đều được thụ hưởng những thành quả của đổi mới, phát triển, được sống hạnh phúc trong môi trường an ninh, an toàn, không ai bị bỏ lại phía sau. Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, do Ðảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; thượng tôn Hiến pháp và pháp luật; tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân; có nền hành chính, tư pháp chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại; bộ máy nhà nước tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, thực sự chuyên nghiệp, liêm chính, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân”. - Trích bài viết “Quyết tâm xây dựng Đảng vững mạnh, nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm (tháng 8/2024).
Để nâng cao đạo đức cách mạng, chống lại chủ nghĩa cá nhân, cần phải thực hiện đồng bộ một số giải pháp.
Thứ nhất, cán bộ, đảng viên phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc vai trò, tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng về đạo đức và tính cấp thiết phải nâng cao đạo đức cách mạng, “quét sạch” chủ nghĩa cá nhân
Trong bối cảnh hiện nay, “đạo đức cách mạng” là vũ khí quan trọng để chống lại “giặc nội xâm” chính là chủ nghĩa cá nhân. Đó là cuộc đấu tranh lâu dài, bền bỉ, thậm chí phải coi đó là một phần của cuộc đấu tranh giai cấp. Vậy nên, phải tập trung tuyên truyền sâu rộng, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong mỗi cán bộ, đảng viên. Thông qua giáo dục lý tưởng, đường lối của Đảng, nghĩa vụ đạo đức người đảng viên, làm cho các chuẩn mực đạo đức cách mạng thấm sâu, trở thành lẽ sống, “nết nghĩ” trong công việc hằng ngày và sinh hoạt đời thường của mỗi cán bộ, đảng viên. Trong đó, tư tưởng Hồ Chí Minh về nâng cao đạo đức cách mạng, “quét sạch” chủ nghĩa cá nhân là cẩm nang, là “kim chỉ nam”. Mỗi cán bộ, đảng viên phải nhận thức sâu sắc, học và thật sự làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Khi học Bác Hồ, ta phải học trên ba phương diện: Thứ nhất là học về tư tưởng, tư tưởng xây dựng Đảng, tư tưởng chính trị, kinh tế, nhà nước pháp quyền của Người thế nào? Tư tưởng về đại đoàn kết dân tộc của Người ra sao? Thứ hai là học những chuẩn mực đạo đức mà Bác đã nêu ra trong tác phẩm “Đạo đức cách mạng”, học những giá trị đạo đức từ chính cuộc đời thật của Bác. Và thứ ba là phải học phong cách làm việc của Bác, đó là phong cách làm việc khoa học, dân chủ, gần gũi, thiết thực với đời sống Nhân dân, không quan liêu, không phô trương”.
Thứ hai là, tập trung hoàn thiện và triển khai có hiệu quả các thể chế, quy định về chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên.
Phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029 (sáng 17/10), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định: Đảng ta không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của Nhân dân; Nhân dân là trung tâm, chủ thể trong mọi chủ trương, đường lối của Đảng. (Ảnh: Toquoc.vn). |
Thời gian qua, Đảng ta đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, quy định, kết luận về chuẩn mực đạo đức cán bộ, đảng viên điển hình là: Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 30/10/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; Quy định số 101-QÐ/TW ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm; Quy định số 144-QĐ/TW ngày 09/5/2024 của Ban Chấp hành Trung ương về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Thứ ba là, tập trung giải quyết triệt để các nguyên nhân dẫn đến suy thoái đạo đức cách mạng
Nâng cao đạo đức cách mạng, kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân phải dựa trên cơ sở kết hợp “xây” với “chống”. Trước những biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống diễn biến phức tạp, thì phải tăng cường kỷ cương, kỷ luật để sàng lọc những thành phần thoái hóa, biến chất; xử lý nghiêm các sai phạm để răn đe, cảnh báo, cảnh tỉnh, có tác dụng hỗ trợ cho công tác giáo dục đạo đức cách mạng. Mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu phải coi trọng công tác kiểm tra, giám sát, nhất là tự kiểm tra, tự giám sát gắn với nâng cao trách nhiệm ủy ban kiểm tra các cấp.
Thứ tư là, để nâng cao tinh thần phục vụ Nhân dân, cán bộ, đảng viên phải luôn tu dưỡng và thực hành đạo đức cách mạng
Mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên nêu cao ý thức trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao, phải tận tâm, tận lực, quyết tâm làm tròn, làm tốt phần việc được giao, không ngại khó khăn, vất vả. Bên cạnh đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên thực hành “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” và phải thực hiện đồng bộ, không được đề cao hay coi nhẹ một phẩm chất nào.
Không những thế, cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý phải luôn “nói đi đôi với làm”, nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng suốt đời, không ngừng “tự soi”, “tự sửa” và nêu cao danh dự, lòng tự trọng của người đảng viên. Đồng thời, mỗi cán bộ, đảng viên cũng phải không ngừng học tập, nâng cao trình độ, năng lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, “đức” phải đi đôi với “tài”, nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi mà xã hội ngày càng phát triển, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang “bùng nổ” trên toàn cầu.
Thứ năm là, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thực sự là “công bộc” của Nhân dân
Yêu cầu quan trọng hiện nay là phải tiếp tục củng cố đội ngũ cán bộ, đảng viên với tinh thần trách nhiệm, thực sự trở thành “công bộc” của Nhân dân. Tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên thể hiện ở việc nhận thức rõ vị trí và vai trò của mình, luôn sẵn sàng phấn đấu và hy sinh cho lý tưởng cách mạng, vì cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc của Nhân dân. Việc xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên cần căn cứ vào tiêu chí phục vụ Nhân dân: “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh” như lời Bác Hồ đã dạy.
Xây dựng đạo đức liêm chính Đảng ta cũng đang xây dựng Đề án chỉ thị của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục liêm chính, với mục đích quan trọng nhất là đưa liêm chính thực sự là một trong những phẩm chất đạo đức cách mạng quan trọng hàng đầu của cán bộ, đảng viên; đưa công tác giáo dục liêm chính trở thành một nội dung lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương. Chỉ thị này được kỳ vọng là một giải pháp quan trọng trong phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực để đạt mục tiêu “không muốn tham nhũng, tiêu cực”; đồng thời, hướng tới mục tiêu xây dựng xã hội liêm chính, đưa liêm chính trở thành văn hóa, một thành tố trong hệ giá trị của quốc gia.
(Còn tiếp)