Người dân sẽ hưởng lợi từ thay đổi chính sách
Quy mô GDP đánh giá lại của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành tăng bình quân 25,4% trong giai đoạn 2010-2017, tương ứng tăng 935 nghìn tỷ đồng/năm, trong đó năm 2011 tăng cao nhất với 27,3% và năm 2015 có tỷ lệ tăng thấp nhất là 23,8%. Năm 2017, quy mô GDP sau khi đánh giá lại đạt 6.294 nghìn tỷ đồng (số công bố trước đây là 5.006 tỷ đồng).
Ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp, Tổng cục Thống kê (TCTK) lý giải, quy mô GDP mới tăng lên 25,4% chủ yếu là do thu thập được số liệu doanh nghiệp (DN) bị thiếu, vào khoảng 76.000 DN. Hiện, DN đóng góp trên 60% vào tăng trưởng GDP, nên việc thiếu lượng lớn DN nêu trên ảnh hưởng lớn đến quy mô GDP.
Ông Thúy cho biết, lý do thiếu 76.000 DN trong các lần thu thập số liệu trước đây là do số lượng DN tăng nhanh nên các cơ quan chưa cập nhật kịp thời. Bên cạnh đó, DN Việt Nam chủ yếu là DN nhỏ, vừa, thậm chí siêu nhỏ với quy mô dưới 5 người lao động nên không ít DN không có kế toán dẫn đến khó khăn trong thu thập số liệu.
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng TCTK cho biết, khi đánh giá lại GDP, quy mô nền kinh tế tăng khiến cho bức tranh kinh tế được nhận diện rõ nét hơn, đặc biệt là bức tranh tiêu dùng. Theo số liệu điều chỉnh, tỷ lệ tiêu dùng ăn uống giảm mạnh từ 39,93% xuống còn 33%, trong khi đó tiêu dùng cho nhà ở, giao thông, đi lại, giáo dục tăng lên. Theo ông Lâm, đây chính là số liệu để TCTK đưa ra các cảnh báo với Chính phủ, để Chính phủ có các chính sách phù hợp hơn với bức tranh kinh tế mới.
Ông Lâm cũng khẳng định, người dân không được hưởng lợi từ việc thu nhập đầu người tăng hơn 10 triệu đồng/năm (theo số liệu đánh giá lại GDP) nhưng sẽ được hưởng lợi từ sự thay đổi cơ cấu kinh tế, Nhà nước sẽ có chính sách thay đổi phù hợp để nền kinh tế có định hướng phát triển đúng đắn hơn.
Ví dụ, theo số liệu đánh giá lại thì chi tiêu cho nhà ở tăng mạnh. Người dân đang cảm thấy mình giàu hơn, chi tiêu nhiều hơn cho mua nhà, thậm chí có những ngân hàng cho vay 0% để mua nhà… Từ số liệu này, TCTK sẽ có cảnh báo cho Chính phủ, nếu không có chính sách phù hợp sẽ dẫn đến bong bóng bất động sản.
Dư địa chi tiêu, vay của Chính phủ mở rộng…
Cũng theo ông Nguyễn Bích Lâm, kết quả đánh giá lại quy mô GDP có tác động đến các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô của nền kinh tế. Cụ thể, kết quả đánh giá lại này tạo ra mức tăng đáng kể trong tổng giá trị GDP và GDP bình quân đầu người, từ đó tác động đến định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong các giai đoạn tiếp theo. Sự gia tăng GDP bình quân đầu người có thể dẫn đến sự thay đổi trong mô hình tiêu dùng hộ gia đình do ước tính mức sống cao hơn hoặc đạt nhanh hơn đến mức quốc gia có thu nhập trung bình cao...
Ngoài ra, việc đánh giá lại quy mô GDP cũng phản ánh số liệu thấp hơn đối với nhiều chỉ tiêu tài chính/tài khóa như tỷ lệ thu ngân sách nhà nước so với GDP; tỷ lệ thuế so với GDP; tỷ lệ chi ngân sách nhà nước so với GDP; tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP; tỷ lệ nợ công, nợ Chính phủ và nợ nước ngoài so với GDP.
Sự thay đổi có thể cho thấy khả năng mở rộng dư địa cho thu ngân sách và thuế, cũng như chi tiêu và vay của Chính phủ. Tuy nhiên, khả năng tác động là thấp vì trong thực tế thu ngân sách và thuế dựa trên thu thuế/phí, các tỷ lệ thu liên quan và được quy định bởi các văn bản pháp luật.
Còn ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú Liên Hợp quốc tại Việt Nam cho biết, đánh giá lại quy mô GDP là hoạt động mang tính chiến lược cho Việt Nam vì nền kinh tế của Việt Nam đang chuyển đổi.
Các nước tiến hành điều chỉnh tính toán lại GDP để đảm bảo đưa các số liệu trong các cuộc điều tra và tổng điều tra lớn của quốc gia như tổng điều tra kinh tế, nông nghiệp, nông thôn, DN, các dữ liệu do các cơ quan bộ, ngành thu thập đều được đưa vào.
Nền kinh tế Việt Nam trong thập kỷ qua có tốc độ tăng trưởng cao, cơ cấu nền kinh tế thay đổi đáng kể, vai trò của DN đầu tư nước ngoài và công nghệ thông tin đã tăng đáng kể, tạo ra tiềm năng lớn đối với DN trong nước trong việc tiếp cận mạng lưới sản xuất toàn cầu. Nhưng hầu hết ở các quốc gia khác, những thay đổi trong việc đánh giá lại không có tác động nhiều lên tốc độ tăng trưởng GDP, giống như Việt Nam.