Rà soát 421 văn bản trong lĩnh vực giao thông
Buổi sáng, đoàn kiểm tra làm việc với Bộ GTVT, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cùng tham gia buổi làm việc. Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ GTVT Trịnh Thị Hằng Nga cho biết, Bộ đã chủ động tổ chức quán triệt nội dung và tinh thần của Luật cho cán bộ, công chức bằng các hình thức, biện pháp phù hợp với điều kiện của Bộ, đặc biệt đã tổ chức biên soạn, phát hành cuốn sách “Các văn bản về xây dựng VBQPPL”. Bộ GTVT đã rà soát 421 văn bản; đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế 111 văn bản, trong đó đã thực hiện sửa đổi, ban hành được 5 văn bản.
Bộ cũng rất chú trọng tới công tác kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật và pháp chế. Đa số các cán bộ làm công tác pháp chế đều có trình độ cử nhân luật trở lên, có thâm niên công tác lâu năm nên việc thực hiện các nhiệm vụ được triển khai khá thuận lợi về mặt chuyên môn. Ngoài ra, ngày 25/8/2016, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 21/2016/TT-BGTVT quy định về xây dựng, ban hành, hợp nhất VBQPPL, kiểm soát thủ tục hành chính, kiểm tra, xử lý văn bản, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL và theo dõi thi hành pháp luật trong lĩnh vực GTVT.
Về tình hình tổ chức triển khai thi hành các luật, pháp lệnh đã được Quốc hội thông qua từ khóa XIII đến nay, Bộ đã hoàn thành việc triển khai thực hiện quy định chi tiết Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giao thông Đường thủy nội địa năm 2014; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Hàng không dân dụng Việt Nam. Hiện nay, Bộ đang xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015.
Kết quả thi hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Luật Ban hành VBQPPL, Bộ GTVT còn gặp một số vướng mắc chủ yếu liên quan đến quy định về thủ tục hành chính; hiệu lực thông tư theo thủ tục rút gọn; thẩm quyền trong các trường hợp xây dựng, ban hành VBQPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn…
Đánh giá cao những kết quả mà Bộ GTVT đã đạt được, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu lưu ý thời gian tới, Bộ GTVT cần tiếp tục tích cực, chủ động tham mưu cho lãnh đạo Bộ và tăng cường phối hợp với Bộ Tư pháp cùng các bộ, ngành liên quan; tập trung bồi dưỡng, kiện toàn đội ngũ cán bộ pháp chế để đạt được nhiều kết quả khả quan hơn nữa.
Ban hành được 6 văn bản về giáo dục - đào tạo theo quy định mới
Chiều cùng ngày, đoàn kiểm tra tiếp tục làm việc với Bộ GD&ĐT. Hân hạnh được tiếp đoàn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng cho biết những kết quả đạt được, đồng thời thẳng thắn nêu những vướng mắc trong quá trình triển khai Luật. Đặc biệt, Thứ trưởng Hùng hoan nghênh hoạt động kiểm tra của Bộ Tư pháp bởi qua mỗi lần kiểm tra giúp ích rất nhiều cho hoạt động của Bộ GD&ĐT.
Báo cáo với đoàn kiểm tra, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GD&ĐT) Lê Thị Kim Dung cho biết, Bộ đã cử cán bộ tham gia tất cả các đợt giới thiệu, phổ biến nội dung của Luật, tham gia Hội nghị quán triệt thi hành Luật và các cuộc tập huấn chuyên sâu về Luật do Bộ Tư pháp tổ chức. Bộ còn chủ động tổ chức phổ biến, quán triệt Luật và Nghị định 34 hướng dẫn thi hành Luật cho các cán bộ, công chức cơ quan Bộ.
Vụ Pháp chế đã làm đầu mối rà soát, đến nay rà soát được 181 văn bản, đề xuất sửa đổi, bổ sung 21 văn bản. Liên quan đến việc rà soát các điều kiện đầu tư, thủ tục thành lập, cho phép thành lập, cho phép hoạt động giáo dục; đình chỉ hoạt động giáo dục; sáp nhập, chia, tách, giải thể các cơ sở giáo dục, qua rà soát đã nâng lên thành nghị định để xác định và công bố các VBQPPL hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần. Bộ cũng trình ban hành, ban hành được 6 văn bản theo quy định mới của Luật; dự kiến ban hành Quyết định quy định về soạn thảo, ban hành, hợp nhất, pháp điển, kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL thay thế các quy định hiện hành của Bộ.
Tuy nhiên, kể từ ngày Luật có hiệu lực (ngày 1/7/2016), trong quá trình triển khai thực hiện đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc xung quanh quy định không còn hình thức thông tư liên tịch giữa các bộ, ngành; cấm quy định thủ tục hành chính tại văn bản thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng. Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị chưa có kinh nghiệm thực tiễn tiến hành đánh giá chính sách, lại chưa được hướng dẫn cụ thể nên rất khó khăn trong quá trình soạn thảo...
Sau khi lắng nghe ý kiến của các thành viên trong đoàn kiểm tra và giải trình từ đại diện Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đánh giá cao kết quả đạt được, tinh thần nghiêm túc triển khai thi hành Luật của Bộ GD&ĐT, chủ động xây dựng quy chế nội bộ về công tác văn bản... Chia sẻ những vướng mắc của Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Hiếu lưu ý cần tiếp tục triển khai tốt Luật với nhiều quy định mới, tiến bộ; tăng cường phổ biến Luật Ban hành VBQPPL nói riêng, các văn bản pháp luật nói chung. Đối với đội ngũ cán bộ pháp chế, Thứ trưởng mong Bộ GD&ĐT quan tâm kiện toàn hơn nữa bởi các văn bản trong lĩnh vực này tác động đến đông đảo người dân.
Ghi nhận các kiến nghị của Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng cam kết Bộ Tư pháp sẽ hỗ trợ hiệu quả cho đề xuất xây dựng một số văn bản của Bộ GD&ĐT cũng như tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hợp tác giữa hai Bộ...