Dân kiện chính quyền - Nhiều điểm nghẽn vì “quan” tắc trách: Còn nể nang, ngại va chạm

Một phiên tòa xử án hành chính
Một phiên tòa xử án hành chính
(PLO) - Đoàn giám sát của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (QH) chỉ ra rằng, trong việc giải quyết án hành chính vẫn còn tình trạng nể nang, ngại va chạm ở nhiều nơi, nhiều khâu, bao gồm từ các thẩm phán cho tới viện kiểm sát, chấp hành viên…

Phải “mượn tay” cấp trên

Theo dự thảo báo cáo giám sát “Việc chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính (TTHC) trong giải quyết các vụ án hành chính, thi hành các bản án, quyết định hành chính (QĐHC) đối với QĐHC, hành vi hành chính (HVHC) của Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND), UBND” của Ủy ban Tư pháp cho thấy, một trong những hạn chế đáng chú ý trong việc chấp hành pháp luật của tòa án trong quá trình giải quyết các vụ án hành chính là tỷ lệ bản án, QĐHC bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan còn chưa đạt chỉ tiêu theo yêu cầu Quốc hội (QH) giao.

Báo cáo của Tòa án nhân dân Tối cao thông tin: tổng tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa là 8,17%. Qua giám sát, một số tỉnh có tỷ lệ bản án, QĐHC bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan còn khá cao; ví dụ như ở Quảng Ninh tỉ lệ sửa là 4,11%; Bà Rịa - Vũng Tàu sửa 2,35% và hủy 1,68%; TP Hồ Chí Minh sửa 6,6%, hủy 1,7%... Qua giám sát cũng cho thấy, một số tòa án trong quá trình giải quyết, xét xử còn sai sót trong đánh giá chứng cứ, như đánh giá không đúng về nguồn gốc đất, hoặc chưa đúng, đủ các chứng cứ về tính hợp pháp của các giao dịch đất đai; áp dụng pháp luật, viện dẫn điều luật chưa chính xác… 

Ngoài ra, một số tòa án trong quá trình giải quyết, xét xử còn chưa thực hiện đúng các quy định về tố tụng như: xác định không đúng đối tượng, thời hiệu khởi kiện; xác định chưa đúng, đủ thành phần, tư cách người tham gia tố tụng… Và, một trong những tồn tại rất đáng quan tâm đã được chỉ ra, đó là việc xét xử án hành chính liên quan trực tiếp đến người đứng đầu chính quyền địa phương.

Do đó, thẩm phán có biểu hiện ngại va chạm trong quá trình giải quyết vụ án, tuyên bản án không đúng pháp luật dẫn đến bản án bị tòa án cấp có thẩm quyền sửa do kháng cáo, kháng nghị. Đoàn giám sát nhấn mạnh, thực tiễn này cần được cấp uỷ, chính quyền địa phương, lãnh đạo tòa án nhân dân các cấp tiếp tục quan tâm nhằm bảo đảm thực hiện đúng nguyên tắc thẩm phán và hội thẩm nhân dân xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

Tình trạng nể nang và ngại va chạm với chính quyền địa phương cũng xảy ra ở Viện kiểm sát nhân dân. Ông Phương Hữu Oanh - kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) -  thừa nhận có địa phương, Viện kiểm sát phát hiện ra vi phạm trong các bản án hành chính, bản án đó không có căn cứ hoặc trái pháp luật cần phải kháng nghị nhưng lại phải “mượn tay” viện kiểm sát cấp trên để kháng nghị vì ngại va chạm với tòa án cũng như chính quyền địa phương cùng cấp. 

Trong công tác thi hành án hành chính (THAHC), theo dự thảo báo cáo giám sát, hạn chế lớn nhất cũng chính là tình trạng cơ quan thi hành án dân sự (THADS) và chấp hành viên ngại va chạm với chính quyền địa phương. Bộ Tư pháp cho hay, trong 3 năm (2015-2017), 100% trường hợp chủ tịch UBND và UBND không chấp hành án nhưng cơ quan THA đều không có văn bản kiến nghị xử lý trách nhiệm những người này. 100% trường hợp chủ tịch UBND và UBND không chấp hành án nhưng cơ quan THADS cũng không đề nghị Tổng cục THADS kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo, xử lý trách nhiệm người không chấp hành án.

Phó Viện trưởng VKSNDTC Trần Công Phàn cho rằng, một số thủ trưởng cơ quan THADS có tâm lý ngại va chạm trong quan hệ công tác với UBND và Chủ tịch UBND, đặc biệt là khi người phải thi hành án là Chủ tịch hoặc UBND. Bởi theo quy định tại các Điều 173, 173, 175 Luật THADS thì UBND cùng cấp có quyền chỉ đạo việc tổ chức phối hợp các cơ quan liên quan trong THADS trên địa bàn cũng như có ý kiến bằng văn bản về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan THADS.

 Đồng quan điểm, Bộ Tư pháp cũng cho rằng THAHC là lĩnh vực nhạy cảm, dễ tạo tâm lý nể nang giữa các cơ quan có liên quan khi người phải THAHC là cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước, vì vậy các cơ chế tác động để đảm bảo THAHC chưa thực sự được thực hiện quyết liệt, đầy đủ. 

Can thiệp, làm khó thẩm phán xét xử

Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH Nguyễn Mai Bộ, thực tế có những thẩm phán xử án hành chính khi bị tòa cấp trên hủy án hoặc sửa án không buồn, thậm chí còn vui. Theo ông Bộ, nguyên nhân là do họ lệ thuộc vào cơ quan hành chính, từ đó dẫn tới bất lực trước các cơ quan này. “Họ vui vì toà án cấp trên sửa bản án, nghĩa là tuyên các Chủ tịch UBND, UBND sai”, ông Bộ chua xót. 

Vẫn theo lời ông Nguyễn Mai Bộ, dù Đảng, Nhà nước hoàn toàn không có chủ trương như vậy nhưng có hiện tượng cá nhân cán bộ, đảng viên lợi dụng chức vụ trong đảng để can thiệp, làm khó thẩm phán xét xử các vụ án hành chính. Ông Bộ cũng thừa nhận có tình trạng tòa án phụ thuộc vào tiền của UBND. “Tỉnh nào đầu tư nhiều cho tòa án đó thì y rằng tỉnh đó án hành chính ít, thậm chí nếu có thì cơ quan hành chính thắng”, ông nói. Nguyên nhân của hiện tượng này là do nhận thức của bí thư hoặc cấp ủy. “Nếu không chấn chỉnh thì án hành chính vẫn cứ lẹt đẹt mãi thế này”, ông Bộ nhận định.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của QH Trần Hồng Hà cũng cho rằng án hành chính là án khó, bởi một bên là chính quyền, một bên là người dân nên trong quá trình giải quyết các vụ án này, “hiện tượng thẩm phán ngại va chạm là có”. Nguyên nhân của việc ngại va chạm, theo ông Trần Hồng Hà, là do việc phụ thuộc về công tác cán bộ.

“Quá trình bổ nhiệm thẩm phán rất chặt chẽ, phải đi học, thi đỗ và có chứng chỉ, nhưng chưa chắc đã được bổ nhiệm mà phải theo thủ tục lấy phiếu tín nhiệm, xây dựng hồ sơ xin ý kiến cấp ủy. Chính việc có ý kiến của cấp ủy sẽ vô hình trung tạo áp lực, rào cản tâm lý đối với thẩm phán trong quá trình xét xử án hành chính”, ông Hà phân tích và đề nghị trong hồ sơ bổ nhiệm lại của thẩm phán không nên có văn bản ý kiến của cấp ủy.

Theo ông Hà, văn bản ý kiến của cấp ủy chỉ nên thể hiện khi lập hồ sơ bổ nhiệm lần đầu còn khi bổ nhiệm lại thẩm phán thì nên để cơ quan chuyên môn đánh giá để tránh những vướng mắc như ông đã phân tích.

Thừa nhận thực trạng này, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học cũng đề nghị cần được chấn chỉnh. “Bởi đã là cơ quan xét xử, cơ quan kiểm sát tư pháp thì phải thượng tôn pháp luật, không chịu bất cứ một sức ép nào. Tuy nhiên, đây là điều khó, bởi có những sức ép vô hình”, ông Học nói, đồng thời kiến nghị Đảng phải chỉ đạo để chấm dứt việc can thiệp trái pháp luật của cấp ủy Đảng đối với hoạt động xét của các cơ quan tư pháp: “Phải nói rõ Đảng không buông lỏng vai trò lãnh đạo đối với các cơ quan tư pháp. Không buông lỏng nhưng không được can thiệp trái pháp luật vào hoạt động chuyên môn của các cơ quan tư pháp, vấn đề này phải rõ ràng, minh bạch”.

Tuy nhiên, Ủy viên Ủy ban Tư pháp Nguyễn Duy Hữu - Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk - khẳng định tại cơ quan ông không có nhiều áp lực khi giải quyết án hành chính. “Ở Đắc Lắk xử án hành chính chẳng có vấn đề gì, chẳng có gì ngại va chạm. Anh đúng thì toà bảo đúng, anh sai thì bảo sai. Còn tiền bạc có bao nhiêu dùng bấy nhiêu, chẳng phải xin xỏ cho mệt người”, ông Hữu khẳng định. 

Tỉnh nào đầu tư nhiều cho tòa án thì cơ quan hành chính… thắng kiện

Có hiện tượng cá nhân cán bộ, đảng viên lợi dụng chức vụ trong đảng để can thiệp, làm khó thẩm phán xét xử các vụ án hành chính. Cũng có tình trạng tòa án phụ thuộc vào tiền của UBND. “Tỉnh nào đầu tư nhiều cho tòa án đó thì y rằng tỉnh đó án hành chính ít, thậm chí nếu có thì cơ quan hành chính thắng”. (Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH Nguyễn Mai Bộ).

Đọc thêm

Gỡ vướng cho các dự án điện năng lượng tái tạo

Thủ tướng Phạm Minh Chính có nhiều chỉ đạo quan trọng nhằm triển khai các giải pháp tháo gỡ cho các dự án năng lượng tái tạo. (Ảnh: VGP)
(PLVN) - Chiều 12/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến công bố và triển khai Nghị quyết của Chính phủ về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo (gọi tắt là Nghị quyết).

Ông Đồng Văn Thanh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang

Ông Đồng Văn Thanh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang
(PLVN) - Chiều ngày 12/12, Tỉnh ủy Hậu Giang tổ chức Hội nghị công bố Quyết định của Bộ Chính trị chuẩn y Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025. Dự hội nghị có ông Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.

Bảo vệ và giáo dục quyền con người được thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc
(PLVN) - "Tại Việt Nam, việc bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người được thực hiện thường xuyên, xuyên suốt, được khẳng định trong đường lối, chính sách, tổ chức thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức ngày 11/12.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Sáng 11/12, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn Công tác của Trung ương đã thăm và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người

Toàn cảnh Hội nghị tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: V.Anh
(PLVN) - Sáng 11/12, Hà Nội và các điểm cầu trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố diễn ra Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.