Nỗ lực đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn
Ông Nguyễn Khắc Tuấn, Giám đốc BHXH Đắk Lắk cho biết, việc triển khai chương trình được BHXH tỉnh thực hiện nghiêm túc, đúng người và hiệu quả. Người nhận sổ BHXH phải là người dân tộc thiểu số, ưu tiên là cán bộ không chuyên trách tổ, thôn... chưa tham gia BHXH. Với người nhận thẻ BHYT là người thuộc gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình, là người dân tộc thiểu số sinh sống tại các xã vùng I, người khó khăn chưa tham gia BHYT…
“Tùy vào diễn biến tình hình dịch bệnh một số BHXH các huyện, thị xã đã lồng ghép vào để tổ chức các hội nghị tuyên truyền, đối thoại trực tiếp cho người dân về chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, hội nghị giao ban công tác chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn… Với cách thức tổ chức linh hoạt này đã làm tăng thêm sự lan tỏa về ý nghĩa của chương trình cũng như góp phần tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình đến người dân”, ông Tuấn nói.
Ông Y Wem Hwing, Phó Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar, cho biết: Năm 2021 và hai tháng đầu năm 2022, dịch COVID-19 bùng phát đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế, đời sống và xã hội, đặc biệt tác động mạnh đến thu nhập, đời sống của người dân, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại các huyện miền núi của tỉnh.
Cũng trong 2021, có nhiều thay đổi về chế độ, chính sách liên quan người dân là người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại các khu vực miền núi cũng như người sống tại các xã khó khăn, trong đó có việc cắt giảm số lượng lớn thẻ BHYT do Nhà nước hỗ trợ cho người dân.
Vì vậy, việc hỗ trợ tặng thẻ BHYT và sổ BHXH này là một việc làm cụ thể, sát thực, thể hiện sự chung tay, chung sức, đồng lòng của các cơ quan, DN với người dân của tỉnh, giúp giảm bớt gánh nặng chi phí khám, chữa bệnh của người có hoàn cảnh khó khăn, được hưởng các chế độ về BHXH tự nguyện, góp phần làm cho bà con được động viên, nỗ lực xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.
Lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm phục vụ
Theo số liệu thống kê, năm 2021 vừa qua, BHXH Đắk Lắk đã giải quyết cho 1.952 người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng; giải quyết 13.966 lượt người hưởng trợ cấp 1 lần; hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe 13.247 lượt người; phối hợp ngành LĐ-TB&XH giải quyết cho 7.434 người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp; 152 người hưởng kinh phí hỗ trợ học nghề.
Cũng trong năm 2021 đã có trên 2 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT với tổng chi phí khám chữa bệnh BHYT đã sử dụng là trên 991 tỷ đồng, giảm gần 676.000 lượt người, 158 tỷ đồng so với năm 2020.
Ông Tuấn cho biết, năm 2022, BHXH tỉnh đề ra nhiệm vụ tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, giải quyết kịp thời các quyền lợi về BHXH, BHYT, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu bao phủ BHYT và các chỉ tiêu kế hoạch giao năm 2022; đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào quản lý, áp dụng phần mềm nghiệp vụ ngành, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.
BHXH nhận định thời gian tới, dịch COVID-19 sẽ tiếp tục diễn biến khó lường; hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn; một số chính sách BHXH, BHYT thay đổi từ 2022 (nâng mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu, theo Quyết định 861/QĐ-TTg trong đó có khoảng 2,1 triệu đồng bào dân tộc thiểu số không thuộc nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng BHYT…) sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thực hiện nhiệm vụ của ngành. Tình hình mới cũng đặt ra những yêu cầu phải đổi mới phương thức, cách thức hoạt động của hệ thống BHXH.
Năm 2022, BHXH Đắk Lắk sẽ tập trung cao độ, nỗ lực; linh hoạt trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch được giao; tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, phát huy tối đa nguồn lực sẵn có của ngành… Thống nhất quan điểm chỉ đạo “lấy người dân, DN làm chủ thể, trung tâm phục vụ”, với phương châm hành động “Đoàn kết, kỷ cương, trách nhiệm, sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả”.
Tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính và chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu, nâng cao năng lực quản trị, chất lượng phục vụ, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính; chống tiêu cực, tham nhũng. Phối hợp chặt chẽ cơ quan truyền thông để đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thông tin, truyền thông theo hướng đa dạng, linh hoạt, thiết thực, để người dân có thể tiếp cận tốt nhất mọi thông tin về chính sách BHXH, BHYT, BHTN.