Công ty TNHH Thương mại du lịch Hương Lúa được Vietnam Airline đề nghị hỗ trợ hơn 60 triệu đồng vì những sai sót của đại lý trong việc bán vé cho khách hàng.
Đại lý tự ấn định giá bán?
Báo PLVN ngày 29/9/2010 có bài “Bán vé đắt chuyến bay không có thực” phản ánh việc Đại lý Ngọc Châu của Vietnam Airline (VNA) bán vé giá cao hơn mức giá mà hãng hàng không áp dụng đối với khách hàng, ghi sai giờ bay cho khách khiến đoàn khách gần 50 người của Cty Hương Lúa (Thanh Hóa) lỡ chuyến. Vừa qua, VNA đã có văn bản gửi Báo trao đổi về sự vụ này; đồng thời xác nhận với ông Đoàn Hạnh, Phó Giám đốc Cty Hương Lúa về việc VNA và đại lý sẽ “hỗ trợ” một khoản tiền cho Cty vì những sai sót trong quá trình bán vé nêu trên.
Theo văn bản mà VNA gửi PLVN thì mức giá 3.373.000 đồng là giá của khách hàng mua trực tiếp từ phòng vé của VNA. Đối với khách hàng mua vé từ các đại lý của hãng, giống như trường hợp Cty Hương Lúa mua vé từ Đại lý Ngọc Châu thì mức giá là do đại lý “thỏa thuận” với khách hàng. Như vậy, việc đại lý bán vé cho Cty Hương Lúa với giá 3.808.000 đồng là không trái với quy định của VNA. Cũng theo văn bản này, VNA cho biết, giá thực tế mà hãng thu về là 3.240.000 đồng/vé.
Ảnh minh họa |
Trong công văn gửi Cty Hương Lúa, VNA cũng xác nhận, giá vé 3.808.000 đồng/vé mà Đại lý Ngọc Châu bán cho Cty Hương Lúa là mức giá bình quân cho cả đoàn khách, trong đó, có nhiều hạng ghế khác nhau. Với cách giải thích này thì có thể hiểu việc Cty Hương Lúa mua vé tại đại lý với giá cao hơn nhiều so với giá mà VNA bán tại các phòng vé là chuyện bình thường.
Về vấn đề này, đại diện Cty Hương Lúa cho rằng, cách giải thích của VNA không thỏa đáng, có ý bênh đại lý Ngọc Châu. Theo ông Đoàn Hạnh, không phải toàn bộ đoàn khách của ông “được mua” mức giá bình quân là 3.808.000 đồng/vé, mà chỉ có 44 vé được áp dụng mức giá này. Số vé còn lại, có 4 vé phải mua với mức 5.423.000 đồng và 1 vé phải mua với mức giá 4.188.000 đồng nên không có chuyện ông được “một giá” cho các hạng ghế khác nhau.
Hơn nữa, ông không được “thỏa thuận” giá vé với đại lý mà phải mua theo mức giá đại lý niêm yết mà cứ tưởng đó là giá thực do VNA quy định.
Đại lý sai, Vietnam Airline chịu
Ngoài việc giải thích cho khách hàng về giá vé, VNA đã thừa nhận việc đại lý thông báo giờ bay cho khách hàng không đúng với giờ thực tế của chuyến bay là một sai lầm…ngoài ý muốn. VNA đã làm việc và nhắc nhở đại lý phải tuân thủ đúng quy định về đặt, giữ chỗ và cung cấp thông tin chính xác về chuyến bay, đặc biệt là không được chia bình quân giá vé gây hiểu lầm cho khách hàng.
Về những lỗi xảy ra do sai sót, VNA yêu cầu Đại lý Ngọc Châu phải chia sẻ tổn thất với khách hàng là hơn 18 triệu đồng. Bản thân VNA cũng chia sẻ một phần thiệt hại với Cty Hương Lúa bằng việc miễn điều kiện “không được hoàn vé” cho 27 vé mà Cty đã mua. Như vậy, Cty sẽ không phải thanh toán tổng cộng là hơn 64 triệu đồng.
Ghi nhận thiện chí của VNA nhưng ông Đoàn Hạnh cho rằng cách giải quyết như trên vẫn không đảm bảo quyền lợi chính đáng của Cty ông nói riêng và khách hàng của VNA. Vì đây không phải lần đầu tiên Cty Hương Lúa mua vé đoàn khách tại Đại lý Ngọc Châu.
Chỉ riêng trong năm 2010, ông đã nhiều lần mua vé với các điều kiện tương tự tại phòng vé của đại lý này mà vẫn nghĩ rằng đó là giá vé do VNA quy định. Chỉ tính riêng đoàn khách này, Cty của ông đã phải trả thêm cả chục triệu đồng tiền chênh lệch so với giá vé mà VNA bán ra. Vì vậy, ông đề nghị VNA giải quyết “tận gốc” vấn đề này để bảo vệ quyền lợi cho hành khách.
Luật sư Nguyễn Minh Anh: Giá hàng hóa và dịch vụ phải do bên giao đại lý ấn định Đa phần khách hàng khi mua vé đều không thể thỏa thuận hay mặc cả mà chỉ mua với giá đại lý ấn định và họ cho rằng đó là giá vé của hãng. Mối quan hệ giữa hãng và đại lý, khách hàng không thể biết được. Vì vậy, nếu VA để cho đại lý tự “thỏa thuận” giá vé với khách thì rõ ràng đại lý không sai vì họ làm đúng hợp đồng với VA. Nhưng cách giải thích như thế cũng đồng nghĩa rằng khách hàng “phải chịu thiệt” vì mua vé tại đại lý. Theo thông lệ về đại lý hàng hóa thì mức giá bán ra cho người tiêu dùng cho chủ hàng hóa, dịch vụ ấn định, đại lý chỉ được bán đúng giá đã ấn định và hưởng hoa hồng đại lý. Nếu đúng là Đại lý Ngọc Châu được “thỏa thuận giá vé” thì có thể lúc nào đó họ nâng giá vé lên gấp đôi mà cả khách hàng và VA vẫn phải chịu. Cơ chế này cho phép đại lý đầu cơ vé, có thể làm cho cả VA và hành khách cùng bị thiệt hại; điều này khó có thể là một điều kiện khi ký kết và thực hiện hợp đồng đại lý. |