Sau nhậm chức, tân Giám đốc đã có những chia sẻ về tầm nhìn và chiến lược để phát triển Bamboo Airways thành hãng hàng không lớn mạnh vươn tầm thế giới.
Ông sẽ áp dụng kinh nghiệm của mình như thế nào vào hãng hàng không mới như Bamboo Airways?
- Những kinh nghiệm được đúc kết trên quy mô toàn cầu đều có thể áp dụng cho nhiều thị trường khác nhau.
Ở cấp độ chiến lược, các hãng hàng không mới đều có những bước chuẩn bị chung bao gồm: Chiến lược sản phẩm và giá vé, tuyến đường, thiết bị, tiếp thị và phân phối. Chìa khóa để thích ứng là điều chỉnh chúng phù hợp với thị trường mục tiêu mà hãng hướng tới.
Với Bamboo Airways, chúng tôi xây dựng chiến lược phát triển theo tiêu chuẩn quốc tế trên cơ sở tận dụng những điều kiện tốt nhất của thị trường Việt Nam, đảm bảo cung cấp cho mọi phân khúc khách hàng những dịch vụ chất lượng và phù hợp nhất.
Điều tôi muốn làm cho Bamboo Airways là hướng tới một hãng hàng không tiêu chuẩn 5 sao bằng cách nhanh chóng chuẩn hóa quy trình, đưa vào những công nghệ mới giúp khách hàng có những trải nghiệm tuyêt vời ngay từ khâu mua vé cho đến khi check-in máy bay.
Ông có những dự định nào để tạo lợi thế cạnh tranh cho Bamboo Airways so với những đối thủ khác?
- Tập trung khai thác vào phân khúc mà các hãng hàng không đi trước chưa quan tâm, chủ động tạo ra thị trường riêng, đó là lợi thế cạnh tranh của Bamboo Airways.
Với mô hình hoạt động theo Hybrid, Bamboo Airways sẽ có đầy đủ các gói dịch vụ truyền thống cho đến gói dịch vụ cao cấp.
Còn về dịch vụ vé, trước mắt Bamboo Airways sẽ cung cấp bốn hạng vé chính gồm: Bamboo Eco (Hạng phổ thông), Bamboo Plus (Hạng phổ thông linh hoạt), Bamboo Business (Hạng thương gia) kèm suất ăn và nhiều ưu đãi đặc biệt cho khách hàng.
Đến năm 2020, chúng tôi sẽ triển khai hạng vé Bamboo First (Hạng nhất), đưa Bamboo Airways trở thành hãng hàng không đầu tiên ở Việt Nam có khoang hạng nhất.
Như vậy, ông cũng đã nghiên cứu khá kĩ về mạng lưới đường bay của Bamboo Airways trong thời gian này?
- Trong giai đoạn đầu, hãng sẽ tập trung phát triển chặng bay thẳng từ quốc tế tới các điểm du lịch của Việt Nam. Ưu tiên dành cho các nước khu vực Đông Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Hồng Kông, Đài Loan… Đây là các quốc gia có tỷ lệ du khách tới Việt Nam đông nhất trong mấy năm gần đây.
Về dài hạn, chúng tôi sẽ mở rộng thêm tuyến tới Mỹ và châu Âu.
Riêng trong nước, chúng tôi sẽ mở tuyến bay kết nối các điểm du lịch tiềm năng, đặc biệt tập trung tại những địa phương có khu quần thể nghỉ dưỡng của Tập đoàn FLC như: đường bay Thanh Hóa - Quy Nhơn, Thanh Hóa - Phú Quốc, Thanh Hóa - Nha Trang…
Với mạng bay này, Bamboo Airways không những làm giảm áp lực hạ tầng lên hai sân bay lớn là Nội Bài và Tân Sơn Nhất, mà còn giúp lộ trình di chuyển của hành khách trong và ngoài nước trở nên nhanh chóng và thuận lợi hơn.
Ông có thể chia sẻ kì vọng của mình về Bamboo Airways? Tầm nhìn của ông đối với Bamboo Airways trong vòng 5 năm tới như thế nào?
- Dù là một hãng hàng không mới nhưng tôi tin Bamboo Airways có nhiều cơ hội cạnh tranh để nhanh chóng trở thành lựa chọn hàng đầu của tất cả khách hàng.
Không chỉ đơn thuần cung cấp dịch vụ bay khứ hồi cho hành khách, Bamboo Airways còn cung cấp các gói dịch vụ kết hợp với du lịch nghỉ dưỡng – chơi golf bởi hãng hiện đang là công ty thành viên của FLC – đơn vị sở hữu khoảng 10 khu quần thể nghỉ dưỡng có sân golf trải dài trên cả nước. Mối quan hệ tương hỗ với Tập đoàn FLC sẽ là tiền đề, tạo nên thế mạnh riêng cho Bamboo Airways so với các hãng khác.
Với chiến lược khai thác khác biệt và quy mô đầu tư lớn, bài bản ngay từ đầu, chúng tôi kỳ vọng khi hãng hàng không Bamboo Airways đi vào hoạt động sẽ kích thích phát triển hơn nữa ngành du lịch Việt Nam, đưa du khách quốc tế đến với Việt Nam ngày càng nhiều hơn.
Trân trọng cảm ơn ông!