Đã là văn hóa thì không dung nạp chuyện cướp, thế nhưng hành vi này lại thường xuất hiện trong lễ hội. Linh thiêng như Ấn đền Trần cũng cướp, rồi cướp lộc, cướp hoa, cướp đồ dâng cúng…, mà xem ra ai cướp được cũng tỏ ra hỷ hả, coi như rước phúc lộc về nhà, may mắn cả năm.
Cướp đường, cướp chợ có thể vào tù nhưng cướp ở chùa, ở đền, rồi tới cướp ở lễ hội lại trở thành nét đặc trưng không thể thiếu của một số lễ hội?.
Hình ảnh cướp giò hoa tre ở Hội Gióng |
Tại Hội Gióng (đã được thế giới công nhận là văn hóa nhân loại cần bảo tồn) vừa qua, tinh thần cướp hoa tre đã lên tới đỉnh điểm. Thiên hạ xông vào cướp và bị người dân bản địa đánh, thế mà người ta vẫn hăm hở cướp.
Chợ Viềng mỗi năm chỉ họp một phiên vào ban đêm và đề cao tôn chỉ “bán rủi, mua may”, tiền bạc không ý nghĩa gì. Đừng vội tin những điều tưởng chừng là tâm linh nguyện không buôn thần, bán thánh. Ai đó cả tin thì sẽ bị "chém" thê thảm luôn, họ đã "mài dao" cả năm chờ một dịp này.
Du khách hay mua cây ở đây để lấy may và giá cả phải chăng nhưng cây từ đất Mẫu mang về khó mà sống được tại khuôn viên nhà mình, đó là chưa nói đến chuyện khối người mua phải của rởm để một năm hàng giả, hàng nhái, hàng quá đát lên ngôi.
Nói đến của rởm cần nhắc tới Phiếu ghi công đức ở Đền Hùng do Cục Thuế Phú Thọ phát hành. Cái ấn (triện) in trên phiếu đó là chữ Nôm, người ta (tất nhiên là người có chức trách tại Khu di tích đặc biệt này) cho rằng được khắc từ thời Lê Hồng Đức (tức Lê Thánh Tông, bậc minh quan, giỏi văn chương, chữ nghĩa, chủ soái Hội Tao Đàn), 4 chữ trên triện là “Hùng Vương tứ phúc”, dịch là Hùng Vương ban phúc.
Một Tiến sĩ Hán Nôm đã chỉ ra cái triện này viết “sai chính tả” thừa thiếu nét lung tung, đã thế còn dịch liều, thực ra là Tổ vương ban phúc chứ làm gì có Hùng?. Thế có nghĩa là bao nhiêu người được ghi công đức bằng của rởm và ra sức thờ phụng nó?.
Đưa ra mấy sự việc sơ sơ như vậy để các nhà văn hóa xem xét, liệu những việc cỏn con con đã xứng đáng là sự phản văn hóa trong lễ hội hay chưa?.
Nhị Ngọc