[links()] Hiện mới có Vinasun công bố giảm cước sau 3 đợt giá xăng hạ liên tiếp tổng cộng 1.900 đồng một lít kể từ đầu tháng 5. Giá xăng giảm không đáng kể là lý do các hãng taxi đưa ra để giải thích cho sự chần chừ của mình.
Sau khi giá xăng giảm lần thứ ba, 800 đồng một lít vào ngày 7/6, các hãng taxi bắt đầu ngồi lại bàn kế hoạch giảm cước. Hiệp hội taxi ở các thành phố cũng gợi ý các hãng về việc hạ cước thời gian tới.
Vinasun gần như là hãng đầu tiên khi công bố giảm cước 500 đồng một km từ 7/6, áp dụng cho tất cả các loại xe. Tuy nhiên, hãng cũng chỉ ra những khó khăn khi phải giảm.
Sau khi thay đổi giá, hãng phải điều chỉnh lại đồng hồ km, với số lượng xe lớn, công việc này dự kiến phải mất đến 1-2 ngày mới hoàn thành. Đại diện Vinasun cho biết, riêng chi phí để chỉnh lại đồng hồ cũng đã lên tới cả trăm triệu đồng, lần giảm giá này ngoài lý do xăng hạ còn có nguyên nhân hãng tham gia bình ổn giá cho thị trường.
"Các đơn vị khác cũng đang tính toán phương án giảm giá, có thể sau 1-2 ngày nữa mới có thể quyết định việc hạ cước taxi hay không", Chủ tịch Hiệp hội taxi TP HCM Tạ Long Hỷ nói.
Động thái hạ cước của các hãng taxi tại Hà Nội chậm hơn Sài Gòn. Ông Đinh Quang Sáu, Chủ tịch Hội đồng quản trị của hãng taxi Hương Lúa, Hà Nội, cho biết, tuần sau đơn vị này mới họp bàn về vấn đề này.
"Vừa nghe tin xăng hạ giá tôi đã nghĩ ngay đến phương án giảm cước để hài hòa lợi ích doanh nghiệp - người tiêu dùng, không cần đợi đến sức ép của khách hàng", ông Sáu chia sẻ.
Dù phải điều chỉnh giá song vị lãnh đạo này cho rằng, xăng giảm giá là tín hiệu mừng của nền kinh tế, bởi khi cước hạ, người tiêu dùng sẽ sử dụng taxi nhiều hơn, việc làm ăn của doanh nghiệp vận tải theo đó cũng được kỳ vọng sẽ khởi sắc.
Đồng quan điểm, lãnh đạo của hãng taxi Mai Linh cho biết sẽ điều chỉnh giá cước phù hợp với nhịp giảm của xăng. Song mức cước mới chỉ được công bố sau cuộc họp Hội đồng quản trị và cân đối các khoản thu chi.
Về nguyên do không hạ cước taxi sau 2 lần xăng giảm giá vừa qua 9/5 và 23/5, đại diện của hãng Mai Linh giải thích: đã có ý định điều chỉnh cước nhưng đang chờ diễn biến thị trường để tiến hành luôn một lần.
Còn ông Đinh Quang Sáu cho rằng, 2 lần trước, xăng giảm giá nhẹ, cộng vào chỉ được 1.100 đồng, trong khi vật tư, chi phí đắt đỏ, khủng hoảng kinh tế khiến khách ít nên chưa điều chỉnh lại cước.
Cước taxi có thể giảm nhẹ. |
Ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho rằng, lần giảm giá xăng 800 đồng mỗi lít này đủ cơ sở để hạ cước taxi. Tuy nhiên, mức điều chỉnh chỉ là 200-300 đồng mỗi km.
Theo ông Bình, tổng cộng hai lần giảm giá xăng là 1.100 đồng, chưa đủ bù lỗ cho hai đợt tăng mạnh trước đó. Cụ thể, ngày 7/3, xăng lên 2.100 đồng mỗi lít thì một tuần sau đó, cước taxi tăng 1.000 đồng một cây số.
"Tuy nhiên ngày 10/4, xăng tiếp tục lên 900 đồng, nhưng giá dịch vụ taxi vẫn giữ nguyên. Vì vậy, hai đợt xăng giảm tổng cộng 1.100 đồng vào 9/5 và 23/5, cước taxi chưa thể hạ ngay", ông Bình phân trần.
"Như vậy, lần giảm 800 đồng này chỉ so tương đối với khi tăng 2.100 đồng. Theo đó, mức hạ cước có thể là 200-300 đồng, bằng 30% so với khi tăng 1.000 đồng hồi giữa tháng 3", ông Bình nói.
Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội nhấn mạnh, mỗi lần điều chỉnh giá, chi phí mà doanh nghiệp bỏ ra rất lớn. Đó là thời gian gửi văn bản đăng ký lại giá lên các cơ quan chức năng có thẩm quyền, xe dừng hoạt động để thay cước, tiền kiểm định đồng hồ... Theo đó, giá taxi không thể chạy theo thị trường và điều chỉnh lắt nhắt.
Khác với taxi, cước vận tải có thể không giảm theo giá xăng. Phó giám đốc bến xe miền Đông, TP HCM, ông Thượng Thanh Hải khẳng định, các đơn vị kinh doanh xe khách đang tính toán các chi phí và có thể đưa ra quyết định trong thời gian tới.
"Tuy nhiên, sẽ ít có khả năng cước giảm vì hiện các hãng đang cạnh tranh nhau gay gắt, họ liên tục hạ giá để kéo khách nên việc giá xăng xuống lần này ít có tác động đến giá", ông Hải phân tích.
Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải TP HCM Thái Văn Chung thì cho rằng xu hướng chung của giới vận tải là nếu có cơ hội hạ giá thì các doanh nghiệp sẽ làm để kéo khách. "Việc giảm hay không tùy thuộc vào thương lượng giữa khách hàng và các chủ xe", ông Chung nói.
"Dù xăng đã giảm song cước vận tải khó xuống, bởi sau 2 lần tăng giá, xăng thêm 3.000 đồng mỗi lít, trong khi 3 lần giảm chỉ được 1.900 đồng. Như vậy, giá xăng vẫn dương 1.100 đồng so với hồi đầu năm", ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Việt Nam, đánh giá.
Theo VnExpress