Chạy "cháy máy" vẫn không đủ bia cung ứng cho thị trường nên dường như các công ty bia chưa mấy quan tâm đến lệnh cấm uống đối với công chức một số công sở. Nhưng nếu hiệu ứng từ Bộ Tư pháp hay Hà Tĩnh tiếp tục lan rộng, các công ty bia sẽ phản ứng thế nào?.
Việt Nam đứng trong "top ten" thế giới về tiêu thụ bia. Ảnh: MH |
Uống bia “đỉnh cao”thế giới
TS Đinh Thị Mỹ Loan - Tổng Thư ký Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam dẫn kết quả nghiên cứu của Kirin Holdings - công ty bia lớn và nổi tiếng tại Nhật Bản cho thấy, năm 2011 tất cả các khu vực trên thế giới, trừ Bắc Mỹ, đều có mức tăng trưởng trong sản xuất bia.
Châu Á - nơi có mức tăng 8,6% so với năm 2010 - vẫn giữ "ngôi vị" là khu vực trong 3 năm liền dẫn đầu về sản xuất bia trên thế giới. Trung Quốc, Ấn Độ cùng Việt Nam thuộc top 3 của khu vực này. Sản lượng bia của Việt Nam có mức tăng trưởng kỷ lục: 240,4%, nhảy vọt từ thứ hạng 29 lên thứ hạng 13.
Không chỉ tăng mạnh về sản lượng, Việt Nam còn thuộc nhóm nước tiêu thụ bia nhiều nhất. Theo Euromonitor International, mức tiêu thụ bia tại Đông Nam Á tăng mạnh trong thời gian gần đây, đặc biệt là ở Việt Nam, nước có mức tiêu thụ bia hàng đầu Đông Nam Á với gần 2,6 tỷ lít (năm 2011).
Từ chỗ trước đây chỉ có hai nhà máy bia là Sài Gòn và Hà Nội, nay cả nước có khoảng 500 cơ sở sản xuất, với năng lực 1,2 tỷ lít/năm. Trong đó, cả Sabeco và Habeco được cho là sản xuất đã vượt công suất tới 107% vẫn không đủ sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Các tên tuổi bia lớn trên thế giới đều đã đến Việt Nam và đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ như APB (Singapore), Carlsberg (Đan Mạch), SABMiller (Anh), San Miguel (Philippines)… Thêm vào đó, bia nhập khẩu cũng hiện diện ngày một nhiều với những thương hiệu như Wasteiner, Kulbacher (Đức), Leffe, Stella Artois (Bỉ)…
Dân số Việt Nam xấp xỉ hơn 86 triệu người và theo bà Tổng Thư ký Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, chúng ta đang giữ “chỉ số vàng về bán lẻ” so với các nước trên thế giới khi 68% là dân số trẻ có độ tuổi dưới 40. Ngoài ra, 19,9% số dân đang ở độ tuổi 10-19, nghĩa là trong 10 năm kế tiếp sẽ có khoảng 17 triệu dân số trẻ của Việt Nam sẽ trở thành khách hàng tiềm năng nói chung và của thị trường sản phẩm đồ uống nói riêng.
Đó là góc nhìn của người kinh doanh. Cũng với cách nhìn này, người ta còn thấy ngành đồ uống đang hoạt động khá hiệu quả, mỗi năm đóng góp cho ngân sách nhà nước trên 3.000 tỷ đồng, giải quyết cho trên 2 vạn người có việc làm ổn định trong các cơ sở sản xuất. Ngoài ra còn hàng vạn người tham gia các hoạt động cung ứng vật tư, dịch vụ tiêu thụ sản phẩm. Đồ uống có cồn được dự báo sẽ tăng 70,9% đến năm 2015 và bia sẽ là động lực chính cho sự tăng trưởng...
Từ “bãi bia” đến công sở
Nhưng từ một góc nhìn khác thì chính ngành đồ uống có cồn với những con số tuyệt đẹp trên lại đang âm thầm đầu độc năng suất lao động xã hội. Khách nước ngoài đến Hà Nội chỉ nhìn những rừng người trong “bãi bia” cũng đã đủ hoảng hồn trước khí thế ăn nhậu của người Việt. Đến mức, không gian tại các bảo tàng, vốn là không gian tĩnh lặng dành cho sự suy tư về trầm tích lịch sử, về dân tộc và thời đại, thì nay cũng bị trưng dụng cho thuê để bán bia.
Như PLVN mới đưa, đầu tháng 4, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố báo cáo đánh giá tổng thể tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam sau 5 năm gia nhập WTO. Theo đó, năng suất lao động - một trong các chỉ tiêu phản ánh hiệu quả của nền kinh tế - trong 5 năm sau gia nhập WTO lại tăng thấp hơn nhiều so với 5 năm trước khi gia nhập (3,4% so với 5% hàng năm).
So với các nước trên thế giới, báo cáo cho thấy năng suất lao động của Việt Nam cũng ở mức thấp. Tính theo USD năm 1990, năng suất lao động của Việt Nam năm 2010 chỉ đạt gần 5,9 nghìn USD, bằng 13,2% của Nhật Bản; 23,3% của Malaysia; 12% của Singapore; 13% của Hàn Quốc; 46,5% của Trung Quốc; 37% của Thái Lan và 69,9% của Philippines.
Bia bọt, dĩ nhiên là một trong những tác nhân gây nên con số đáng xấu hổ đó. Thế cho nên, nhận ra điều này, một số địa phương, Bộ, ngành, công sở đã tiên phong ra lệnh “cấm uống” trong giờ làm việc.
Mới nhất, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã ký ban hành Chỉ thị 02/CT-BTP “nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp uống rượu, bia hoặc các loại đồ uống khác có nồng độ cồn tương đương ngay trước và trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc, kể cả khi tổ chức hội nghị, tiếp khách”.
“Rượu, bia ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả công việc. Một cán bộ, công chức, viên chức uống rượu, bia trong giờ làm việc hay trong giờ nghỉ trưa thì chắc chắn buổi chiều sẽ không thể minh mẫn và hiệu quả công việc sẽ sụt giảm.
Đấy là chưa kể sự lãng phí rất lớn từ kinh phí phát sinh cho rượu, bia khi tổ chức hội nghị, hội thảo, tiếp khách... và cả những hệ lụy phát sinh từ việc không kiểm soát được hành vi do uống rượu, bia quá đà. Như vậy, cấm uống rượu, bia trong ngày làm việc vừa chấn chỉnh được kỷ luật, kỷ cương công vụ, vừa là giải pháp tiết kiệm, chống lãng phí”, ông Trần Tiến Dũng, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Tư pháp trả lời PLVN.
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn báo giới sau khi ký Chỉ thị, Bộ trưởng Hà Hùng Cường khẳng định: “Nếu có cán bộ, công chức nào vi phạm một cách nghiêm trọng, gây ra tiếng xấu cho ngành thì chúng tôi sẵn sàng sa thải”, người đứng đầu ngành Tư pháp nói rõ. “Tôi hy vọng không đến mức độ phải như vậy, nhưng cũng không loại trừ người này, người khác”.
Nhưng chống bia rượu, như đã phân tích ở trên, giờ đây không chỉ là cuộc đấu tranh với cám dỗ “ma men” mà thực sự là “cuộc chiến” với thế lực kinh tế hùng hậu, có thể đổ hàng trăm tỷ cho marketing, quảng cáo để lôi kéo người tiêu dùng, trong đó có các công nhân viên chức.
Hiện tại, chạy "cháy máy" vẫn không đủ bia cung ứng cho thị trường nên dường như các công ty bia chưa mấy quan tâm đến lệnh cấm uống. Nhưng nếu hiệu ứng từ Bộ Tư pháp hay Hà Tĩnh tiếp tục lan rộng, dĩ nhiên họ sẽ tìm mọi cách để giữ khách hàng.
Tùng Bách