Thảo luận tại hội trường chiều 25/7, Đại biểu Quốc hội Đồng Ngọc Ba (Đoàn Bình Định) nhận thấy trong báo cáo của Chính phủ đánh giá về các hạn chế nổi lên một vấn đề là hầu hết hạn chế trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, kể cả vướng mắc, lúng túng vừa qua tại một số địa bàn liên quan đến phòng chống dịch COVID-19, có nguyên nhân do thể chế pháp luật còn hạn chế, bất cập.
Vì vậy, việc Chính phủ xác định một nhiệm vụ trọng tâm trong 5 năm tới là tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, trong đó nòng cốt là hệ thống pháp luật, là rất xác đáng. Để đảm bảo thực hiện thành công nhiệm vụ này, Đại biểu Ba cho biết đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm, coi việc rà soát văn bản là giải pháp cơ bản, thường xuyên nhằm bảo đảm chất lượng của thể chế nói chung, của hệ thống pháp luật nói riêng; đồng thời đề nghị Quốc hội, các đại biểu Quốc hội quan tâm giám sát nội dung này.
Đại biểu Quốc hội Đồng Ngọc Ba phát biểu trong buổi thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội chiều 25/7/2021. |
Bên cạnh đó, theo ông Ba, có một vấn đề không mới nhưng cần đặt lên hàng đầu trong giai đoạn hiện nay là tăng cường năng lực đội ngũ công chức làm công tác xây dựng pháp luật, trước hết là đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế ở các bộ, ngành, địa phương. Mặc dù chúng ta có nhiều giải pháp để huy động chuyên gia, trí tuệ xã hội nhưng đây vẫn là lực lượng nòng cốt, ảnh hưởng trực tiếp nhất đến chất lượng của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, kể cả hiệu quả thi hành pháp luật.
Yêu cầu tăng cường năng lực của đội ngũ cán bộ đặt ra ở nhiều lĩnh vực nhưng ông Ba cho rằng với tầm quan trọng đặc biệt của thể chế thì rất cần phải có giải pháp đủ mạnh, ưu tiên củng cố, tăng cường năng lực đội ngũ pháp chế. Thủ tướng Chính phủ vừa qua đã rất quan tâm, kịp thời chỉ đạo nhiều giải pháp đổi mới, trong đó có ý kiến chỉ đạo cần đầu tư thỏa đáng cả về con người, kinh phí trong công tác xây dựng pháp luật.
Tuy đội ngũ pháp chế đã từng bước được củng cố, có nhiều đóng góp có kết quả tốt vào công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật nhưng nhìn chung đội ngũ này chưa ngang tầm nhiệm vụ, nhất là tính chuyên nghiệp. Kỹ năng phân tích, dự báo, xây dựng chính sách, áp dụng pháp luật bất cân xứng giữa đội ngũ này với khối lượng công việc về xây dựng, thi hành pháp luật đặt ra ngày càng nhiều, nhiều việc mới, nhiều việc khó.
Thống kê sơ bộ hiện nay, đội ngũ pháp chế chuyên trách ở Trung ương có khoảng 1.400 người, trong đó tại các bộ, cơ quan ngang Bộ chiếm khoảng 1/3. Đội ngũ pháp chế chuyên trách ở các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh khoảng 450 người. Đáng quan tâm là đội ngũ này có xu hướng giảm và nguyên nhân chính là họ không muốn, không thể gắn bó với nghề hoặc xin thôi việc để ra khu vực ngoài Nhà nước. Điều đáng tiếc là có nhiều người được đào tạo cơ bản, có năng lực.
Bởi thế, Đại biểu Đồng Ngọc Ba đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm, khẩn trương hoàn thiện quy định về tổ chức pháp chế, trước mắt cần có biện pháp cụ thể sớm khắc phục một số bất cập như nhiều cơ quan tuyển người cho biên chế pháp chế nhưng bố trí công việc khác hoặc kiêm nhiệm; nhiều cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh không có vị trí việc làm về pháp chế; nhiều công chức pháp chế, nhất là ở địa phương, nợ tiêu chuẩn – khoảng 30% chưa có bằng cử nhân luật theo quy định.
Thực trạng trên cần lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, trước hết là thực hiện có kết quả các chỉ đạo vừa qua của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh trực tiếp phụ trách, chỉ đạo công tác pháp chế; quan tâm tạo điều kiện, cơ hội thực chất cho cán bộ pháp chế phát triển.
Ông cũng đề nghị Chính phủ quan tâm nghiên cứu quy định chức danh nghề cho người làm công tác pháp chế chuyên trách. Thực tế cho thấy làm ra quy định pháp luật tốt là công việc rất khó, tốn kém thời gian, công sức nhưng đổi lại, quy định pháp luật tốt có thể xem là tài sản vô cùng quý giá của quốc gia, là nguồn lực cho đất nước phát triển bền vững.
Từ đó, đề nghị Chính phủ cần đặt công tác pháp chế, xây dựng pháp luật thuộc nhóm việc đòi hỏi khắt khe nhất về phẩm chất, tư duy trí tuệ, đạo đức nghề để có cơ chế thu hút, đãi ngộ phù hợp, tiền lượng thỏa đáng cho đội ngũ pháp chế khi triển khai thực hiện chính sách cải cách tiền lương thời gian tới.
Đồng thời đề nghị Quốc hội xem xét đưa vào Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 nội dung về giải pháp tăng cường năng lực cho đội ngũ pháp chế, hàng năm Chính phủ báo cáo Quốc hội về nội dung này trong báo cáo chung về tình hình kinh tế - xã hội.