Bàn về vai trò của THADS trong một nhà nước pháp quyền, bà Francoise Andrieux, Tổng Thư ký Hiệp hội Cán bộ tư pháp quốc tế, tại Hội nghị “Thi hành quyết định của Tòa án trong thế giới Pháp ngữ” được tổ chức tại Paris, Pháp năm 2012 đã cho rằng, công lý chỉ có ý nghĩa khi và chỉ khi quyết định của Tòa án được thi hành. Nguyên tắc bảo đảm an toàn của luật pháp và bảo đảm hiệu lực điều chỉnh của nó trên thực tế trong một nhà nước thượng tôn pháp luật đã chỉ ra rằng cần có sự phân định giữa quyền lực của thẩm phán với tư cách là người thực hiện việc xét xử với quyền lực của cán bộ thi hành án, với tư cách là người bảo đảm thực hiện quyết định của Tòa án. Nội hàm các khái niệm nguyên tắc pháp luật và sự an toàn của pháp lý có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm an toàn cho hệ thống pháp luật do mình ban hành, nhưng cán bộ thi hành án lại giữ vị trí trung tâm.
Đề cập đến vai trò của THADS trong việc bảo vệ quyền con người và quyền cơ bản của công dân cũng như mối quan hệ giữa pháp luật THADS với Hiến pháp và với pháp luật quốc tế, năm 1996 Giáo sư Luật học Konstantinos D. Kerameus khi đó là Chủ tịch Hiệp hội Hợp tác Khoa học của Bỉ trong cuốn sách “Bối cảnh quốc tế về công tác THADS”, Nhà xuất bản Martinus Nijhoff phát hành năm 1997, đã vui mừng chỉ ra rằng các nhà nghiên cứu pháp luật THADS trên thế giới đã nhận thức được vai trò ngày càng quan trọng của công tác THADS cũng như mối quan hệ và đóng góp của nó đối với sự phát triển của pháp luật quốc tế và nền kinh tế quốc tế. Sự tương tác qua lại giữa công pháp quốc tế và tư pháp quốc tế với pháp luật về THADS ngày càng chặt chẽ và cùng hướng tới nhiều mục đích điều chỉnh chung, đặc biệt là những vấn đề có tính nguyên tắc trong việc bảo vệ quyền con người và những quyền cơ bản của công dân.
Yêu cầu của pháp luật quốc tế và pháp luật khu vực châu Âu ngày càng cao hơn trong việc khuyến khích các quốc gia thông qua hệ thống pháp luật THADS hiệu quả để bảo vệ quyền con người và những quyền cơ bản của công dân. Ví dụ, Hội đồng Bộ trưởng các quốc gia thành viên của Hội đồng châu Âu đã nhấn mạnh rằng việc thi hành bản án của Tòa án cũng là một phần quan trọng và cần thiết của quyền cơ bản của con người, đó là quyền được xét xử công bằng trong một thời gian hợp lý phù hợp với Điều 6 Công ước Châu Âu về quyền con người.
Theo nghiên cứu của Giáo sư, Tiến sỹ Burkhard Hess, Trường Đại học Heidelberg, Cộng hòa liên bang Đức thì kể từ năm 1997, Tòa án Nhân quyền châu Âu đã áp dụng Điều 6 không chỉ trong quá trình xét xử mà còn với cả quy trình, thủ tục THADS. Yêu cầu của Điều 6 có ngụ ý rằng người được thi hành án (người khởi kiện) không những có quyền yêu cầu Tòa án xét xử công bằng trong một thời gian hợp lý mà còn có quyền yêu cầu khôi phục lại quyền và lợi ích hợp pháp của mình thông qua việc thi hành án hiệu quả trong một thời gian hợp lý nhằm thỏa mãn yêu cầu của người được thi hành án theo bản án, quyết định của Tòa án. Tất cả các quốc gia thành viên châu Âu, theo quy định bắt buộc của Công ước châu Âu về nhân quyền phải quy định trong hệ thống pháp luật quốc gia của mình một hệ thống tổ chức thi hành án và thủ tục THADS hiệu quả và công bằng.
Nói về vai trò của THADS trong bối cảnh cải cách tư pháp đối với yêu cầu phát triển kinh tế ở châu Âu, bà Viviane Reding - Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu cho rằng: “Một hệ thống tư pháp hiệu quả và độc lập là một yếu tố then chốt để một quốc gia có thể thu hút đầu tư và kinh doanh. Đó là lý do vì sao một quyết định tư pháp được thi hành kịp thời, hiệu quả lại trở nên quan trọng và cũng là lý do mà yêu cầu cải cách nền tư pháp ở mỗi quốc gia thành viên châu Âu được coi là một trong những yêu cầu quan trọng bắt buộc trong chiến lược phát triển kinh tế của châu Âu”.
Quan điểm này cũng là một trong những gợi mở nhằm tiếp tục hoàn thiện chủ trương, đường lối phát triển kinh tế ở Việt Nam trong thời gian tới. Nhận thức về mối quan hệ giữa hiệu quả công tác THADS với việc xây dựng thành công nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, ngày 03/06/2017, Ban Chấp hành Trung ương đã có Nghị quyết số 11-NQ/TW về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó đã khẳng định phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách tư pháp, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả của các thiết chế giải quyết tranh chấp dân sự, kinh doanh, thương mại, tăng cường tính độc lập của hệ thống tư pháp các cấp trong xét xử, THADS, kinh tế.
Hy vọng những chia sẻ về vai trò và ý nghĩa của THADS qua góc nhìn của các học giả quốc tế sẽ cho chúng ta thêm động lực và niềm tin để không ngừng nâng cao hiệu quả công tác THADS, qua đó đưa lĩnh vực THADS Việt Nam xích lại gần hơn với thông lệ THADS trên thế giới.