Sáng nay - 15/4, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức lễ công bố trực tuyến Báo cáo thường niên Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2020.
Chỉ số PCI do VCCI và USAID hợp tác xây dựng từ năm 2005 để đánh giá về chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của của chính quyền các tỉnh, thành phố tại Việt Nam, qua đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.
Phát biểu khai mạc, Quyền Giám đốc USAID Việt Nam Brad Bessire khẳng định: "PCI đã đóng vai trò quan trọng thúc đẩy sự minh bạch và trách nhiệm giải trình trong điều hành kinh tế của các tỉnh thành. Chúc mừng PCI về nỗ lực cải cách không mệt mỏi trong suốt 16 năm qua."
Kết quả điều tra DN FDI năm 2020 cho thấy Việt Nam tiếp tục được xem là điểm đến đầu tư hấp dẫn, với lợi thế là chính trị ổn định, thủ tục hành chính dần thông thoáng hơn, thanh tra, kiểm tra và chi phí không chính thức đã giảm bớt. Các nhà đầu tư nước ngoài kỳ vọng Việt Nam tiếp tục kiểm soát tham nhũng, cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ công, hoàn thiện hệ thống thủ tục, quy định và nâng cấp mạnh mẽ chất lượng cơ sở hạ tầng.
Bảng xếp hạng PCI 2020. |
Trong đó Quảng Ninh, Đồng Tháp, Long An, Bình Dương và Đà Nẵng lần lượt là các địa phương có chất lượng điều hành kinh tế được đánh giá cao nhất trong Bảng xếp hạng PCI 2020.
“PCI là một chỉ số của hành động. PCI thúc đẩy những hành động thực chất của chính quyền các tỉnh thành phố nhằm cải thiện chất lượng điều hành và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Đó là việc xây dựng và thực thi chính sách dựa trên bằng chứng từ kết quả do PCI cung cấp. Đó là sự tìm tòi và phát triển những ý tưởng cải cách, những mô hình tốt cấp cơ sở. Thực tế, PCI đã cổ vũ và lan tỏa nhiều thực tiễn tốt tại Việt Nam trong thời gian qua”, TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI - phát biểu,
Chủ tịch VCCI dẫn chứng một loạt mô hình như “Cà phê doanh nhân” khởi nguồn từ Đồng Tháp, mô hình trung tâm phục vụ hành chính công, trung tâm xúc tiến và hỗ trợ đầu tư, Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, quận, huyện (DDCI) được triển khai rất thành công tại tỉnh Quảng Ninh, Tuyên Quang… đã được nhân rộng trên 40 - 50 tỉnh, thành phố trên cả nước. Những sáng kiến khác như trung tâm tư vấn trợ giúp pháp lý cho DN, “Bác sĩ DN”, các mô hình thúc đẩy đối tác công tư… cũng được PCI góp phần ươm tạo và lan toả…
“PCI là “cánh én” góp phần làm nên những mùa xuân cải cách” - Chủ tịch VCCI ví von.
Triển khai xây dựng và công bố từ năm 2005, PCI là một bộ chỉ số hợp thành bởi 10 chỉ số thành phần, bao gồm: chi phí gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất, tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, tính năng động của chính quyền địa phương, môi trường cạnh tranh bình đẳng, dịch vụ hỗ trợ DN, đào tạo lao động, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự. Với sự hỗ trợ từ USAID, PCI do một nhóm chuyên gia trong và ngoài nước của VCCI thực hiện. Sự kiện công bố Báo cáo PCI 2020 có sự đồng hành của Công ty TNHH nước giải khát Coca-Cola Việt Nam. Báo cáo và dữ liệu điều tra PCI 2020 có tại trang web www.pcivietnam.vn.
Năm 2020 là một năm đặc biệt khó khăn với DN Việt Nam do tác động của dịch bệnh COVID-19. COVID-19 đã tác động tiêu cực đến hoạt động của DN trên diện rộng, ở hầu khắp các ngành, trên toàn bộ các vùng của cả nước; ảnh hưởng nghiêm trọng trong việc làm sụt giảm doanh thu và lợi nhuận của các DN trong năm vừa qua. Các DN cũng đã phải cắt giảm lực lượng lao động. Các chính sách của Nhà nước hỗ trợ DN vượt qua COVID-19 có tác động trên thực tế không đồng đều nhau, một số chính sách có hiệu ứng thực tiễn cao như giãn nộp thuế và gia hạn tiền thuê đất... Điều tra cũng cho thấy mức độ thích ứng khá cao của DN Việt Nam trước đại dịch.
Điều tra PCI 2020 cho thấy chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh tại Việt Nam có xu hướng cải thiện theo thời gian. Những chuyển động tích cực được ghi nhận bao gồm chi phí không chính thức tiếp tục đà giảm, an ninh trật tự được giữ vững, chính quyền cấp tỉnh năng động, tiên phong hơn, cải cách hành chính có cải thiện đáng kể và môi trường kinh doanh ngày càng bình đẳng.
Tuy nhiên, kết quả điều tra cho thấy chính quyền cấp tỉnh cần cải thiện mạnh mẽ tính minh bạch của môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng thực thi của hệ thống chính quyền cấp cơ sở, tiếp tục thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính và giảm gánh nặng thanh tra, kiểm tra cho DN, tiếp tục nỗ lực cắt giảm chi phí không chính thức cho các DN.
“Chúng ta đã chuyển mình nhưng vẫn còn nhiều “bậc thang” cải cách khác mà chính quyền các cấp cần nâng bước, để vươn tới những “tầng cao” với những “ô cửa mở” của tương lai… Chúng ta không chỉ bước dài hơn mà nâng bước chân đi cao hơn..” - Chủ tịch VCCI truyền thông điệp.
Ấn tượng Bình Dương
Trong bản xếp hạng PCI 2020, Quảng Ninh tiếp tục giữ vị trí quán quân. Đây là năm thứ tư liên tiếp địa phương này dẫn đầu Bảng xếp hạng PCI. Quảng Ninh cũng là địa phương duy nhất trong 63 tỉnh thành, thành phố vượt qua điểm mốc 75 điểm trong kết quả PCI từ năm 2010 trở lại đây.
Trong số Top 10 tỉnh, thành phố đã xuất sắc đứng trong top 10 của “cuộc đua” PCI 2020 (Đồng Tháp, Long An, Bình Dương, Đà Nẵng, Vĩnh Long, Hải Phòng, Bến Tre, Hà Nội và Bắc Ninh), Bình Dương “ghi điểm” bởi thành tích nổi trội “vượt qua chính mình”.
Năm 2016, Bình Dương xếp thứ 4 trong Bảng xếp hạng PCI với số điểm tổng hợp 63,57 điểm thì các năm tiếp theo, mặc dù vẫn nằm trong nhóm điều hành 2 và 3 nhưng thứ hạng đã có sự giảm sút. Trong Bảng xếp hạng PCI 2019, địa phương này tụt hạng, đứng thứ 13 trong bảng xếp hạng mặc dù điểm số đã có sự cải thiện (67,38 điểm). Thứ hạng này đã có sự vươn lên ấn tượng trong Bảng xếp hạng PCI 2020 khi trở về thứ hạng thứ 4 của năm 2016 nhưng điểm số đã có sự cải thiện đáng kể (70,16 điểm).
Trong số Top 10 tỉnh, thành phố đã xuất sắc đứng trong top 10 của “cuộc đua” PCI 2020, Bình Dương “ghi điểm” bởi thành tích nổi trội “vượt qua chính mình”. |
Theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI, Giám đốc Dự án PCI, Bình Dương là địa phương có sự cải thiện mạnh mẽ nhất khi tăng 2,78 điểm và 9 bậc so với kết quả năm 2019, với những đánh giá tích cực của doanh nghiệp về gia nhập thị trường (tăng 1,22 điểm) và công tác hỗ trợ doanh nghiệp (tăng 0,91 điểm).
“Đây là kết quả của việc Bình Dương đã rà soát và hoàn thiện cơ chế một cửa liên thông đăng ký DN và giải quyết các thủ tục về đầu tư; thực hiện công khai minh bạch các cơ chế, chính sách, quy trình, thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp, đăng ký đầu tư và tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong thu hút, quản lý các dự án đầu tư; hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi, giải quyết các vướng mắc để các dự án triển khai nhanh đi vào sản xuất kinh doanh…” - ông Tuấn nhấn mạnh.